K9 - Một địa chỉ thiêng liêng
Văn hóa - Thể thao 28/08/2024 15:53
Hồ Chủ tịch đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà, thấy nơi đây phong cảnh sơn thủy hữu tình; gần dân mà xa quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lực tài năng, Bác Hồ đã chọn vị trí này là khu căn cứ của Trung ương. Và gần 3 năm, sau chuyến đi của Người, ngày 15/3/1960, công trình khu căn cứ được khánh thành và gọi bằng mật danh K9. Bác Hồ đã tới buổi mừng công.
Những năm sau, nhiều lần, Người đã cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị lên làm việc ở đây. Cũng tại nơi này, Bác từng tiếp các đoàn khách quốc tế Trung Quốc, đoàn cán bộ quân đội Liên Xô (cũ), do Anh hùng phi công vũ trụ Ghéc Man Ti-Tốp dẫn đầu đến thăm. Ở K9 hiện nay, những cây hoa ngọc lan, cây vàng anh do Bác cùng các vị khách quý trồng, vẫn bốn mùa xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí của Nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9. |
Mọi người đi theo con đường chạy sỏi, hai bên giữa bóng cây, dẫn đến khu nhà làm việc của Bác Hồ; dường như vẫn còn in dấu chân Người… Vùng đất huyền thoại này không chỉ là nơi Bác Hồ đã từng sống, làm việc mà còn là nơi được chọn để giữ gìn thi hài của Người trong những năm chiến tranh; từ năm 1969 đến năm 1975, khi đón Bác về Lăng ở Quảng trường Ba Đình.
Ngày Bác Hồ qua đời, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Đề phòng địch tiếp tục leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, K9 là nơi bảo đảm được các yếu tố: Bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện giao thông nên Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định K9 là địa điểm giữ gìn thi hài Bác.
Chỉ 1 năm sau khi Người đi xa, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Công binh, cùng Tiểu đoàn 144, Bộ Tổng tham mưu lên K9 khảo sát thiết kế, cải tạo lại công trình. Lúc đầu, Ban chỉ đạo giữ gìn thi hài Bác, định sử dụng ngôi nhà có sẵn để lắp đặt máy móc; thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Người ở ngay trên mặt đất. Nhưng sau, Quân ủy Trung ương quyết định phải cải tạo hệ thống hầm ngầm để đưa thi hài Bác xuống khi chiến tranh có thể lan rộng tới khu vực này. Trong điều kiện thi công khó khăn, phải bảo đảm bí mật, thời gian gấp, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công trình cùng phòng giữ gìn thi hài Bác xây ghép ốp men trắng, có hệ thống điều hòa thông gió vào phòng làm thuốc đặc biệt. Ngày 15/12/1969, sau hơn 3 tháng làm việc khẩn trương, công trình đã hoàn thành. Để giữ bí mật, K9 đổi thành K84.
Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, non sông liền một dải. Đúng 16 giờ ngày 18/7/1975, đoàn xe đặc biệt mang thi hài Bác xuất phát từ K84 (K9), tạm biệt khu căn cứ, núi rừng thân thương, đưa Người về Lăng, nơi an nghỉ vĩnh hằng…
Nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ khu di tích K9 giao cho Đoàn 285, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, cán bộ, chiến sĩ bảo đảm an ninh an toàn cho khu di tích; bảo tồn hiện vật lịch sử gắn liền cuộc đời của Bác; đón tiếp Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tới đây dâng hương tưởng niệm Người.
Với lòng kính yêu Bác vô hạn, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 285 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Nhà nước và Nhân dân giao phó; để nơi đây xứng đáng là địa chỉ thiêng liêng, di tích có giá trị lớn về mặt lịch sử - văn hóa; nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.