Nét văn hóa riêng trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt
Phóng sự 24/11/2022 12:26
Đó là những lễ vật người dân làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội kính cẩn dâng lên Nhà thờ liệt vị tôn thần bách nghệ từ đường, nằm trong khuôn viên Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam, số 2 phố Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội vào sáng ngày 22/11/2022. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), cùng Lễ phong tặng nghệ nhân và các danh hiệu làng nghề Việt Nam, do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức…
Các nghệ nhân và thợ giỏi lành nghề đắp cây chả quế dài 4m, đường kính 50cm, nặng 180kg để dâng lên tổ nghề. |
Ước Lễ, một ngôi làng cổ nằm ở phía Tây Nam Hà Nội, nay thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Làng có mấy nghề: May mặc, sửa chữa đồng hồ, chế biến giò chả, bánh chưng, bánh dày nhưng nghề cổ nhất, tinh tường nhất làm nên tên tuổi làng nghề là chế biến giò chả. Nghề chế biến giò chả hình thành từ bao giờ? Đến nay vẫn chưa có ai xác định được, chỉ biết rằng sản phẩm giò chả Ước Lễ có từ rất lâu đời. Nói đây là một làng cổ hẳn không ngoa, nơi đây từng tìm thấy chiếc trống đồng Đông Sơn loại một, cùng nhiều cổ vật chôn dưới lòng đất, là bằng chứng khẳng định bề dày lịch sử của ngôi làng này. Lịch sử làng Ước Lễ, theo nhiều nghiên cứu, có khoảng từ 2.000 đến 2.500 năm.
Bắt đầu bước chân vào làng Ước Lễ, chúng ta được chiêm ngưỡng cổng làng, một công trình kiến trúc bề thế, nom như cổng thành. Theo các cụ tiên chỉ trong làng và những nghiên cứu, cổng làng Ước Lễ được xây dựng từ thời nhà Mạc, cách nay hơn 500 năm. Mặt cổng làng có ba chữ đắp nổi, dịch ra là “Ước Lễ môn”, nghĩa là cổng làng Ước Lễ. Nhưng Nhân dân trong làng thường gọi là “cổng cầu”, do trước cổng có chiếc cầu xây cong, bắc ngang con mương nước chạy bao xung quanh làng. Đây chắc chắn là hình thức bảo vệ làng ngày xưa vẫn ứng dụng.
Các nghệ nhân, thợ giỏi tái hiện phương pháp giã giò bằng cối đá, chày tay. |
Cái tên Ước Lễ khiến ta liên tưởng đến một quan niệm theo tư tưởng Nho giáo, đó là muốn học rộng phải dựa vào văn, tức là văn hóa; nhưng học rộng rồi phải có chế định, tức là ước bằng lễ. Đặt tên làng như vậy, thể hiện ý chí, khát khao cho dân cư trong làng phải luôn luôn giữ lễ trong bất kì hoàn cảnh nào. Điều đặc biệt ở làng Ước Lễ, đó là người dân không phát triển nghề làm giò chả ở trong làng, mà mang nghề đi khắp bốn phương mưu sinh, lập nghiệp. Tương truyền, xưa kia làng Ước Lễ là chốn sầm uất trong vùng, nơi hội tụ giao lưu với các hoạt động buôn bán. Có lẽ vì vậy mà người dân sáng tạo ra cách lấy thịt lợn giã nhuyễn, thêm mắm muối và mật rồi gói lại đem luộc thành món ăn chín. Sau đó sáng tạo ra các món chả, vì thế nghề làm giò chả ra đời, làm nên món ăn cao sang, đắt tiền.
Để bảo tồn, tôn vinh làng nghề truyền thống, hằng năm dân làng tổ chức ngày hội văn hóa ẩm thực dân gian, với hàng nghìn người con Ước Lễ ở khắp mọi miền đất nước đổ về chung vui, với nhiều hoạt động phong phú. Ngày nay nhờ công nghệ máy móc phát triển, sức lao động của con người được giải phóng, nhưng vẫn cần để lớp con cháu không quên nghề giã giò truyền thống. Vì lẽ đó, những năm gần đây các nghệ nhân, thợ giỏi tái hiện phương pháp giã giò bằng cối đá, chày tay. Hoạt động này vừa giúp người cao tuổi sống lại kí ức xa xưa, vừa giúp lớp trẻ hiểu hơn về nghề giã giò truyền thống của cha ông. Một không gian với những tiếng chày dồn dập, có nhịp điệu như bản nhạc hòa tấu kì thú.
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Văn hóa ẩm thực giò chả Ước Lễ cho biết: Làng nghề là bộ phận di sản của văn hóa dân tộc, là tài sản quý giá của nhân loại. Bí quyết làm giò chả ở Ước Lễ rất đặc biệt, hiếm nơi nào có được. Đó là chế biến món ăn theo triết lí âm dương ngũ hành, ví dụ thịt nạc là dương, thịt mỡ là âm; mật là dương, muối là âm. Từ đó người thợ điều tiết âm - dương sao cho điều hòa, tạo nên sản phẩm giòn, dai và đạt hương vị thơm ngon. Việc mở lễ hội lần này nhằm tôn vinh ngày di sản văn hóa Việt Nam, là niềm vinh dự, tự hào của những người con Ước Lễ. Được sự chỉ đạo của Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hội Văn hóa làng nghề giò chả Ước Lễ đại diện cho hơn 5.000 làng nghề trong nước, thực hiện nghi lễ rước năm nay.
“Chúng tôi gắn hoạt động này với 18 đời Hùng Vương. Nói như vậy bởi đời Hùng Vương thứ sáu có Lang Liêu làm nên bánh chưng, bánh dày dâng lên vua cha. Lang Liêu đã sử dụng sản phẩm nông nghiệp để làm nên món ăn đặc sắc, mà sử dụng sản phẩm nông nghiệp, phải gắn với chăn nuôi, từ chăn nuôi sản sinh ra chế biến. Mục đích của chúng tôi nhằm quảng bá hình ảnh món thực phẩm sạch, môi trường xanh, vì sức khỏe cộng đồng. Nhưng ý nghĩa lớn nhất là văn hóa ẩm thực làng Ước Lễ gắn liền với văn hóa tâm linh” - nghệ nhân Nguyễn Đức Bình chia sẻ.
Lễ rước gồm: 18 lễ giò chả, trầu cau tri ân 18 đời Hùng Vương; 500 cặp bánh dày tri ân đức Lý Thái Tổ; cây chả quế dài 4m, đường kính 50cm, nặng 180kg tri ân tổ nghề. Đoàn rước gồm các cụ cao niên; đại diện Đảng ủy, UBND xã Tân Ước; đoàn nghệ nhân, thợ giỏi và hội viên Hội Văn hóa ẩm thực giò chả Ước Lễ, cùng một số tổ chức quần chúng khác. Buổi rước lễ sáng ngày 22/11/2022 diễn ra trang trọng, nhưng không kém phần hào hứng, vui vẻ. Nhân dịp này, có 9 thợ làm giò chả giỏi được Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao bằng công nhận nghệ nhân làng nghề ẩm thực.