Nông thôn mới kiểu mẫu ở bản tái định cư vùng biên Sa Ná: Màu xanh trên đỉnh Pom Ngồ
Nhịp sống văn hóa 28/12/2022 12:27
Trên mảnh “đất chết” sau trận lũ năm xưa, giờ đã được phủ xanh một màu no ấm. Tôi lại liên tưởng đến câu nói của nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm Mùa Lạc: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ...”. Với sự quyết tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Sa Ná, tháng 6/2020, bản Sa Ná, xã Na Mèo huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành 14/14 tiêu chí và tháng 7-2020 bản Sa Ná đã vinh dự được công nhận là bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Bản Sa Ná đã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu |
Trước đó, ngày cơn lũ lịch sử càn quét qua bản nghèo, đã cướp đi hàng chục sinh mạng, mấy chục ngôi nhà cùng nhiều tài sản mà bao nhiêu năm bà con dân tộc thiểu số chăm chỉ làm ăn, tích góp mới có được. Và công cuộc kiến thiết sau lũ, xây dựng khu tái định cư cho 51 hộ dân có diện tích 5,2 ha diễn ra một cách khẩn trương. Khu tái định cư ấy được xây dựng trên khu đất của núi Pom Ngồ, cách Sa Ná cũ chưa đầy 1 km; cùng với đó là việc khôi phục các tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng, trường lớp học.
Tôi còn nhớ rất rõ ngày bàn giao nhà cho bà con bản Sa Ná, ông Vũ Văn Đạt (thời điểm đó là Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn) Nhấn mạnh: Về lâu dài vấn đề sinh kế, việc làm, đời sống cho bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Huyện đang rà soát toàn bộ diện tích đất sản xuất của nhân dân để tính toán cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện. Thời gian tới còn những khó khăn nhất định tôi mong rằng bà con Sa Ná cố gắng khắc phục, xây dựng tình đoàn kết sớm xây dựng bản nông thôn mới và tiến tới là bản nông thôn mới kiểu mẫu”.
Vậy mà chỉ 6 tháng sau, Sa Ná đã thực hiện được mục tiêu và trở thành bản thứ 3 của huyện Quan Sơn cán đích nông thôn mới, đặc biệt hơn đó là Nông thôn mới kiểu mẫu.
Mọi thứ thay đổi nhanh quá! Mới hôm nào lên với mảnh đất này, cái màu nâu bùn của lũ dữ; của những ngôi nhà, cây cối bị đổ sập, của công trường xây dựng còn ngổn ngang...cứ ám ảnh tôi mãi. Giờ đây, Sa Ná đã được thay thế bằng màu xanh của những ngôi nhà đã quét ve, cánh đồng rau sạch, vườn cây ăn quả đang đến độ sinh trưởng…
Màu xanh no ấm đã phủ kín Pom Ngồ |
Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn nói vui mà thật: Giờ hầu như nhà nào cũng có tivi, wifi, bà con lướt web vèo vèo. Từ khi Khu tái định cư được hình thành trên đỉnh Pom Ngồ cũng là lúc các loại cây ăn quả được mọc lên như mít, nhãn, bưởi da xanh... hiện, một số loại quả đã cho thu hoạch. Đặc biệt, năm ngoái huyện và tỉnh đã thực hiện chương trình sinh kế với mô hình chăn nuôi gà cho bà con bằng cách, hỗ trợ 66 hộ gia đình Sa Ná 50 con gà giống đã được tiêm vacin dịch bệnh đầy đủ cùng thức ăn 3 tuần đầu cho chúng.
Sau đó, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cũng đã kiểm tra và đánh giá gà phát triển tốt. Chúng tôi có đã có ý tưởng xây dựng chương trình sản phẩm OCOP cho bản. Hiện tại, đời sống của nhân dân Sa Ná đã được ổn định, người dân chăm lo làm ăn, hướng tới xây dựng mỗi gia đình, mỗi công dân cũng đều là kiểu mẫu.” ông Sinh cho biết thêm.
Đã nhiều lần lên Sa Ná, nhưng Lần này về bản tôi có một cảm xúc khác, vui, phấn khởi và đầy tinh thần lạc quan khi chứng kiến cảnh bà con đang tất bật, hối hả tăng gia sản xuất. Ngay trên khu đất lũ đã xoá sổ mấy chục ngôi nhà của người dân, giờ được thay thế bằng một cánh đồng rau sạch xanh mướt với diện tích hơn 1,5 ha. Ghé thăm vườn rau, tôi thấy rõ niềm phấn khởi, lòng biết ơn ngời lên trong ánh mắt của bà con nơi này. Ngoài diện tích khu dân cư bị xóa sổ trên, cơn lũ đã khiến cho một diện tích đồng ruộng lớn của người dân trong bản bị cuốn trôi phần đất bề mặt nên người dân không còn đất để sản xuất. Nhưng các cấp chính quyền và người dân đã nỗ lực trong việc cải tạo diện tích đất lúa ấy.
Được người dân đồng thuận, cấp ủy, chính quyền xã Na Mèo đã triển khai thành lập ban Phát triển bản phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời tổ chức cho cán bộ, đảng viên và người có uy tín của bản Sa Ná tham gia đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm của xã Na Mèo học tập mô hình thôn kiểu mẫu tại các địa phương. Sau khi học tập kinh nghiệm, chi bộ và các đoàn thể đã tập trung vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cùng với đó, bà con làm tốt công tác phát triển rừng, kết hợp với khoanh nuôi, tiếp tục trồng mới rừng luồng, vầu, nứa, lát, xoan... ở các vùng đất trống, rừng nghèo.
Ngoài việc phát triển kinh tế, người dân trong bản còn tự giác, hăng hái tham gia làm đẹp đường làng, ngõ xóm, trồng hoa ven đường, giữ gìn vệ sinh chung. Đến nay, trên 90% hộ gia đình trong bản đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, nhiều gia đình xây dựng thành công mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu”.
Chủ tịch UBND xã Na Mèo Lương Văn Huân cho biết, năm 2019, bản Sa Ná đang còn 37 hộ nghèo trong tổng số 78 hộ. Sau trận lũ lịch sử, các hộ lại càng nghèo hơn. Đến nay, 100% hộ dân ở đây đã thoát nghèo. Cuộc sống của bà con bây giờ cơ bản đã ổn định, hiện ước tính thu nhập bình quân của bản đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.
Xúc động trước những ngôi nhà khang trang, vườn cây ăn quả đang độ sinh trưởng và đàn gà đã đẻ vài lứa, anh Lương Văn Hoan, người dân Pom Ngồ tâm sự:"Gia đình tôi trước kia thuộc diện hộ nghèo, sau bao năm làm anh tích cóp năm 2019 mới thoát nghèo, nhưng cơn lũ đã cuốn đi tài sản nên lại tái nghèo. Rất may mắn, được sự quan tâm của các cấp, gia đình tôi được hỗ trợ 40 triệu đồng, từ số vốn đó đã kích cầu giúp vợ chồng tôi có thêm động lực đầu tư thêm tiền để dựng ngôi nhà sàn khang trang, kiên cố như bây giờ. Chúng tôi hi vọng lên nơi ở mới an toàn, vững chãi, bà con sẽ thi đua làm ăn và thoát cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo”.