Pleiku xưa và nay
Nhịp sống văn hóa 03/12/2019 13:33
Quảng trường Đại đoàn kết ở TP Pleiku |
Pleiku hóa thân từ đống tro tàn đổ nát sau chiến tranh để trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Gia Lai. Khi ấy, các con đường nhựa ở Pleiku rất nhỏ, chỉ vừa hai làn xe ô tô tránh nhau, chủ yếu là các đường: Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Phú, Lê Lợi… còn lại là đường đất, bụi "nhuộm đỏ người" về mùa khô và trơn trượt về mùa mưa. Bây giờ, tất cả các con đường có tên đều được thảm nhựa, về đến các xã, phường; các hẻm được thảm bê tông, đi lại rất thuận tiện. Đặc biệt, vừa qua, tỉnh mới làm lễ khánh thành việc nâng cấp đường Hai Bà Trưng dài 1.105m, rộng 34m và đang tiếp tục thi công đường Trần Phú dài 770m, rộng 34m. Tổng mức đầu tư hai con đường này là 100 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Một góc Biển Hồ |
Về đường hàng không, năm 1960, sân bay Pleiku được xây dựng, nhỏ, sử dụng mục đích quân sự là chính. Nay qua nhiều giai đoạn nâng cấp, Cảng hàng không Pleiku đã làm 1 đường hạ, cất cánh dài 2.400m, rộng 45m; sân đỗ tàu bay với 5 vị trí đỗ máy bay A320, A321 và tương đương theo phương thức tàu bay tự lăn vào, lăn ra. Nhà ga hành khách rộng gần 3.175m2, với năng lực 600 nghìn khách/năm. Các loại máy bay lớn có sức chứa bình quân 180 hành khách. Cảng hàng không Pleiku hiện có 4 hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways khai thác các đường bay nối Pleiku đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng; đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới Cảng hàng không dân dụng trên toàn quốc.
Sân bay Pleiku |
Hồi mới giải phóng, điện thắp sáng chạy bằng dầu điêzen, điện rất yếu lập lòe như đom đóm; các xã vùng ven không có điện, chủ yếu thắp đèn dầu. Hiện nay, điện sinh hoạt và sản xuất đã đến từng hộ gia đình. Mỗi khi màn đêm buông xuống, nhìn từ trên cao thành phố Pleiku như bầu trời sao lung linh, huyền ảo. Từ một bến xe liên tỉnh nhỏ bé nay nhường chỗ cho khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đạt tiêu chuẩn 4 sao gồm 117 phòng ngủ với nội thất cao cấp và sang trọng, được trang bị đầy đủ tiện nghi, kết nối Internet không dây, 31 kênh ti vi trong và ngoài nước; 2 nhà hàng, chuyên phục vụ các món ăn Âu, Á.
Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai |
Ngoài ra, trên địa bàn TP Pleiku còn có 47 khách sạn, 13 nhà hàng, 11 quán cà phê, 13 điểm mua sắm, 8 ngân hàng đủ sức chứa và phục vụ ăn uống, giải khát, giao dịch tiền tệ cho hàng ngàn lượt du khách cùng một thời điểm. Bệnh viện tỉnh Gia Lai - Kon Tum quy mô nhỏ và một số nhà dân đã được thay thế bằng Quảng trường Đại đoàn kết rộng hơn 2ha. Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cao 10,8m, nặng 16 tấn làm bằng đồng nguyên chất theo công nghệ mới. Phù điêu phía sau tượng Bác rộng 600m2 được mô phỏng theo hình bông sen nở, uốn cong hình điệu xoang Tây Nguyên. Mặt trước bức phù điêu được khắc hình ảnh thể hiện đời sống sản xuất, sinh hoạt văn hóa cũng như chiến đấu trong thời kì kháng chiến của nhân dân Tây Nguyên theo dòng lịch sử.
Phía trước Quảng trường bên tay trái là khối đá lớn tạc nội dung bức thư Bác Hồ gửi cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19/4/1946); phía trước là 54 thảm cỏ xanh và sang bên phải là 54 khối đá hình trụ tạo thành hình tháp biểu thị sức mạnh đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hai bên tượng đài treo 2 giàn cồng chiêng trên những cột đá bazan. Phía sau, tượng đài là núi đồi được mô phỏng dáng ngọn núi Hàm Rồng biểu tượng của Gia Lai. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống cây xanh trong Quảng trường gồm nhiều loại gỗ quý của núi rừng Tây Nguyên như cẩm, sao, hương, trắc… trong đó, tỉnh Lâm Đồng gửi tặng 100 cây mai đào…
Nhìn lại quá khứ để thấy bức tranh hiện tại. Cán bộ và đồng bào các dân tộc thành phố Pleiku quyết tâm xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, văn minh và đang vươn tới mục tiêu đô thị "cao nguyên xanh vì sức khỏe" trong tương lai.