Nhóm Đan Tay tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Câu chuyện Hà Nội: Kể chuyện Thủ đô bằng những cây cọ
Văn hóa - Thể thao 08/12/2023 15:55
Nhóm vẽ Đan Tay hình thành từ đầu năm 2023, ban đầu gồm 8 họa sĩ, chủ yếu là thành viên của CLB Chu Art. Sau này đến gần thời gian triển lãm, nhóm tiếp nhận thêm một thành viên nữa thành 9 họa sĩ. Triển lãm lần này gồm tác phẩm của các họa sĩ: Nguyễn Minh Chính, Ngô Bá Công, Đỗ Dũng, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Lương Huyên, Hà Huy Hiệp, Nguyễn Minh Hải, Vũ Bá Ngọc, Dương Ngọc Thắng. Các tác phẩm tham gia triển lãm lần này được thể hiện bằng 2 chất liệu: Sơn dầu và sơn mài.
Họa sĩ Nguyễn Minh Chính tốt nghiệp Trường Đại học mĩ thuật công nghiệp năm 1997, tham gia triển lãm với 5 tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu. Quan điểm sáng tác của anh, thiên nhiên và cuộc sống ban tặng cho con người thật nhiều thú vị. Người nghệ sĩ mô tả các gợi ý từ thiên nhiên, sự vật, hiện tượng bằng trạng thái cảm xúc, theo góc nhìn của mình.
Góc các tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu. |
Họa sĩ Ngô Bá Công tốt nghiệp Trường Đại học mĩ thuật công nghiệp năm 1999, Thạc sĩ hội họa Trường Đại học mĩ thuật Việt Nam năm 2007, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam năm 2020, hiện là giảng viên môn Mĩ thuật Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh tham gia triển lãm với 3 tác phẩm chất liệu sơn mài. Quan điểm, nghệ thuật là sự tự nhiên, làm việc theo sở thích của bản thân, không câu nệ về bố cục tạo hình và loại hình nghệ thuật nào.
Họa sĩ Đỗ Dũng tốt nghiệp Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam năm 2002, Thạc sĩ hội họa năm 2009, hiện là giảng viên bộ môn Mĩ thuật Trường Đại học Lâm nghiệp. Quan điểm nghệ thuật của anh: Hiện thực không phải cái ta nhìn thấy, nghệ thuật là cái cảm nhận được thông qua hiện thực thế giới khách quan. Nghệ thuật không có tính phổ quát, mỗi bức tranh là một gạch nối đi tìm sự đồng điệu của con người với con người. Bên cạnh đó là sự dũng cảm của cá nhân người vẽ trong hành trình, để phơi bày cái tâm chất, khí chất và tư chất của mình… Anh tham gia triển lãm lần này với 5 tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu.
Họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng tốt nghiệp Trường Sư phạm nghệ thuật TW năm 2011. Quan điểm sáng tác: Nghệ thuật hội họa là sự biểu lộ thông điệp về Chân - Thiện - Mĩ. Nó vừa là thẩm mĩ, vừa là triết lí khai sáng, đánh đồng tâm hồn tư tưởng con người. Anh tham gia triển lãm với 3 tác phẩm chất liệu sơn dầu.
Họa sĩ Nguyễn Lương Huyên tốt nghiệp Trường Đại học Mĩ thuật công nghiệp năm 1995, hiện là hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam. Anh tham gia triển lãm với 4 tác phẩm chất liệu sơn dầu và sơn mài. Họa sĩ Hà Huy Hiệp tốt nghiệp Trường Đại học Mĩ thuật công nghiệp năm 1997. Quan điểm sáng tác: Vẽ để trải nghiệm, để trưởng thành con người về kĩ năng làm việc và phát triển tư duy. Chủ đề chính là đời sống tinh thần con người thông qua đời sống vật chất. Anh tham gia triển lãm với 4 tác phẩm chất liệu sơn dầu.
Họa sĩ Nguyễn Minh Hải tốt nghiệp đại học năm 2008, cao học năm 2013, hiện tham gia giảng dạy và sáng tác mĩ thuật. Anh tham gia triển lãm với 3 tác phẩm chất liệu sơn mài. Họa sĩ Vũ Bảo Ngọc tốt nghiệp Trường Đại học Mĩ thuật công nghiệp năm 2001. Quan điểm sáng tác: Vẽ những gì gần gũi, quen thuộc nhất và làm cho nó trở nên sống động. Những tác phẩm mang thông điệp về hiện thực cuộc sống. Anh tham gia triển lãm với 3 tác phẩm chất liệu sơn dầu. Họa sĩ Dương Ngọc Thắng tốt nghiệp Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam năm 2009. Anh tham gia triển lãm với 4 tác phẩm chất liệu sơn dầu.
