Những di sản lịch sử - văn hóa quý giá, đặc sắc
Văn hóa - Thể thao 29/08/2023 14:35
Cổng làng Ước Lễ, nét đẹp độc đáo với lịch sử khoảng 500 năm
Nói chung, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, các làng đều có cổng làng hình thành song hành với lũy tre, là hình thức bảo vệ an ninh, tránh trộm cướp, đạo tặc. Thực tế hiện tại, do sự biến chuyển và phát triển xã hội, phần lớn các làng đều bị mất đi cổng làng, riêng làng Ước Lễ vẫn giữ được gần như nguyên vẹn chiếc cổng, với lớp rêu phong trầm mặc, dù đã trải qua hàng trăm năm và còn giữ được vẹn nguyên giá trị lịch sử.
Theo các cứ liệu còn lưu giữ được, cổng làng Ước Lễ có lịch sử chừng 5 thế kỉ, được xây dựng từ thời nhà Mạc (thế kỉ XVI - XVII). Theo người dân kể lại, thời nhà Mạc, làng Ước Lễ có người là cung tần trong triều, về làng tiến hành xây dựng chiếc cổng làng và dạy dân nghề làm giò chả. Làng Ước Lễ hiện vẫn lưu giữ được mương nước bao quanh. Vì thế cổng làng Ước Lễ có cây cầu bắc qua con mương đó mới tới cổng. Phải nói rằng, cổng làng Ước Lễ là đại diện vẫn lưu giữ được kiến trúc cổ đặc trưng “thượng gia - hạ môn”. Theo đó, phía trên vòm cổng có vọng lâu mái che cong vút, tác dụng là chòi canh, phòng ngừa kẻ xấu hay đạo tặc xâm nhập làng, hai bên hông vẫn còn các bậc thang lên xuống.
Cổng làng Ước Lễ (người dân gọi là cổng cầu). |
Cổng làng Ước Lễ có dáng hình thang, cao 6m, rộng 12m được xây dựng bằng gạch chỉ nung đỏ. Cổng có vòm tròn, cao 2,2m, chiều rộng 1,5m, chất liệu xây dựng phần mái hoàn toàn bằng gạch bề thế. Mặt trước cổng đắp nổi ba chữ “Ước Lễ Môn”, mặt sau có ba chữ “Thiểu Cao Đại”. Hai bên cổng có đôi câu đối, với nghĩa được dịch ra: “Thâm nghiêm kín cổng cao tường, thương cổ nguyện tàng kì thị/Xôn xao trước thầy sau tớ, mã xa phục quá thử kiều”. Toàn thể câu đối, chữ đắp trên cổng thể hiện mong ước của các bậc đi trước, muốn con cháu sau này thành đạt trong cuộc sống. Hai bên trụ cổng dưới vòm còn được trang trí hình cá chép, như biểu tượng “vượt vũ môn”. Ngoài ra, cổng làng Ước Lễ còn có các hoa văn chạy dọc diềm mái vọng lâu và lan can, tạo cảm giác hài hòa giữa các họa tiết. Tổng thể kiến trúc của cổng làng Ước Lễ gồm: Một cây cầu cong rộng hơn 2m, dài khoảng 10m bắc qua mương nước, rồi mới đến cổng làng, nên dân làng gọi là “cổng cầu”. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, cổng làng Ước Lễ vẫn lưu giữ được nét cổ kính, lưu giữ được giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo.
Đình làng Ước Lễ với những chạm khắc độc đáo
Từ cổng làng đi vào, vừa qua cổng nhìn sang bên phải là đình làng Ước Lễ. Đình được xây dựng ở khu đất cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của làng. Muốn vào đình, phải bước lên chín bậc, với đôi rồng bằng đá tọa hai bên, mới đến sân đình, bên phải là Tam Bảo, có tấm bình phong bằng đá mới được dân làng kiến tạo năm 2012. Tam quan của đình làng Ước Lễ gồm 6 cột trụ, 4 trụ nhỏ, 2 trụ to. Sau tam quan dẫn vào khu vực sân đình khá rộng được lát bằng gạch. Vào vụ gặt, người dân thường dùng nơi đây làm sân phơi thóc. Sân đình cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của người dân làng Ước Lễ.
Đình làng Ước Lễ |
Bước lên thềm đình, trên mái là các phù điêu mô tả phong cảnh sinh hoạt của người đời xưa rất sinh động, trong đình còn lưu giữ 5 bài thơ châm. Trong các gian đình, các đầu vì kèo, xà ngang đều được chạm khắc hình nổi, rất sinh động, mềm mại, uyển chuyển. Hình được chạm khắc là long-li-quy-phượng, mặt trời và các loại hoa mai-lan-cúc-trúc. Xà ngang và vì kèo ở mái hiên đình làng Ước Lễ được chạm khắc rất tỉ mỉ, tinh tế. Đây là sự khác biệt hẳn so với các ngôi đình của làng quê Bắc Bộ. Trên nóc đình, ngoài đôi rồng chầu mặt trời, còn có đôi cá chép uốn cong, được ghép bằng các mảnh sứ màu xanh lam. Hai đầu đình có hai bầu rượu tròn cao ngất, là những chi tiết độc đáo, riêng biệt, đặc sắc của kiến trúc đình làng Ước Lễ.
