Phát triển công nghiệp văn hóa: "Khát” những không gian sáng tạo bền vững
Nhịp sống văn hóa 23/08/2021 17:42
Không gian sáng tạo cho trẻ em được tạo dựng từ dự án Nghĩ về sân chơi trong thành phố |
Không gian sáng tạo trên nền di sản đô thị
Là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, việc Hà Nội thúc đẩy các không gian sáng tạo ra đời và hoạt động hiệu quả càng trở nên cần thiết. Nhưng thực tế, hầu hết các không gian sáng tạo tại Hà Nội đều bắt nguồn từ niềm say mê của một số cá nhân, hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” vừa được tổ chức nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo, phát huy hiệu quả nguồn lực con người và các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội cho mục tiêu hình thành mạng lưới không gian sáng tạo phong phú, hấp dẫn, tạo động lực phát triển cho Thủ đô. Trong số 25 phương án xuất sắc được Hội Kiến trúc sư Việt Nam công bố, nhiều ý tưởng độc đáo đã được giới thiệu. Ý tưởng thiết kế chuyển đổi công trình Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành không gian sáng tạo mang tên “Quận đường tàu 4.0” là một ví dụ. Xuất phát từ góc nhìn Hà Nội hiện còn rất thiếu không gian xanh và không gian công cộng, trong khi đó, công trình Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũ có thể trở thành một không gian sáng tạo, trải nghiệm, nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, người tiêu dùng, khách tham quan bằng những sản phẩm hấp dẫn trên nền tảng giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc còn hiện hữu nơi đây. Nhóm tác giả đề xuất, những xưởng và kho bãi xuống cấp nặng nề có thể tháo dỡ để mở mang tầm nhìn; xanh hóa để tái tạo cảnh quan; các khu nhà xưởng có giá trị về mặt kiến trúc, các đường ray và lõi cảnh quan được áp dụng giải pháp tái quy hoạch, xây dựng giao thông nội bộ.
Ý tưởng thiết kế “Con đường văn hóa nghệ thuật” cũng thu hút nhiều lượt bình chọn khi hướng đến mục tiêu “tái sinh” những vòm cầu kết nối khu phố cổ với cầu Long Biên, tạo nên một “trục” văn hóa độc đáo, vừa mang tính lịch sử, vừa mang hơi thở hiện đại với các bảo tàng, không gian làng nghề truyền thống, không gian văn hóa ẩm thực, không gian mỹ thuật dân gian... Nhóm tác giả từ Liên hiệp Khoa học, phát triển du lịch bền vững lại đề xuất phát triển mô hình du lịch từ cây lúa cho Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Sáng kiến du lịch cộng đồng này khá thu hút bởi những không gian trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn và đặc biệt, xác định người dân là chủ thể của hoạt động, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho họ.
Ý tưởng thiết kế được triển khai tại khu tập thể 3 tầng đường Lê Hồng Phong (quận Hà Đông) của tác giả Phạm Chí Thanh cũng khá độc đáo. Theo tác giả này, khu tập thể được xây dựng vào những năm 1960- 1970, rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm, ảnh hưởng đến cư dân đang sinh sống. Tác giả đưa ra ý tưởng hình thành một không gian sáng tạo được tái thiết kế dựa trên cơ sở vật chất và các giá trị vốn có tại khu tập thể Lê Hồng Phong. Các nhu cầu được liên kết và chia sẻ với nhau trong một không gian liên tục, sự sắp xếp các kiến trúc mới dựa trên cơ sở các khu tập thể cũ tạo nên một tổng thể bổ sung và liên hệ lẫn nhau, giữa cũ và mới, sáng tạo và cải tạo, con người và tự nhiên.
Phương án “Quận nghệ thuật sông Hồng” cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực khi đề xuất tại trung tâm của khúc sông Hồng có được một không gian dành riêng cho sự sáng tạo, nơi tất cả những ý tưởng, sáng tạo được hội tụ lại, giao thoa với nhau, được giới thiệu với đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước, tạo thành một cực phát triển rất hiệu quả, nơi địa linh và nhân kiệt hội tụ.
