Những nhạc cụ độc đáo của người Cơ Tu
Văn hóa - Thể thao 27/08/2024 08:28
Già Bớt chỉ tay lên chỗ cây kèn Cabluôc treo trên vách nhà làm bằng sừng trâu có chiều dài gần 1 gang, một đầu nhọn và kín, đầu to (loa) phát ra âm thanh, ở giữa thân kèn có gắn gá bằng miếng đồng mỏng, chung quanh miếng đồng được trít một loại keo đặc biệt màu đen, để khô rất cứng, đó là sáp con ong rú, lấy ở rừng sâu. Chỗ này là nơi thổi hơi vào kèn. Thứ âm thanh trầm hùng của kèn này nghe rất xa, dội lại qua bao thung lũng, con suối con khe của núi rừng Trường Sơn hoang dã. Ngày xưa, tổ tiên dùng để thổi trong dịp tấn công hoặc rút quân trong các cuộc đi săn tập thể...
Già làng Đinh Văn Bớt và vợ chơi đàn Abel. |
Đặc biệt, cây đàn Abel (H’ra) có chiều dài khoảng 50cm, được chia làm hai phần chính: Đế đàn làm bằng một mảnh gỗ mỏng, gần 1cm, dài hơn 1 phân, có chạm trổ hoa văn họa tiết rất đẹp... Khi chơi đàn, có thể dùng hai ngón chân cái và trỏ kẹp vào phần dưới của đế đàn để định vị cho cây đàn. Thân đàn gồm một ống nứa nhỏ, đường kính dưới 30cm, đầu dưới được gắn vào đế đàn, phần trên để trống và cũng là nơi chứa cần đàn (cần kéo) khi không sử dụng. Gần đầu đàn có một cái chốt bằng tre xuyên qua thân đàn để lên dây đàn. Dưới chốt, trên thân ống có gắn 3 cái núm nhỏ làm bằng chai chò (nhựa cây chò), hoặc sáp ong rú, gọi là vú đàn và gắn theo chiều dọc của ống, có khoảng cách 1cm giữa các vú. Ngoài ra, có một sợi chỉ (dài hơn thân đàn một chút), nối từ nơi tiếp giáp giữa đế đàn và thân đàn, đoạn cuối sợi chỉ xuyên qua giữa mảnh vảy con trút, cắt theo hình tròn.
Đàn được chơi hai cách. Cách thứ nhất: Dùng cây cần bằng tre hay nứa kéo qua lại chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời các ngón tay của bàn tay trái “luyến láy” dây đàn. Cách thứ hai, người sử dụng dùng hai hàm răng cắn miếng vỏ trút và giữ cho sợi chỉ nằm trong tình trạng căng ra đồng thời hát. Âm thanh lúc bấy giờ nghe lớn hơn và không còn nghe tiếng nhạc đơn thuần nữa mà nghe hòa quyện lời ca lồng trong tiếng nhạc, âm thanh phát ra nghe tựa như tiếng nước chảy róc rách của con suối, con khe...
Già làng Đinh Văn Bớt cho biết: “Đây là cây đàn để trai làng thổ lộ tình yêu với bạn gái của mình khi không thể nói bằng lời được. Ngày trước, thời còn trai trẻ, chúng tôi thường rủ bạn gái trèo lên nhà Moong, hoặc ra bờ suối, dưới ánh trăng rừng, hai người tha hồ chơi đàn Abel và “hát không há miệng”. Theo luật tục của người Cơ Tu không được vượt qua cái ngưỡng “rún” ấy của người phụ nữ. Nếu người nào đó “vi phạm”, khi biết được sẽ bị dân làng phạt rất nặng, như cô lập ở rừng sâu. Còn nhẹ thì phải cúng trâu, heo... Tuy nhiên, bây giờ một số thanh niên Cơ Tu “vượt rào”, yêu nhau như kiểu trong phim, gây ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa, luật tục của người Cơ Tu”.