Phát huy bản sắc ngoại giao “Cây tre Việt Nam”
Nghiên cứu - Trao đổi 24/11/2023 09:42
Nét đặc sắc ngoại giao “Cây tre Việt Nam”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt những bước chân đầu tiên soi đường, mở lối cho con đường ngoại giao của Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam, kể từ khi Đảng ra đời năm 1930, công tác đối ngoại luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; mà còn góp phần to lớn xây dựng, phát triển đất nước. Người nhấn mạnh: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(1). Độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta.
Trong hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo “phải nhìn cho rộng, suy cho kĩ”, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Người xử lí khéo léo quan hệ với các nước, phải “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để “cương nhu kết hợp” vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.
Các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp qQuốc. |
Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại của ông cha ta, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, soi rọi tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã bổ sung, phát triển, hoàn thiện và xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”.
Ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùycơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!
Hình tượng đẹp của cây tre - một biểu tượng rất mộc mạc, dung dị, luôn gần gũi, thiết thực, gắn bó với con người, làng quê cũng như gắn chặt với truyền thống dân tộc, đặc biệt là bản sắc nền ngoại giao Việt Nam. “Đây là nền ngoại giao đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa”.
Nhận diện chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch
Các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền, xuyên tạc và phủ nhận thành quả chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; tìm cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam; xuyên tạc, kích động, chia rẽ nội bộ, công kích nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Một là, các tổ chức, phản động lợi dụng internet, mạng xã hội phát tán thông tin xấu, độc, đưa những thông tin sai lệch về hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Ðảng và Nhà nước ta; phản ánh sai tình hình thực tiễn cách mạng, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại ở Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng, bôi xấu hình ảnh đất nước ta trước bạn bè quốc tế.
Hai là, các phần tử chống đối lợi dụng các vấn đề đối ngoại vào các mục đích sai trái, bất hợp pháp của một số phần tử thoái hóa, biến chất trong nước để kích động người dân chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền, dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; gieo rắc tư tưởng sùng bái lối sống, văn hóa phương Tây; tuyên truyền cổ xúy chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tộc, kích động chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội; tìm cách cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế.
Ba là, tán phát nhiều tài liệu, bài viết có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ của Đảng, Nhà nước ta; hướng giải quyết các vụ việc của Việt Nam để tìm cách chế nhạo, tái diễn nhiều chiêu trò, luận điệu xuyên tạc, suy diễn, sử dụng chiêu bài kích động hận thù dân tộc, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; chia rẽ quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước có liên quan, làm cho Việt Nam rơi vào tình trạng đối đầu, mắc kẹt, bị cô lập.
Bốn là, núp dưới chiêu bài hoạt động “nhân đạo”, “từ thiện” của các tổ chức phi chính phủ để lôi kéo, mua chuộc người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo chống phá chính quyền Việt Nam. Lợi dụng những tổ chức này để thâm nhập vào các địa bàn chiến lược nước ta thu thập tình hình, báo cáo bên ngoài, xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng ta; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, chống phá Đảng, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi “li khai”, “tự trị”, gây mất ổn định chính trị - xã hội và tạo cớ để nước ngoài can thiệp.
Năm là, lợi dụng chính sách thông thoáng đối với việc đi lại, thăm người thân,… hoạt động tội phạm xuyên biên giới, để tuyên truyền, kích động người dân khu vực biên giới di cư tự do, vượt biên, xâm nhập trái phép, gây bất ổn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo cớ để nước ngoài có thể can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, hướng lái theo ý đồ của họ làm cho các tổ chức quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam.
Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển, đất nước Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp; đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa; môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước; là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu; Đảng ta thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Đây là thành quả của công tác đối ngoại Việt Nam đã giữ vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Trong bối cảnh hội nhập, Ðảng ta đã không ngừng phát triển, hoàn thiện và xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc, độc đáo của “thời đại Hồ Chí Minh”, mang đậm bản sắc
“Cây tre Việt Nam”. “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam…
Trong đại dịch Covid-19, ngoại giao “Cây tre Việt Nam” mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả hoạt động ngoại giao vaccine, giúp Việt Nam có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Đổi mới công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa, tận dụng sức mạnh của công nghệ số; góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế; vận động quốc tế và được công nhận những di sản văn hóa giá trị của Việt Nam.
