Những người con của đồng bào Tây Nguyên đến với cách mạng, đi theo Bác Hồ
Văn hóa - Thể thao 20/08/2021 12:07
Anh hùng Núp chụp ảnh với chiến sĩ Sư đoàn 320, tháng 12/1990 |
Ngày 23/8/1945, Y Bih đã nói chuyện với binh lính trại Bảo an và vận động họ trở về với cách mạng. Cách mạng tháng 8/1945 ở Đắk Lắk thành công, Y Bih trở thành người của cách mạng. Ông tiếp tục tham gia kháng chiến chống giặc Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Tháng 5/1960, ông vinh dự cùng đoàn cán bộ miền Nam ra Thủ đô Hà Nội thăm Bác Hồ. Được gặp Bác, ông mạnh dạn thưa với Người: “Tây Nguyên còn thiếu cán bộ, xin Bác cho Tây Nguyên nhiều cán bộ”. Bác Hồ cười hiền từ rồi bảo: “Muốn có cán bộ hãy chọn con em của đồng bào Tây Nguyên mà đào tạo. Vì các cháu được sinh ra và lớn lên ở đó mới hợp khí hậu, thông thạo núi rừng và phong tục của đồng bào thì làm cách mạng mới tốt”. Lời Bác dặn là kim chỉ nam theo ông đi suốt cuộc đời. Với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Việt Nam, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ giao cho.
Đó là ông Y Ngông Niê Kđăm, dân tộc Ê Đê, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Buôn Sut, huyện Chư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk. Từ nhỏ hai anh em Y Ngông và Y Wung đã mồ côi cha. Năm lên 7 tuổi, hai anh em được chủ làng đưa lên Buôn Ma Thuột cho học Trường Tiểu học Pháp - Ra Đê. Y Ngông học rất giỏi, nên sau khi học xong tiểu học, đã được chọn đi học ở Trường Trung học Quy Nhơn. Rồi Y Ngông lại được cử đi học Trường Y sĩ Đông Dương tại Sài Gòn. Trong những năm học ở đây, Y Ngông may mắn gặp cán bộ Việt Minh là đồng chí Đào Xuân Quý và được giác ngộ cách mạng. Qua ông Quý, Y Ngông được đọc cuốn Điều lệ Việt Minh. Ông nói: “Tôi thấy Điều lệ có nói các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết đánh đuổi kẻ thù xâm lược là ưng ý ngay. Anh Quý còn cho tôi biết, người lãnh đạo Việt Minh là lãnh tụ Hồ Chí Minh, chính là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Tình cảm tư tưởng của tôi lúc này càng xúc động, vui mừng. Tôi sẵn sàng lao vào công việc cách mạng giao, với lòng tin tưởng vào sự tất thắng của Mặt trận Việt Minh”. Trong những ngày cách mạng tháng Tám sục sôi của dân tộc, Y Ngông đã có mặt tại Buôn Ma Thuột, vận động quần chúng Nhân dân đứng lên làm cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945 thành công ở Đắk Lắk (24/8/1945). Ngày 6/1/1946, Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta thắng lợi, chàng thanh niên Y Ngông được bầu vào Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tháng 12/1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Y Ngông theo Chính phủ trở về Việt Bắc, tham gia Quân y, phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống giặc Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Ông đã từng giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IX. Ông tâm sự: “Điều sung sướng nhất của đời tôi là đã trọn đời làm theo Awa Hồ, xứng đáng là lớp thanh niên thế hệ cách mạng tháng Tám. Lớp thanh niên các dân tộc Tây Nguyên đến với cách mạng, đi theo Awa Hồ”.
Bác sĩ Y Ngông Niê Kđăm thăm và khám bệnh cho bệnh nhân tại Trại phong Ea Na. |
Đó là ông Y Blôk Êban, dân tộc Ê Đê, sinh ra trong một gia đình nghèo ở buôn Êa Bông ven thị xã Buôn Ma Thuột. Lớn lên bị Pháp bắt đi lính, rồi chỉ huy lính Bảo an ở Buôn Ma Thuột. Được các chiến sĩ Cộng sản bị giam cầm ở nhà đày Buôn Ma Thuột giác ngộ và trở thành cơ sở của Việt Minh. Trong cuộc mít tinh của Ủy ban Khởi nghĩa Đắk Lắk, ông đã đưa tiểu đoàn Bảo an trở về với cách mạng góp phần vào thắng lợi Cách mạng tháng 8/1945 ở Đắk Lắk. Từ đó Y Blôk Êban trở thành bộ đội Cụ Hồ. Ông được cử làm Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn N’Trang Lơng, rồi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120 - Tây Nguyên. Ông luôn gắn bó với phong trào cách mạng, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, chăm lo xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc. Ông đã từng ra Việt Bắc dự Hội nghị du kích chiến tranh toàn quốc năm 1953 và vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu. Ông tâm sự “Awa Hồ là ông Tiên đã mang mùa Xuân về với núi rừng Tây Nguyên”.