Kiến trúc, hoa văn, họa tiết trong đình chạm khắc theo phong cách thời nhà Nguyễn, với những đường nét rất tinh xảo. Trên các cột đình đều có các bộ câu đối khảm trai, ca ngợi công lao hi sinh anh dũng của những anh hùng thế hệ trước vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Theo các tài liệu còn ghi chép lại, đình làng Ước Lễ thờ Thành hoàng là Lữ Gia, một viên quan Thừa tướng của ba đời vua nhà Triệu của nước Nam Việt, ông mất vào ngày 25/3 (âm lịch) vào khoảng năm 191 trước Công nguyên. Hằng năm, cứ đến ngày việc làng, dân làng Ước Lễ đi làm ăn ở khắp nơi đều tụ họp về làng, tổ chức rước sách rất linh đình và trang trọng.
Chùa Sổ với lịch sử 500 năm tuổi, mang tinh thần “Tam giáo đồng nguyên”
Chùa Sổ (còn gọi là Hội Linh quán) nằm trên gò đất cao, biệt lập với khu dân cư làng Ước Lễ, mang kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Từ cổng chùa vào tam quan được xây theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, lợp ngói vảy cá. Giữa tam quan có quả chuông đồng lớn khắc bốn chữ “Quan Chung Linh Tự”. Theo tư liệu ghi chép lại, chùa được xây dựng vào thời nhà Lý, tháng Chạp năm 1527 được trùng tu. Văn bia trong chùa có ghi: “Quận công Đào Quang Hoa làm quan ở trấn Lạng Sơn, vốn là người con quê hương Thanh Oai, cùng vợ là bà Trần Thị Ngọc Lâm đem của cải, quyên góp tiền để xây dựng lại chùa, đồng thời cúng dường thêm 10 mẫu ruộng…”. Thêm hai lần chùa được trùng tu, một lần vào năm 1634 (thời Lê trung hưng), một lần vào năm 1901 (thời nhà Nguyễn).
Tư liệu lưu giữ lại thể hiện, ban đầu chùa vốn là một đạo quán, sau này mới được xây dựng thêm và trở thành ngôi chùa như ngày nay. Do đó, chùa Sổ có sự pha trộn giữa Phật giáo và Đạo giáo. Tên “Hội Linh quán” thể hiện ý nghĩa của cơ sở thờ tự đặc biệt này. Sau khi Quận công Đào Quang Hoa và vợ là bà Trần Thị Ngọc Lâm quyên góp và đem của cải, tiền bạc xây dựng lại, thì chùa có thêm gác chuông, nhà bia và 17 pho tượng mới, trở thành chùa thờ Phật, cùng các vị tiên thánh của Đạo giáo.
Sau khoảng sân rộng là nhà tiền đường, gồm ba gian, hai dĩ; hai bên là nhà bia ghi chép lịch sử của chùa, cùng tên tuổi những người có công đức với chùa. Lối vào nhà tiền đường có 2 pho tượng hộ pháp cao hơn 2m. Tiếp đến là thượng điện, thờ các vị tiên thánh của Đạo giáo. Tòa hậu đường hiện vẫn được giữ nguyên bản, có gác chuông, hai bên là hành lang chạy dài. Hậu đường là nơi thờ các vị thuộc phái Bắc tông của Phật giáo. Phía trước chùa có tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay bằng đá. Chân tường còn nguyên những viên gạch chạm nổi hình rồng, cùng những cánh hoa cúc mang đậm phong cách kiến trúc thời nhà Mạc.
Vì vậy, khẳng định đây là ngôi chùa đặc biệt, mang tinh thần “Tam giáo đồng nguyên”, bởi trong chùa ngoài hai bức đại tự ghi: “Hội Linh quán”, “Đại La thiên” còn có bức “Từ Vân Pháp Vũ”, thể hiện sự giao hòa tín ngưỡng. Cách chùa khoảng 200m có một giếng lớn, người dân Ước Lễ gọi là Giếng rồng. Chùa Sổ được Nhà nước xếp hạng Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia vào năm 1986.
Ước Lễ, một làng quê yên bình, ngoài văn hóa ẩm thực độc đáo là giò chả, nem chua, còn là làng quê lưu giữ nhiều di sản lịch sử - văn hóa đặc sắc. Hi vọng nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa trong thời gian tới.