Thánh tổ nghề đan cỏ tế ở làng Lưu Thượng
Nhịp sống văn hóa 30/12/2021 10:19
Truyện kể rằng, thuở vùng đất Lưu Thượng còn hoang sơ, chỉ có rừng rậm âm u, xen lẫn đầm hồ sình lầy, cây dại chằng chịt. Khi dân chúng khắp nơi kéo về đây an cư, lập nghiệp. Bà Nguyễn Thảo Lâm lên rừng tìm cây có sợi mềm dẻo để buộc khung nhà tre làm nhà ở, đã tìm ra cây cỏ tế làm dây buộc vừa chắc, vừa bền. Bà còn nảy ra ý tưởng sử dụng loại cây này để đan các vật gia dụng như rổ rá, dần sàng, thúng mủng, nong nia, sọt, gầu,....
Ban đầu bà pha nhỏ sợi dây cỏ tế ra làm nhiều phần, tuỳ theo vật dụng cho phù hợp.
Cây cỏ tế còn có tên gọi là cỏ guột. Thường mọc ở vùng trung du, nhiều nhất là các tỉnh vùng núi cao. Là loại cây thuộc họ dương xỉ, thân mềm, màu đỏ nâu, đường kính to gần bằng đầu đũa, dài từ 1,8m tới 2,2m.
Bằng nghề đan cỏ tế, dân làng Lưu Thượng có của ăn, của để. Dân trong vùng mệnh danh là làng “Giàu tế”. Tuy nhiên quy mô phát triển làng nghề trải qua hàng mấy thế kỉ đến nay vẫn mang tính thủ công.
Nghề đan cỏ tế ở làng Lưu Thượng |
Quá trình sản xuất: Chọn cỏ tế màu sắc đẹp, có độ dẻo dai, phù hợp với các mặt hàng. Trước khi chế biến ngâm cỏ tế vào nước nửa ngày rồi mới chẻ lớp vỏ ngoài bỏ đi, phơi 3 nắng to, khô kiệt mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Cũng có khi để nguyên cả cây hay chẻ ra làm 2 tới 3 hoặc 4 phần, cho phù hợp với từng mẫu mã. Phân loại theo màu sắc, kích cỡ để tạo hình cho các sản phẩm.
Thành phẩm được hun sấy bằng diêm sinh, sau đó được nhúng qua dầu keo để tăng độ bền, có thể nhúng từ 2 tới 3 lần phơi khô kiệt rồi mới sử dụng hoặc bán.
Vào những năm đầu 90 thế kỉ trước, các mặt hàng truyền thống làm từ cỏ tế nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) và các quốc gia Đông Âu. Ngoài cỏ tế, các nguyên liệu khác được tận dụng như: Cói, cỏ lăn, bẹ chuối, bẹ ngô, bèo lục bình; kết hợp với mây, dang, tre đan để tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mĩ nghệ phong phú và đa dạng.
Từ vùng đồng chiêm trũng (Khu Cháy cũ), các làng trong xã Phú Túc nhờ có cây cỏ tế làm nguyên liệu sản xuất, có nghề truyền thống, đời sống của người dân trong xã ổn định. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp xã Phú Túc đạt gần 200 tỉ đồng mỗi năm. Riêng năm 2019 đạt tới 257 tỉ đồng.
Nghề đan cỏ tế gần giống như mây tre đan. Tuy nhiên cỏ tế có những ưu thế mà mây tre không có, đó là sắc màu tự nhiên (đỏ nâu), mềm mại, dẻo dai dễ tạo dáng, đặc biệt có độ bền cao. Năm 1995, tám làng của xã Phú Túc được UBND tỉnh Hà Tây (TP Hà Nội ngày nay) cấp bằng công nhận làng nghề “Đan cỏ tế” và điểm du lịch làng nghề truyền thống.
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, để tưởng nhớ công ơn của bà Nguyễn Thảo Lâm, người đầu tiên tìm ra những tác dụng ưu việt của cỏ tế và truyền dạy nghề đan cỏ tế cho dân, dân làng Lưu Thượng tạc tượng và tôn vinh bà là “Thánh tổ nghề”, thờ phối tại đình làng cùng Thành hoàng làng Sỹ Nhiếp.
Lễ hội làng từ mùng 7- 9 tháng Giêng, ngoài các nghi lễ tế chính còn có những trò chơi dân gian. Đây là dịp lễ trọng thể biểu hiện lòng thành kính với Thành hoàng và “Thánh tổ nghề” gắn kết cộng đồng, cầu mong mùa màng bội thu, làng nghề phát triển, cuộc sống ấm no, phồn thịnh.