Đó là ông Đinh Núp, dân tộc Ba Na, sinh ra và lớn lên ở làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Chàng Đinh Núp may mắn được gặp cán bộ Việt Minh, nên sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1937, Đinh Núp chứng kiến cảnh tàn bạo của giặc Pháp kéo vào làng mình để tìm bắt cán bộ cách mạng. Chúng cướp thóc lúa, trâu bò, heo gà của dân và bắt thanh niên đi lính. Trước tình cảnh ấy, Đinh Núp đã vận động dân làng dời lên ngọn núi Stơr, nơi có vị trí hiểm trở, để lập làng chống Pháp. Trong một trận càn lớn của giặc Pháp vào làng Stơr, Đinh Núp đã dùng tên tre bắn chết tên chỉ huy. Tin Đinh Núp dùng tên tre bắn thủng bụng giặc Pháp, làm nức lòng các buôn làng Tây Nguyên, họ noi theo Đinh Núp lập làng chống giặc Pháp. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Đinh Núp tham gia bộ đội Cụ Hồ, thuộc Tiểu đoàn N’Trang Lơng. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Đinh Núp cùng đơn vị tập kết ra Bắc. Tháng 8/1955, tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, Đinh Núp được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Hôm chia tay Bác Hồ để trở về đơn vị, Người dặn: “Với danh hiệu này, cháu không được tự cao, tự mãn, xa lánh mọi người, mà phải gần dân, giúp dân, luôn luôn phấn đấu rèn luyện hơn nữa, để xứng đáng là người con ưu tú của đồng bào Tây Nguyên”. Lời căn dặn của Bác Hồ là kim chỉ Nam theo Đinh Núp đi suốt cuộc đời. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đinh Núp là Đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Việt Nam. Ông luôn gần gũi đồng bào mình, cùng lao động, chiến đấu, xây dựng Tây Nguyên thành pháo đài kiên cố, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi nước nhà thống nhất, Đinh Núp làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Với cương vị này, ông luôn gần dân, vận động dân làng xóa bỏ tập tục canh tác nương rẫy cũ, chuyển sang trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, củng cố khối đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tây Nguyên bình yên, mạnh giàu.
Đó là ông Ksor Ní, dân tộc Ja Rai, sinh ra và lớn lên ở buôn K’Tơng, xã K’Rông Par, tỉnh Gia Lai. Năm 8 tuổi, Ksor Ní được chủ làng chọn đi học trường Tiểu học Pháp-Ja Rai, nhờ học giỏi nên được học tiếp trường Trung học Quy Nhơn. Trong những năm tháng học ở Quy Nhơn, Ksor Ní may mắn được gặp cán bộ Việt Minh và giác ngộ cách mạng. Trong những ngày cách mạng tháng 8/1945, Ksor Ní đã về Plei Ku cùng với cán bộ Việt Minh vận động quần chúng đứng lên cướp chính quyền. Cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945 tại Gia Lai thành công (23/8/1945). Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta (6/1/1946), Ksor Ní vinh dự được bầu vào Đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tháng 5/1946, Ksor Ní được cử đi dự Đại hội Thanh niên yêu nước các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội. Trong Đại hội này, Ksor Ní vinh được gặp Bác Hồ và nghe Bác căn dặn: “Bác mong các cháu thanh niên cả nước không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, giàu nghèo, hãy đoàn kết một lòng, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Sau Đại hội Thanh niên yêu nước, K’sor Ní trở về Tây Nguyên, anh ghi nhớ trong lòng lời Bác Hồ căn dặn cùng các đồng chí của mình lãnh đạo Nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum anh dũng chống giặc Pháp cho đến ngày thắng lợi. Với cương vị ủy viên, Ủy ban Dân tộc của Quốc hội (từ khóa I đến khóa VII), Ksor Ní còn giữ các chức vụ quan trọng của địa phương: Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ và sau ngày giải phóng miền Nam. Ksor Ní là một tấm gương sáng của con em các dân tộc Tây Nguyên thế hệ cách mạng tháng Tám đến với cách mạng, trọn đời đi theo Bác Hồ.
Còn rất nhiều những người con của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, họ đã đến với cách mạng, đi theo Bác Hồ và trở thành những người cộng sản chân chính, góp phần vào sự nghiệp giải phóng Tây Nguyên, thống nhất nước nhà. Tấm gương của họ mãi mãi được cháu con học tập và nguyện tiếp bước theo cha ông mình để gìn giữ và xây dựng Tây Nguyên bình yên, giàu đẹpn
(Dựa theo tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk và lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum).