Mộc bản Kí ức thế giới chùa Vĩnh Nghiêm
Văn hóa - Thể thao 24/03/2021 15:45
Khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm rộng khoảng 1ha, với bốn khối kiến trúc, gồm: Tòa Thiên đường, tòa Thượng điện, nhà Tổ Đệ nhất, nhà Tổ Đệ nhị và một số công trình văn hóa tín ngưỡng cổ khác. Các khối kiến trúc trong chùa thiết kế theo kiểu chữ công (Hán tự); có hoa văn trang trí đặc trưng của chùa cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chùa Vĩnh Nghiêm từng là trung tâm tu hành, đào tạo, giảng dạy kinh Phật; là nơi thờ Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam, vì thế, nơi đây còn giữ gìn khá nhiều thư tịch cổ, trong đó có những bộ sách kinh Phật quý, có từ bảy trăm năm như: Sa di tăng, Sa di lì tỉ khiêu dị, Yên Tử Phật trình, Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chủ quán, Giới kinh ni…
Chùa Vĩnh Nghiêm |
Tính ra, chùa có 34 đầu sách, trong đó chín đầu sách lớn với 3.050 bản khắc gỗ, chứa đựng kiến thức về y học, văn học, luật giới nhà Phật. Loại sách kinh của bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm phần lớn do các Tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác. Ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật kí của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng khác. Qua các mộc bản này, thấy rõ những tư tưởng, giáo lí của Thiền phái Trúc lâm rõ nét nhất với các giá trị nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là về thân thế, sự nghiệp của Đức Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông và nhiều danh nhân văn hóa lịch sử của nước ta. Đặc biệt, một số mộc thư còn giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam và cách châm cứu với bản sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng.
Trong bộ mộc bản, có những bản khắc lớn với chiều dài hơn một mét; rộng từ 40 đến 50cm. Bản nhỏ nhất có kích thước khoảng 15 x 20cm. Nhiều bộ ván in được chạm khắc cầu kì những hoa văn và họa tiết thể hiện triết lí đạo Phật. Theo tương truyền, chùa Vĩnh Nghiêm đã phải xây dựng 10 gian nhà để chứa hơn ba nghìn bộ ván in.
Những mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm được coi “báu vật quốc gia”; được lưu giữ hàng trăm năm tại chùa. Năm 2009, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã tiến hành kiểm kê, in dịch toàn bộ số ván kinh mộc bản và lập hồ sơ khoa học dựa trên ba tiêu chí: Tính xác thực, tính độc đáo và vị trí, vai trò trong khu vực trình UNESCO và đã được tổ chức này công nhận là Di sản Kí ức thế giới, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2012