Theo câu ca về với Lễ hội chùa Keo
Đời sống 26/09/2024 10:13
“Dù cho cha đánh mẹ treo
Em không bỏ hội chùa Keo hôm Rằm”...
Đó là câu ca truyền đời đi cùng năm tháng với ngôi chùa cổ có bề dày ngàn năm lịch sử: Chùa Keo - Thái Bình!
Tương truyền, năm 1061 Thiền sư Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang tại làng Giao Thủy (tên nôm là Làng Leo) bên hữu ngạn sông Hồng. Khi một trận lũ lớn cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa, một nửa dân làng Keo vượt sông đến định cư phía Đông Bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng lên chùa Keo. Chùa mới được bắt đầu dựng từ năm 1630, hoàn thành sau 2 năm theo phong cách kiến trúc thời Lê, rồi được trùng tu nhiều lần vào các thế kỉ XVII, XVIII và năm 1941. Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình, gồm 128 gian, phân bố trên 2.022m2. Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25m ở ngoài cùng, qua một sân lát đá là tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa chạm rồng chầu (thế kỉ XVI).
Gác chuông chùa Keo Thái Bình. |
Chùa được xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, bên ngoài là chữ Quốc bao bọc bởi 2 dãy hành lang bên tả, bên hữu gồm 42 gian. Phía trước là hai cổng vào tòa nhà Hộ, phía sau là nhà thờ Tổ và gác chuông. Bên trong là chữ Công “kép” (vì chùa thờ tiền Phật, hậu Thánh). Cụm kiến trúc chữ Công phía trước là nơi thờ Phật, còn cụm kiến trúc chữ Công phía sau là thờ vị Thánh Không Lộ. Tương truyền trước khi viên tịch, Ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng này nay còn lưu giữ trong hậu cung, cùng những đồ thờ quý giá là đồ dùng của Ngài, như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc óng ánh như dát vàng. Giữa 2 cụm kiến trúc ấy có tòa Giá Roi.Trong cùng là tòa gác chuông, nhà Tổ và khu tăng xá. Gác chuông chùa Keo cao hơn 11m, là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo. Ba tầng mái trên theo lối chồng diêm, dưới tầng mái có 84 cửa dàn thành 3 cửa, 28 cụm lớn tạo thành những dàn cánh tay đỡ mái, tạo nên vẻ thanh thoát trang nghiêm.
Gác chuông chùa Keo như một đóa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn của làng Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Những cụm kiến trúc xếp theo một trục dài cao thấp khác nhau, kiến tạo nhiều lớp, nhiều tầng, ẩn hiện dưới những lùm cây cổ thụ ấy gợi cho du khách tham quan nhiều cảm nhận lí thú theo từng khoảnh khắc thời gian.
Chùa Keo là công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở đồng bằng Bắc Bộ, là bức tranh sinh động minh họa cho lịch sử văn hóa nước ta từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XX, đồng thời là nơi gặp gỡ kiến trúc Trung Quốc và kiến trúc Việt Nam. Ngôi chùa cổ kính còn bao bọc bởi hồ nước chung quanh tạo thế chùa vừa mở rộng, vừa vươn cao trong một không gian bao la giữa chốn thiền: Rõ là cảnh đấy người đây/ Chùa keo ơi! Nước non này nên duyên… (Trẩy hội chùa Keo - Nguyễn Trọng Thắng )
Điều đặc biệt chùa Keo còn lưu giữ hiện vật đáng quý là 99 chiếc cối đá thùng xếp thành giếng nước kề sát gần gác chuông, tảng đá mài gần 1m và chiếc khánh đá ngũ âm. Tương truyền rằng những chiếc cối đá đó, cha ông xưa đã dùng để giã gạo phục vụ cho các cánh thợ và tảng đá để mài dao, đục, chàng,… trong suốt thời gian dựng chùa. Phía sau hậu chùa có một cây si hàng trăm năm tuổi vốn trồng trong một chiếc cối đá, đã bủa rễ nâng cả khối đá nặng nên khỏi mặt đất, biểu thị sức sống mãnh liệt, sự thiền tâm, thiền pháp của ngôi chùa.
Đến với chùa Keo, du khách còn được ngắm 2 hàng cây đa, đề hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát trước tam quan chùa, là những cây cổ thụ duy nhất tồn tại ở đồng bằng Bắc Bộ.
Với bề dày lịch sử và bao huyền tích linh thiêng, chùa Keo được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia đặc biệt. Và lễ hội chùa Keo, biểu tượng của nền văn hóa lúa nước châu thổ sông Hồng đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Từ trách nhiệm bảo lưu, thừa kế, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, Huyện ủy, UBND huyện Vũ Thư đã duy trì thường niên Lễ hội chùa Keo an toàn và hiệu quả. Đặc biệt, vượt lên ảnh hưởng bão lũ Yagi, Lễ hội chùa Keo mùa Thu 2024, tiếp tục được duy trì tổ chức trọng thể. Khai mở hội trong 7 ngày, từ 12 đến 19/10/2024 (tức ngày 10 đến 17/9 âm lịch). Ngoài các hoạt động tín ngưỡng khai kết hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, huyện Vũ Thư tổ chức Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực đặc trưng của địa phương để du khách thập phương thưởng ngoạn hương vị độc đáo của một miền văn hóa.