Tiếng khèn mùa Xuân trong văn hoá của người Mông
Văn hóa - Thể thao 27/01/2022 09:07
Với khèn Mông Lềnh, trong sáu ống tương ứng với sáu nốt nhạc, ống to nhất nhưng lại ngắn nhất ở vị trí ngón cái tay phải gọi là ntir luôr-n-tí lúa, tạm quy vào nốt đố; năm nốt khác tương ứng với các nốt la, sol, fa, rề, đồ. Khèn Mông Đơư (Mông trắng) chỉ khác khèn Mông Lềnh ở nốt nhạc. Nhạc khèn đều có lời, tuy nhiên phải là những người có năng khiếu thiên bẩm mới đọc và hiểu được nội dung.
Và, bất kì ai dù có năng khiếu âm nhạc nhưng là tộc người khác thì không thể thổi ra bài và không thể hiểu được khèn Mông. Cũng vì thế nên khèn là nhạc cụ bí truyền. Khèn Mông thể hiện rõ bản tính giàu tình cảm, cũng bộc lộ tính cách mạnh mẽ, bất khuất, quật cường nhưng lại phóng túng, hài hoà với thiên nhiên.
Trong lễ hội mùa Xuân của người Mông không thể thiếu được tiếng khèn... |
Khèn được tách ra thành khèn vui chơi, khèn tâm tình, khèn lễ cưới và khèn tang ma. Trong lễ cưới và tang ma gọi chung là khèn nghi lễ (cũng như các bài ca nghi lễ trong dân ca), đều có bài bản theo một hệ thống quy phạm nghiêm ngặt. Riêng đám tang, bài khèn còn phải song trùng với bài trống.
Khèn Mông thường có ba loại: To, vừa và nhỏ, còn gọi là khèn đại: Âm trầm và chuyên dùng trong đám tang ma; Khèn trung: Âm thanh vừa, thường dùng khi tâm tình hoặc đám cưới; Khèn tiểu: Âm sắc dùng khi vui chơi và nhảy múa đơn hoặc múa tập thể.
Vũ điệu múa khèn thể hiện rất rõ ở ba loại hình: Múa võ, múa chọi và múa tài tử. Loại hình múa võ có thể thấy ở những động tác một tay bấm nốt khèn, một tay vỗ bàn chân; hay rạp người thấp xuống rồi dùng chân gạt đối thủ; hoặc phóng chân đá vào mặt đối thủ.
Loại hình chọi điển hình ở những động tác ngồi xổm, hai chân đảo nhau đá về phía trước, nhảy cao đá chân về phía sau hay hai người đạp bàn chân vào nhau. Loại hình tài tử điển hình như đi thăng bằng trên dây, nhảy múa trên cọc, nhảy trên miệng chảo đang sôi, trồng cây chuối, dùng đầu làm điểm tựa rồi cong người nhào lộn vòng tròn, dùng đầu làm điểm tựa rồi bật tung người về phía trước hay bật ngửa về phía sau, thậm chí lăn lộn qua đống lửa. Tất cả động tác dù phức tạp nhưng tiếng khèn vẫn không dứt, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sức khỏe, tinh nhanh, nhạy bén, dũng khí can trường.
Với người Mông, thổi khèn là để tâm tình với mình, thủ thỉ với người yêu hoặc dùng tiếng khèn chuyện trò với bạn bè và trổ tài trong đám đông như ngày hội Xuân, ngày chợ phiên…
Qua ngày mồng một Tết, nếu gia đình nào đứng chính chủ mở hội gâu tào (grâuk taox) thì cũng phải mời thầy khèn thổi bài khai hội, sau đó cùng với việc tổ chức nhiều trò chơi, các tài tử khèn cũng vào cuộc thi thố mà phần thưởng là những lời thán phục, là được mọi người trọng nể.
Khèn không chỉ thuộc về phái nam. Xưa kia cả phái nữ cũng thổi và múa khèn. Vũ điệu khèn nữ bao giờ cũng uyển chuyển như rồng lượn công múa. Nay người Mông Trung Quốc còn giữ được truyền thống đó. Còn người Mông ở Việt Nam, Lào, Miến Điện… thiếu nữ nhất mực lấy đàn môi, kèn lá và đường kim mũi chỉ làm thi phẩm tâm giao. Và, chàng trai nào giỏi khèn, đó là một trong những tiêu chí làm các cô gái xiêu lòng.
Riêng ở Việt Nam, điệu khèn, khuôn múa độc đáo đã góp phần giao hoà hội nhập, trở thành một sản phẩm tinh thần thu hút khách du lịch muôn phương. Tiến trình chuyển động gấp gáp của cuộc sống đã giúp người Mông rũ được đói nghèo, song cũng gây ra tình trạng bứt khỏi lễ tục văn hoá truyền thống, nhất là một bộ phận trẻ tuổi do nhanh chóng tiếp thu kiến thức khoa học để theo kịp với xã hội tiên tiến.
Hiện, nghệ nhân chế tác và nghệ sĩ khèn vắng bóng dần, ngay như lễ thức thổi khèn trong lễ cưới cũng bị mai một. Tuyệt kĩ khèn là báu vật sáng tạo của muôn thế hệ cộng đồng người Mông, là biểu trưng văn hoá Mông truyền thống cần phải bảo tồn và gìn giữ.