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, thành viên Hội đồng Giám khảo nhận định, sau thời gian dài hối hả phát triển, đời sống vật chất của người dân tăng lên nhiều nhưng thành phố lại thiếu không gian dành cho các hoạt động cộng đồng mang đậm nét văn hóa riêng của Hà Nội. Đó thực sự là một đòi hỏi cấp thiết để Hà Nội sớm trở thành nơi sống tốt và có bản sắc. Việc Hà Nội tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo toàn cầu là một minh chứng cho thấy sự cần thiết đó.
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ (thành viên Hội đồng giám khảo) cho rằng, các tác phẩm dự thi được đầu tư bài bản, nghiêm túc, nhiều ý tưởng tâm huyết, giải pháp sáng tạo mang tính nhân văn trong thiết kế cũng như có tính khả thi cao, là gợi ý chất lượng cho việc chuyển đổi nhiều không gian công cộng trong thực tế.
Không gian sáng tạo “Ơ kìa Hà Nội” |
“Hiến kế” cho những không gian bền vững
Sự vào cuộc nhiệt tình và phấn khích của các tác giả, nhóm tác giả cho thấy phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội là nhu cầu tất yếu. Ví dụ thuyết phục cho nhu cầu này là những không gian đầy sức hút đã được tạo nên từ việc cải tạo những giá trị cũ như phố Tạ Hiện, không gian Vòm cầu Phùng Hưng, hay không gian cộng đồng Bãi Phúc Xá… Bà Phạm Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH-TT Hà Nội cho biết, cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” là một trong nhiều sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động mà Hà Nội phát động với sự phối hợp của nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhằm nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng trong nhịp đập văn hóa và sáng tạo của thành phố, từng bước hiện thực hóa việc xây dựng các không gian sáng tạo, cộng đồng sáng tạo…
Trên thực tế, từ trước khi cuộc thi được Sở VH-TT Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) phối hợp tổ chức thì đã có nhiều “hiến kế” nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ thống các không gian sáng tạo của Hà Nội. Ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ nhiều kỳ vọng về tiềm năng phát triển các không gian này sẽ tạo nên động lực thúc đẩy sự cất cánh cho Hà Nội, từ đó lan tỏa phát triển các không gian sáng tạo của Việt Nam, từ Bắc chí Nam.
Trong số các ý tưởng, đáng chú ý là “hiến kế” thiết kế các không gian sáng tạo từ các nhà máy cũ nhằm kiến tạo giá trị mới trên nền tảng di sản đô thị. Đây là con đường đã từng đi của nhiều thành phố trên thế giới trong quá trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Khi đưa nhà máy sản xuất ra khỏi nội đô thì thay vì phá bỏ, họ giữ lại một phần hoặc toàn bộ nhà máy cũ để làm chứng nhân lịch sử kể chuyện một thời của thành phố, hoặc chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo.
Với tiềm năng sở hữu một số lượng lớn các làng nghề, giới nghề kiến trúc cũng có nhiều tư vấn hướng thiết kế không gian sáng tạo đối với các làng nghề truyền thống của Thủ đô. Các chuyên gia cũng chia sẻ, Hà Nội có nhiều làng nghề nhưng những yếu tố nghệ thuật của làng nghề ít khi được khai thác để trở thành một phần của nghệ thuật công cộng. Điều này có thể giải quyết nếu có không gian sáng tạo ở khu vực làng nghề. Các di sản nếp sống ở nông thôn cũng là nguồn cảm hứng cho không gian sáng tạo, từ đó xây dựng những tour du lịch chuyên đề. Trong cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo vừa qua, không gian các làng nghề truyền thống là một gợi ý quan trọng nhằm phát huy giá trị không gian văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống trong đời sống đương đại.
Thời gian qua, những Sân chơi trong thành phố, Hợp tác xã Vụn Art, Hanoi Rock City, 60s Thổ Quan, Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm, Ơ kìa Hà Nội… được biết đến là những không gian sáng tạo khá thu hút của Hà Nội, với những hướng đi mới để phục vụ công chúng. Nhưng cũng cần thẳng thắn thấy rằng phần lớn các không gian sáng tạo này chủ yếu vẫn là những mô hình tự phát, thiếu sự định hướng, hỗ trợ mang tính bền vững. PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm có chính sách hỗ trợ để các không gian sáng tạo phát triển, hoạt động tốt. Thực tế cho thấy, không gian sáng tạo là lĩnh vực sôi động nhất trong các lĩnh vực văn hóa, vì là sân chơi gần gũi với người dân, nếu để lụi dần sẽ rất đáng tiếc.