Thành công về tư duy và cái nhìn mới
Nghiên cứu - Trao đổi 10/08/2023 12:29
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu, có lớp lang và hơi thở cuộc sống. Tại cuộc tọa đàm về tác phẩm, do Hội đồng lí luận phê bình văn học, Hội Nhà văn TP Hà Nội tổ chức mới đây, nhà thơ Nguyễn Thị Mai nhận xét: “Có thể nói, đây là công trình đầu tiên sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian sau năm 1986 một cách nghiêm túc, bài bản, phong phú, độc đáo và phần lí luận được viết khá sâu sắc…”. Nhà văn Phùng Văn Khai thì tỏ ra xúc động: “Không thể nào ngờ một người rất chỉn chu, nghiêm túc từ bề ngoài tới công việc như PGS.TS Trần Thị Trâm lại vô cùng hăm hở viết chuyên luận và sưu tầm, tuyển chọn rất thành công với “Văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986…”. TS Đỗ Anh Vũ thì cho rằng, cuốn sách là: “Một dòng chảy từ quá khứ tới tương lai…”. PGS.TS Vũ Nho khẳng định, đây là cuốn sách độc đáo, do mốc năm 1986 là thời kì đất nước bắt đầu xóa bỏ quan liêu bao cấp, mở cửa kinh tế, là thời điểm có nhiều biến chuyển mạnh, khác biệt rất lớn với các thời kì trước. TS Nguyễn Thị Huệ bày tỏ lòng khâm phục, bởi sự dày công sưu tầm, gom góp, tuyển chọn những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện cười của tác giả. Bên cạnh đó là sự đánh giá khá toàn diện về sự vận động và phát triển của văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986…
PGS.TS Trần Thị Trâm (thứ 2 bên phải sang) nhận hoa tặng trong buổi tọa đàm về cuốn sách, do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức. |
Bản thân PGS.TS Trần Thị Trâm là cựu giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nên cách tiếp cận trong quá trình nghiên cứu của bà theo hướng biến những tư liệu thành giáo trình giảng dạy. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai nhận định, phần chuyên luận là những nghiên cứu kĩ lưỡng, từng viết thành giáo trình giảng dạy, nay được bổ sung, phát triển. Phần chuyên luận được tác giả đầu tư suy nghĩ, nghiên cứu công phu, có sự so sánh đối chiếu đồng đại, lịch đại, luận cứ rõ ràng… làm nên giá trị cần thiết nhất của cuốn sách. Từ thực tiễn, tác giả tìm ra được đặc điểm khác biệt của dòng văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986, đó là về tác giả và công chúng, theo đó tác giả chứng minh: “Sự thay đổi về trình độ của công chúng, sự tăng cường về cơ cấu tri thức trong lực lượng sáng tác, là nguyên nhân chủ yếu tạo nên cho văn học dân gian hiện đại một diện mạo khác biệt so với truyền thống”.
Tại cuốn sách này, tác giả đi sâu phân tích khái niệm folklore, trong đó folk có nghĩa đại chúng, Nhân dân; lore nghĩa là trí tuệ, trí khôn; tổng thể của khái niệm folklore được hiểu là kiến thức, trí tuệ của Nhân dân, của đại chúng. Từ đó, tác giả đưa ra khái niệm về văn hóa dân gian và cấu trúc của nó, trong đó có văn học dân gian, là những sáng tác mang tính đại chúng và sự phát triển mạnh mẽ văn học dân gian sau năm 1986, là sự phản ánh chân thực tiến trình phát triển của xã hội.
Kết luận cho phần chuyên luận, PGS.TS Trần Thị Trâm khẳng định: “Văn học dân gian Việt Nam sau 1986 đang phát triển mạnh mẽ, tốc độ, phong phú, đa dạng nhưng cũng vô cùng phức tạp. Chúng tồn tại dưới hai hình thức: Những tác phẩm độc lập trong đời sống xã hội và rất nhiều mảnh vụn đang hóa thân, rồi tiếp tục tái sinh trong những hình thức văn hóa hiện đại khác: Văn học viết, văn học mạng, báo chí, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh... Trong những điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội mới, so với văn học dân gian cổ truyền, giai đoạn đất nước có chiến tranh (1945 - 1975) và trước thời kì đổi mới (1975 - 1986), văn học dân gian sau 1986 mang những đặc điểm riêng. Đó là sự khác biệt về tác giả và công chúng tiếp nhận, sự thu hẹp về nội dung phản ánh, sự thay đổi về giọng điệu và sự khác biệt về hệ thống thể loại. Từ đầu năm 2020 đến nay, trong điều kiện cả thế giới đang phải trải qua đại dịch Covid-19, diện mạo của văn học có những thay đổi trên các phương diện: Tác giả và công chúng tiếp nhận, nội dung phản ánh, giọng điệu, tốc độ. Nó cũng có những đóng góp không nhỏ và độc đáo cho công cuộc chống dịch và nền văn hóa dân tộc đương thời. Do những ưu thế đặc biệt của mình, dù ở thời đại nào văn học dân gian cũng có vai trò quan trọng, đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa nghệ thuật của đất nước. Trong giai đoạn có tính chất bản lề như hiện nay, văn học dân gian càng trở thành điểm tựa tinh thần, là nội lực của cá tính sáng tạo, giúp mỗi dân tộc tự tin, vững bước đi lên hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, bởi muốn đi xa phải trở về. Văn học dân gian đang có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của văn học viết, văn học mạng và các loại hình văn hóa khác. Văn học dân gian sau 1896 có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của nền văn hóa dân tộc. Cùng với báo chí, văn học dân gian đã có đóng góp to lớn, nếu không muốn nói là đi đầu trong nhiệm vụ khó khăn nhất, là chống tiêu cực, chống lại những hình thức phản văn hóa, để bảo vệ những giá trị truyền thống quý báu, ủng hộ cái mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Là một sân chơi văn hóa dân chủ và hiệu quả, văn học dân gian đã tạo ra được những luồng dư luận, tạo thành những hiệu ứng xã hội lớn, để có thể điều chỉnh hành vi đạo đức của con người”.
Hấp dẫn nhất trong cuốn sách này là phần giới thiệu các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam sau năm 1986, gồm: Thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện cười. Phần này chứng tỏ tác giả rất kì công và cẩn trọng trong việc thu thập tư liệu. Nói chung, cuốn sách là công trình khoa học khá bổ ích, nhất là dành cho những người hành nghề viết văn, viết báo.