Người đàn bà hát trên bục giảng
Văn hóa - Thể thao 25/09/2023 08:39
Trong căn phòng khách gọn gàng, xinh xắn tại khu tập thể Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, câu chuyện giữa tôi với bà diễn ra tự nhiên, thoải mái đúng với đề xuất của tôi, tâm tình về chuyện đời, chuyện nghề, cùng những trăn trở, khúc mắc trong cuộc sống. Theo lời kể của bà, quê quán của bà ở Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam. “Tôi ngày xưa học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, khóa 1973 - 1977. Năm 1977 tôi ra trường, đáng lẽ vào Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, nhưng Trường Quản lí giáo dục cần đội ngũ giảng viên trẻ, ai thi đỗ đạt thủ khoa được chọn. Có 10 người của 10 khoa được chọn, trong đó có tôi, được đào tạo cán bộ giảng dạy của Trường Cán bộ quản lí”, bà Trâm kể.
Về đó một thời gian bà có tên trong danh sách được cử đi nghiên cứu sinh, nhưng sau thời gian ôn thi, họ thấy bà chưa hết tập sự, nên không cho đi. Bà cười: “Không được đi nghiên cứu sinh, nên ở lại lấy chồng sinh con. Tôi được cử đi học 2 năm về tâm lí giáo dục, để giảng dạy cho các cán bộ quản lí. Điều này rất khó cho những người trẻ tuổi như tôi”. Bà Trâm cho biết, học xong 2 năm về tâm lí giáo dục, bà được cử làm trợ lí cho Hiệu trưởng, nhưng trên thực tế thì được cử việc gì làm tốt việc đó. Rồi bà được mời về Xuân Hòa dạy đại học, nhưng gia đình không đồng ý, nên được giới thiệu sang Trường Tuyên huấn Trung ương, tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. “Đơn giản như vậy đó, tôi về đó giảng dạy, rồi thấy gắn bó với môi trường này, chắc mình có chút khí chất nào đó của người làm báo”, bà Trâm cười.
PGS.TS Trần Thị Trâm |
Bà Trâm giảng dạy ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ năm 1983 đến năm 2016 nghỉ hưu, với chuyên ngành Văn học dân gian. Bà Trâm bảo, hơn 33 năm dạy học ở đó, bà hiểu rằng Văn học dân gian có tầm quan trọng như thế nào đối với nghiệp vụ báo chí. “Tôi không dạy Văn học dân gian như truyền thống, mà theo quan niệm “văn dụng học”, nghĩa là ứng dụng văn học dân gian vào nghề nghiệp, cụ thể ở đây là nghề báo. Bà tâm sự: “Tôi dạy Văn học dân gian và sau này là Văn học mạng, không có gì là sâu sắc cho lắm, nhưng mình có cái nhanh nhạy của người làm báo”. Bà Trâm từng làm đề tài cấp Bộ mang tiêu đề: “Khai thác vận dụng Văn học trong sáng tạo tác phẩm báo chí”, rất công phu và nghiêm túc, được ghi nhận có giá trị ứng dụng cao.
Bà Trâm từng dạy chuyên đề cấp cao học về mối quan hệ giữa Văn học và báo chí, trong đó có nội dung vai trò của Văn học với sự phát triển của báo chí, ngược lại vai trò của báo chí với sự phát triển của Văn học, sau đó là sự vận dụng Văn học khi tạo lập tác phẩm báo chí. Bà cho biết, cách làm của bà chủ yếu khơi gợi, nhằm cho học viên phát triển tư duy sáng tạo. Theo bà, giữa Văn học và báo chí có mối quan hệ giao thoa rất hấp dẫn, Văn làm cho báo sang trọng lên và sâu sắc hơn rất nhiều. Bà cho rằng, nếu vận dụng được nhiều thành ngữ, tục ngữ vào tác phẩm báo chí thì tuyệt vời.
Công trình “Văn học dân gian Việt Nam sau 1986” . |
Bà cho rằng, một trong những đặc trưng của Văn học dân gian là nghệ thuật biểu diễn, trong đó phần diễn xướng là rất quan trọng. Câu chuyện đang “ngon trớn” thì một làn điệu chèo cất lên da diết, mượt mà: Qua đình ngả nón í i ây mấy trông í i ì đình. Ngả nón í i trông í i ì đình... Rồi cũng nội dung đó được chuyển sang làn điệu dân ca quan họ: Qua đình ngả nói í mấy trông ới ơ ới ơ đình, là em ngả nón bên trông đình. Ấy mấy em là em đi í í ngang qua. Bà Trâm cười nói: “Khi giảng dạy, tôi thường hát minh họa cho học viên nghe các làn điệu dân ca, với suy nghĩ khi giảng dạy phải gắn với thực tế. Tôi hài hước nhiều lắm, nhưng những gì dung tục thì mình phải hết sức tiết chế”.
Năm 2008, bà được bình chọn là một trong 10 phụ nữ tài năng sáng tạo của toàn quốc, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh. Bà nói, khi giảng dạy, bà rất nhiệt huyết và hóa thân. “Cái gì muốn hay thì phải say mê mới có sáng tạo. Từ nghiên cứu Văn học dân gian cổ truyền, tôi mới nghĩ đến Văn học dân gian đương đại. Mình cứ nghe và ghi chép lại, làm như vậy mấy chục năm mới ra được cuốn sách nhan đề “Văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986”. Cuốn sách này của tôi là tư duy mới về Văn học dân gian. Từ Văn học dân gian cổ truyền, có sự so sánh giữa tương đồng và khác biệt. Bao giờ cũng phải so sánh thế mới ra vấn đề, mới ra được cái khác biệt của Văn học dân gian đương đại. Văn học dân gian đương đại phát triển mạnh lắm, mỗi giai đoạn lại có cái khác nhau, cũng phải chịu khó, nhưng làm xong thấy thú vị. Trong đó tôi viết cả về văn hóa đại chúng”, bà Trâm tâm sự.
Bà khoe, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 năm nay bà được in một bài, có nhan đề: “Hồ Xuân Hương - kì nữ, kì tài”. Bà cho hay, bà viết bài này khác với nhiều người, nên phù hợp với đối tượng là các em học sinh. Câu chuyện của chúng tôi lại lái sang hướng giảng dạy Văn học trong các trường phổ thông hiện nay, mà theo bà, hiện dạy Văn khác xưa, là có thể loại giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Tiếp xúc với bà, cảm nhận rõ nét nhất, bà là người phụ nữ vui vẻ, hòa đồng và cũng rất thẳng thắn. Theo bà, trí thức Việt Nam đương đại cơ bản là trí thức bình dân. Bà phân định có hai loại trí thức, một là tinh hoa và một là bình dân, trong đó trí thức tinh hoa là những người học ra học, nghiên cứu ra nghiên cứu và có thái độ chỉn chu trong cuộc sống, không xô bồ đại chúng. Bà bảo, thời đại này trí thức tinh hoa hiếm lắm. “Tôi cũng thuộc tuýp trí thức bình dân, mà không chỉ là bình dân ở nguồn gốc xuất xứ. Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành Phó Giáo sư, mà chỉ đam mê nghiên cứu rồi công bố các công trình, rồi cái gì đến nó cứ đến”, bà Trâm cười nói.
Chia tay bà sau một cuộc trao đổi rất vui vẻ và tự nhiên, chúc bà luôn mạnh khỏe và tiếp tục đam mê nghiên cứu, để cho ra đời những công trình có giá trị.