Diện mạo đất nước ngày càng đổi thay, đời sống người dân được cải thiện, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước là bệ phóng, đường lối đối ngoại là ánh sáng soi đường, dẫn lối, để đối ngoại, ngoại giao Việt Nam vươn cao, bay xa. Việt Nam được chấn hưng theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, công tác đối ngoại thời gian qua vẫn còn hạn chế. Đó là, hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có lúc, có việc chưa thật chủ động và hiệu quả chưa cao. Thiếu những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế; nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình; sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình chưa thật bài bản, kết quả chưa được như mong muốn.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Ngoại giao là một “mặt trận”, giữ vai trò “tiên phong”, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”; phát hiện sớm vấn đề để dự báo sớm, cảnh báo sớm những nguy cơ, thách thức và nắm bắt cơ hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mang chuông đi đánh nước người”, chuông có kêu to hay không là nhờ thực lực quốc gia, nhờ cái gốc ở bên trong. Gốc có vững thì thân, cành mới tốt tươi, sum suê, uyển chuyển được. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nêu rõ: “Chúng ta không “chọn bên” mà chọn lẽ phải, xu hướng thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển”. Trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải bảo đảm ở mức cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực hiện sự nghiệp ngoại giao cần tỉnh táo, sáng suốt, có bản lĩnh để tiếp tục làm nên kì tích, đưa Việt Nam hòa vào dòng chảy của thời đại, làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Kiên định, lập trường và linh hoạt con đường ngoại giao
Ðể tiếp nối truyền thống đối ngoại và ngoại giao đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần thực hiện tốt một số giải pháp trong tình hình mới như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới để kịp thời, nhạy bén, đổi mới tư duy và có giải pháp phù hợp trong công tác đối ngoại.
Thường xuyên cập nhật tình hình nhằm theo kịp sự phát triển của thực tiễn, xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lí mối quan hệ với các nước. Đổi mới tư duy, thật nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, với tinh thần chủ động tiến công. Đồng thời, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, tìm kiếm các đối tác mới, có hướng đi mới.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc; thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” để xử lí các thách thức đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.
Thứ ba, phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, coi đây là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đến năm 2030.
Phát huy các kết quả quan trọng của các diễn đàn đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là phối hợp với các đối tác thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến đã được thông qua của Việt Nam. Chú trọng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hợp Quốc.
Thứ tư, tăng cường mở rộng và nâng cao hiệu quả thực chất các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng.
Tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác đã có khuôn khổ quan hệ đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; duy trì ổn định mối quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực. Nâng cao hiệu quả ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước. Mở rộng thị trường, thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lí phục vụ phát triển đất nước.
Thứ năm, chú trọng chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, đánh giá kĩ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực.
Phải dự báo về những biến đổi trong trật tự thế giới, khu vực và có sẵn các phương án để ứng phó. Cần nhận thức rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình; xác định được giá trị và vị trí chiến lược của đất nước để hoạch định chiến lược, chính sách cho phù hợp. Hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới và khu vực là xu hướng chủ đạo của thời đại. Đây là một nội dung vô cùng quan trọng để giữ được sự chủ động trong một thế giới đầy biến động phức tạp.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.
Tiếp tục đẩy mạnh về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới hệ thống tổ chức, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy, hiệu quả phối hợp của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, các Bộ, các ngành, địa phương. Coi trọng hơn nữa công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ ngoại giao, đối ngoại về bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch; không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vướng vào tham nhũng, tiêu cực; phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo, mưu lược.
Trong bối cảnh mới, thấm nhuần triết lí ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, mỗi tổ chức và cán bộ ngoại giao cần nói đi đôi với làm, học thật, làm thật; đồng thời phải kiên định, vững chắc, mềm mỏng, linh hoạt, dĩ bất biến ứng vạn biến và luôn mang khí thế tiến công, biết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, nêu cao khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.