Con chim đầu đàn của Chi hội Cựu chiến binh
Tuổi cao gương sáng 28/03/2023 07:46
Ông Trần Văn Thu trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương về thành tích xuất sắc trong hoạt động CCB |
Năm 1968, ông cùng đơn vị tham gia giải phóng tỉnh Bình Định thì bị thương và bị địch bắt rồi đày ra Nhà tù Phú Quốc. Do ông không đủ tuổi 18 nên bọn địch đưa về Trại giam Biên Hòa, tại khu A có hơn 1.000 tù binh, hầu hết là thương binh cộng sản. Bọn địch đã dùng bọn lính chiêu hồi tra tấn và giết hại rất nhiều tù binh của ta. Trước tình hình nguy cấp, lãnh đạo Chi bộ trong trại giam đã giao nhiệm vụ cho một số đồng chí cảm tử (trong đó có ông Thu) tiêu diệt bọn chiêu hồi bán nước, sát hại tù binh. Khi đội cảm tử diệt được 4 tên chiêu hồi thì bị lộ. Bọn địch đã tra tấn rất dã man và đưa đội cảm tử ra xử tại Tòa án binh của địch dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc và Đoàn đại biểu quân sự bốn bên. Sau hai ngày tranh luận tại Tòa, không buộc tội được ông và đồng đội nên bọn địch đã đày ông ra Nhà tù Phú Quốc lần nữa. Ở đây, đã diễn ra những cuộc tra tấn tàn khốc chưa từng có trong lịch sử như: Nhốt chuồng cọp, biệt giam, nấu người trên chảo nước sôi, đục lấy xương bánh chè, ép ván vỡ lồng ngực, bẻ răng, đóng đinh vào tay… Một cuộc đối đầu giữa những người tù đói khát, tay không, với một thế lực Chúa đảo hung bạo, có đầy đủ vũ khí tra tấn tù nhân nhằm triệt tiêu ý chí kiên cường của các chiến sĩ tù binh cộng sản Việt Nam. Nhưng ổ sắt không khóa nổi những linh hồn bất tử, xà lim không giam nổi ý chí quật cường.
Ông Trần Văn Thu (bên trái) cùng đồng đội được lãnh đạo trường Tiểu học Nguyễn Du tặng hoa khi nói chuyện truyền thống với học sinh nhà trường. |
Năm 1973, Hiệp định Pari về Việt Nam được kí kết, ông Thu cùng đồng đội được trao trả tù binh tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Trở lại quê nhà, ông tiếp tục vào Quân giải phóng tham gia đánh địch cho đến năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Vợ ông, bà Nông Thị Mai cũng tham gia du kích từ năm 1966, bị địch bắt giam tại các Nhà tù ở Quy Nhơn, Phú Tài và Cần Thơ. Sau giải phóng, bà về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định và nghỉ hưu.
Ngày 20/5/1975, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau một thời gian công tác tại tỉnh Bình Định, ông được cử ra miền Bắc học văn hóa và tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân rồi trở lại quê hương công tác. Năm 1995, gia đình ông chuyển lên tỉnh Gia Lai lập nghiệp. Từ năm 2000 đến nay, ông liên tục được tín nhiệm giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) tổ dân phố 8, phường Ia Kring, thành phố Pleiku; 3 nhiệm kì liền ông được bầu là Ủy viên Thường vụ Hội CCB phường. Với tác phong miệng nói hay, tay làm giỏi, ông đã xây dựng Quỹ Chi hội 35 triệu đồng qua khởi xướng phong trào tiết kiệm “nuôi heo đất”, góp vốn quay vòng và cán bộ, hội viên đóng góp, đồng thời huy động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền để giúp đỡ các hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn vươn lên thoát nghèo. Chi hội đã giúp 1 hội viên thoát nghèo và 2 hội viên cận nghèo có kinh tế ổn định.
Ông Trần Văn Thu (người mặc quân phục đội mũ) cùng đồng đội thắp hương tại Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hi sinh tại Trại giam tù binh Pleiku thời kì 1966-1972 |
Hội viên Trần Lộc bị xuất huyết một mắt, có nguy cơ bị mù, con đông, vợ mắc bệnh hiểm nghèo. Ông đã họp Chi hội CCB đột xuất quyên góp được hơn chục triệu đồng hỗ trợ ông Lộc đi chữa mắt, thoát khỏi mù lòa. Ông Quảng Văn Lệ, vợ mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, gia đình không có tiền; ông Thu vận động hội viên trong Chi hội ủng hộ gần chục triệu đồng điều trị. Anh Nguyễn Quốc Cường, bộ đội xuất ngũ bị suy thận nặng, ông đã vận động 3 triệu đồng từ các nhà hảo tâm hỗ trợ anh chạy thận.
Chứng kiến cảnh Đội 343 (nay là Đội K52) của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khai quật hố chôn tập thể 240 chiến sĩ cách mạng bị sát hại, ông đã mạnh dạn đề nghị UBND thành phố Pleiku đầu tư kinh phí xây dựng Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hi sinh tại Trại giam tù binh thành phố thời kì 1966-1972 để cán bộ, nhân dân có thể dâng hương trong các ngày lễ trọng đại của tỉnh và đất nước.
Với cương vị Ủy viên Thường vụ Hội CCB phường, ông cùng với Ban Chấp hành và toàn thể cán bộ, hội viên tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Hội vững mạnh xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, trong đó có việc giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh trên địa bàn phường giúp thế hệ trẻ có điều kiện rèn luyện, trưởng thành và sống có lí tưởng. Ông đã cùng tập thể đưa Chi hội từ mức hoạt động trung bình vươn lên Chi hội nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh xuất sắc, được Hội CCB tỉnh tặng 2 Bằng khen và được các cấp nhiều lần khen thưởng.
Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Ba, Kỉ niệm chương chiến sĩ cách mạng; được UBND tỉnh và Hội CCB tỉnh nhiều lần khen thưởng.