Họa sĩ Hà Huy Hiệp cho biết: Thông qua nội dung triển lãm, người xem sẽ thấy được sự thuần chất của các tác giả. Mỗi người tuy có lối đi riêng, nhưng không nằm ngoài giá trị thẩm mĩ cơ bản, đó là sự hiền lành và hướng thiện.
Họa sĩ Nguyễn Lương Huyên với chất liệu sơn mài, đã thể hiện rõ tính truyền thống sâu đậm cả trong kĩ thuật và tạo hình. Những bức phong cảnh, với chiều sâu của không gian, chiều lắng đọng của thời gian, người xem sẽ có được sự bình yên trong tâm trí mình, khi đắm chìm vào đó một cách tự nhiên, thuần khiết.
Tác giả Đỗ Dũng, với chất liệu sơn dầu cơ bản, cho người xem thấy sự níu giữ những nét văn hóa thuần lành của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Hà Nội nói riêng trong thời đại mới có nhiều thay đổi. Tác giả muốn hướng người xem chú ý hơn tới một đời sống tinh thần lên cao, lắng đọng hơn là một lối sống ồn ào vật chất. Một đời sống hướng nội sẽ đem lại sự bình yên nơi mỗi người.
Họa sĩ Ngô Bá Công cũng đưa ra một câu chuyện về sự bình yên nơi tâm trí, dành những yêu thương cho người phụ nữ còn giữ được nét quê nơi phố hội Hà thành. Thế mạnh của chất liệu sơn mài, mà đã được tác giả khai thác rất tốt trong biểu đạt những suy tư đó. Hình tượng phụ nữ đẹp đẽ, dịu dàng như bước ra từ những bài thơ tứ tuyệt.
Tác giả Hà Huy Hiệp thể hiện hai góc nhìn về phố cổ khác nhau. Một góc nhìn vừa chân thực về hình, nhưng biến thiên về sắc thái, thấy phố cổ vừa lạ vừa quen. Một góc nhìn khác giản đơn ước lệ, như một người đuổi đô thị ồn ào, bắt hình tượng phố bình yên.
Họa sĩ Nguyễn Minh Chính xây dựng câu chuyện về Hà Nội mới mẻ, tươi vui. Người xem thấy một Hà Nội đáng sống, dù có ngược về quá khứ, hay xuôi về tương lai. Bút pháp mạnh mẽ là vậy, nhưng vẫn không làm mất đi sự rung cảm của một trái tim.
Tác giả Dương Ngọc Thăng thể hiện rõ nhưng suy tư khúc triết về nhân sinh quan của mình, điển hình qua những bức tranh về nhà phố. Sự cũ kĩ, sự mai một của đời sống tốt đẹp, giống như chỉ còn vang bóng. Đâu đó trong những câu chuyện kể của tác giả, là sự hoài niệm sâu xa có chút men ngà, trà đượm.
Họa sĩ Nguyễn Minh Hải thì không giấu được sự thuần chất của mình trong tranh. Người xem ai cũng quen với Hồ Gươm, cầu Long Biên, Văn Miếu… nhưng quen để thành bạn tâm giao, thì tranh của Nguyễn Minh Hải rất chân tình. Trời đất hình như cũng linh hơn khi soi những hình tượng trong tranh mang ý nghĩa trường tồn của Hà Nội.
Tác giả Nguyễn Tiến Dũng lại men theo câu hát: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” mà nên tranh. Không gian hẹp nhưng thời gian thì rộng dài. Người xem được sống lại thời kì gian khó của mình trong kí ức. Là người vẽ trẻ, nhưng tác giả có những suy tư về hình tượng rất già dặn và lắng sâu.
Họa sĩ Vũ Bảo Ngọc không quên mình là một nhiếp ảnh gia. Những góc nhìn, những khoảnh khắc rất cảm xúc được giữ lại trong những bức tranh của tác giả, cho người xem thấy một phần nhỏ của Hà Nội đáng sống, đáng để yêu thương.
Nhìn chung, triển lãm tranh lần này của nhóm Đan Tay đáng xem, để chiêm nghiệm về cuộc sống nơi phố phường Hà Nội. Từ những giá trị nghệ thuật của các bức tranh được các tác giả thể hiện, người xem có thể hướng tâm hồn mình bình yên hơn, lắng đọng hơn, hướng về giá trị Chân - Thiện - Mĩ.