Kì vọng về công nghiệp văn hoá
Trong mắt người già 22/08/2023 09:43
Ở Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hoá còn khá non trẻ. Dù vậy, thời gian qua, 12 ngành công nghiệp văn hoá Madein Việt bao gồm: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mĩ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hoá; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mĩ nghệ; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh bước đầu đã có sự phát triển đáng mừng.
Trở lại show Blackpink diễn ra tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình để thấy, công nghiệp văn hoá là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Nếu ta có nền công nghiệp văn hoá phát triển sẽ thu hút được nguồn lực đáng kể, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước; góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, nhiều địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, đạt được một số kết quả khả quan, tiêu biểu như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ, năng động công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, du lịch ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều dự án, chương trình âm nhạc, du lịch ở TP mang tên Bác đã đi vào đời sống không chỉ là hoạt động văn hoá nghệ thuật mà còn là dịch vụ, thương mại với nhiều mô hình đa dạng.
Tuy nhiên, công nghiệp văn hoá Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Những năm tới, chúng ta cần tập trung công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, bài bản. Theo đó cần một chiến lược được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ để phát huy khả năng sáng tạo, làm ra ngày càng nhiều sản phẩm mới cho ngành công nghiệp văn hoá. Người dân cũng mong rằng, những người làm văn hoá cần suy nghĩ, trăn trở, sáng tạo nhiều hơn về giá trị văn hoá và phát triển kinh tế từ các ngành nghề truyền thống để tạo ra một nền công nghiệp văn hoá từ các sản phẩm làng nghề như nón lá, mây tre đan, thổ cẩm, thủ công mĩ nghệ… Qua đó, quảng bá đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi, một trong những mục tiêu của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam không chỉ đóng góp vào tăng trưởng quốc gia mà còn khẳng định thương hiệu, giúp bảo tồn và phát triển văn hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
Việt Nam không thiếu các thành tố để tạo ra công nghiệp văn hoá, nhưng chúng ta đang thiếu sức cạnh tranh. Các sản phẩm công nghiệp văn hoá của ta cần đa dạng, phong phú, hấp dẫn, độc đáo mới đáp ứng được thị hiếu và thẩm mĩ ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đó là kì vọng của đông đảo người dân về công nghiệp văn hoá Madein Việt Nam.