Phục dựng đám cưới các dân tộc thiểu số
Văn hóa - Thể thao 04/01/2024 10:33
Xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh có rất đông người Dao sinh sống, hằng năm đều tổ chức Lễ hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Dao. Tại các lễ hội đều phục dựng đám cưới Dao, từ đó nhiều người được chứng kiến các thủ tục trước lễ cưới, các nghi lễ cũng như những nghi thức trang trọng hoan hỉ nhất của cuộc thành hôn. Nghi lễ được tổ chức từ tối hôm trước đến hết ngày hôm sau. Nhà gái và nhà trai cùng thực hiện các nghi thức: Hát đối đáp giữa đoàn đón dâu nhà trai với nhà gái, lễ se tơ, lễ tiếp nhận lễ vật do nhà trai mang đến, nghi thức đón dâu…. Vào ngày này, cô dâu mặc trang phục của dân tộc mình, đó là bộ đẹp nhất và cầu kì nhất. Điều quan trọng là bộ trang phục phải do chính tay cô dâu tự thêu cho mình trước khi lấy chồng. Nếu không phải do mẹ, chị, cô, dì hay bác ruột của cô dâu thêu cho. Ngoài ra, cô dâu còn có một chiếc khăn thêu độc đáo, một chiếc mũ đội đầu thêu hoa văn có rua bốn bên và chiếc khăn che mặt, được thêu bằng những sợi chỉ sặc sỡ. Trang phục chú rể là chiếc áo nhuộm chàm và chiếc mũ vải thêu hoa văn đơn giản. Khi đón dâu về, chú rể người Dao cõng cô dâu trên lưng.
Đám cưới Sán Dìu, cô dâu ngồi trong kiệu về nhà chồng. |
Ông Phùn Chi Nàm, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, nơi diễn ra nhiều lễ cưới Dao còn giữ nguyên bản sắc dân tộc, cho hay: “Chú rể cõng cô dâu về nhà mình, thể hiện sự tôn trọng của gia đình nhà chồng đối với người phụ nữ”.
Cũng theo ông Nàm, trong nhiều gia đình người Dao, người phụ nữ lo kinh tế chính. Họ lên rừng làm việc như đàn ông. Sau buổi lên rừng hay ra ruộng về nhà, đàn ông thường nghỉ ngơi, nhưng phụ nữ vẫn phải làm công việc chăn nuôi lợn gà, nấu cơm, chăm con. Lúc rảnh rỗi phụ nữ lại ngồi đan thêu các bộ quần áo truyền thống. Dù cuộc sống có nghèo khó vật vả, nhưng phụ nữ Dao vẫn luôn chung thủy với chồng con. Do vậy họ rất đáng được tôn trọng.
Người dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh tập trung đông tại xã Bình Dân, huyện Vân Đồn và xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Trong các đám cưới người Sán Dìu, chú rể cũng cõng cô dâu về nhà mình. Ở xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, các lễ cưới Sán Dìu được phục dựng trong lễ hội Đại Phan hằng năm, cô dâu được nhà trai mang kiệu đến khênh về thể hiện sự tôn trọng.
Đám cưới người Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu, cô dâu đi với họ nhà gái từ nhà mình đến nhà chồng, để thể hiện sự trinh tiết, cho đến khi nhà chồng làm lễ chấp nhận là thành viên trong gia đình. Người Sán Chỉ rất thích hát Soóng cọ, lối hát giao duyên được các đôi trai gái hát với nhau vào các buổi tối bên cánh rừng, bờ suối hay đám ruộng cạn. Ngày cưới, bên nhà trai, nhà gái cũng hát đối nhau, nhà gái ra câu đối, nhà trai phải hát lại trả lời được thì mới được vào đón dâu.
Ngày nay, hầu hết các đám cưới của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ được những tập tục truyền thống. Việc chú rể cõng cô dâu, hay khênh kiệu không phải đám cưới nào cũng có, nhưng hát đối nhau, hay mặc trang phục truyền thống trong đám cưới thì hầu như đám cưới nào cũng thể hiện.