Ngược núi mưu sinh!
Xã hội 13/05/2023 09:47
Lên đỉnh Yên Tử lễ Phật…
Giữa tháng 3/2023, tôi đến Quảng Ninh rồi lên Yên Tử. Thời tiết dễ chịu, không gay gắt nắng, thỉnh thoảng có cơn mưa rào. Vẫn còn khá đông du khách hành hương đến đất Phật. Tuy nhiên không nhộn nhịp như đi trẩy hội các năm trước dịch Covid-19. Đích đến vẫn là chùa Đồng trên đỉnh núi. Nơi đây có tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông, cao 15m, nặng 138 tấn, vị tổ khai sinh ra Thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Gánh hai bình gas lên Chùa Đồng |
Muốn đến tận nơi phải đi bộ vượt đường rừng núi gần 6 cây số, dốc dựng đứng lại rất hẹp. Từ chân núi đi bộ lên đến đỉnh phải mất đến hơn 6 tiếng đồng hồ. Đường lên núi khó đi, nhiều đoạn dốc nhưng so với trước đây thì nay thuận lợi hơn nhiều. Khi chưa có cáp treo, du khách muốn lên đến đỉnh thường phải nghỉ đêm ở chùa Hoa Yên rồi sáng sớm leo núi lên khoảng 2,5 km nữa. Từ chùa Hoa Yên đi khoảng 300m sẽ đến nhà ga cáp treo. Xuống cáp treo phải đi bộ, leo dốc 600m nữa mới lên đến đỉnh Yên Tử! Du khách thấy vất vả nhất là đoạn này bởi sau cả quãng đường dài bị vắt như gần hết sức lực…
Không leo nổi nữa thì dừng, đừng có cố! Tôi nghe một người bán nước giải khát gần chùa Hoa Yên kể vài năm trước có mấy người bị đột qụy, đột tử vì gắng quá sức hoặc gặp tai nạn trong khi ngồi nghỉ bất cẩn hoặc xây xẩm bị té ngã xuống vực sâu… Trước năm 2000, rất nhiều du khách có sức khỏe đã chinh phục được đường lên tận đỉnh núi lễ Phật mà không phải dừng nghỉ lại đêm tại chùa Hoa Yên. Ông T. (62 tuổi) chủ một quán giải khát ở đây gần 40 năm kể, người cao tuổi nhất tự lên đến đỉnh Yên Tử là cụ ông 92 tuổi và một cụ bà lưng đã còng vẫn quyết tâm lên cho được đỉnh núi, có chết cũng thỏa mãn! “Yên Tử chính là đất Phật, là di tích lịch sử để tăng ni, phật tử hành hương. Năm nay thưa khách hơn những năm trước dịch Covid-19”, một chị bán chè lam (đặc sản nổi tiếng ở Yên Tử) cho biết.
Điểm dừng chân của những người gánh hàng |
Điểm đặc biệt năm nay là có dịch vụ đưa người lên núi bằng võng. Các cụ già hoặc người sức khỏe kém từ chân núi được “võng” lên chùa Hoa Yên một chặng hoặc từ chùa Hoa Yên “võng” lên chùa Đồng một chặng nữa, mỗi chặng chỉ trả công 100 nghìn đồng/người, “võng” xuống 50 nghìn đồng/người. Đây là những người gánh, vác thuê hàng hóa, “võng” người lên núi lấy công làm lãi.
Có những người gánh hàng thuê
Năm 2001, hệ thống cáp treo được xây dựng, có hai chặng: Chặng 1 dài 1,2 km, chặng 2 dài 900m. Để đưa dụng cụ, vật liệu xây dựng hệ thống cáp treo gồm 4 nhà ga đến tận chân công trình phải cần đến nhiều người vận chuyển. Đó là đội ngũ khá đông những người gánh, vác thuê hăng hái vào cuộc vì có thu nhập cải thiện cuộc sống. Người nhận việc này có thể là nam hoặc nữ, hầu hết độ tuổi dưới năm mươi, bảo đảm sức khỏe là được. Người vác bao xi măng, đá, gạch, cát sạn, người mang vác sắt, thép, dụng cụ, máy móc... Nam thường gánh, vác bao xi măng 50 kg; nữ gánh gạch, cát, sạn (cho vào bao để gánh) chừng 30 kg đến 40 kg. Có người đủ sức vận chuyển vật tư suốt một tuần nhưng sau đó phải nghỉ một, hai ngày cho bớt tê gáy, ê vai nhằm phục hồi sinh lực!
Ông Q. (72 tuổi), quê ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh sống bằng nghề gánh, vác hàng lên núi đã mấy chục năm. Ông là người cao tuổi nhất còn gánh, vác hàng thuê. Ngày nào cũng hai bận lên xuống núi. Tuổi cao nhưng sức khỏe vẫn còn khá ổn. Ông có thể gánh hàng nặng đến 50 kg hoặc 60 kg. Sáng sớm ông xuất phát từ chân núi lúc 5 giờ, lên đến chùa Hoa Yên phải sau 13 giờ. Ngoài hàng là đồ lễ của du khách hoặc lương thực, thực phẩm mang lên chùa Đồng, ông còn kiêm việc đi chợ cho nhiều chủ quán nước dọc đường lên núi. Người này đặt mua vài cân cá, bó rau, chai mắm; người kia đặt mua vài chục cân gạo, thùng nước đóng chai… ông nhận tất. Tất nhiên là giá thành tăng gấp đôi bởi đã có tính tiền công gánh vác. Thấy ông cao tuổi, công việc vất vả nên mấy nhà ga cáp treo cho ông đi miễn phí, rút ngắn được đường vận chuyển hàng. “Hoàn cảnh gia đình ông Q rất khó khăn, vợ lại đang chạy thận. Trước đây, mỗi lần đi không có hàng xuống núi ông cũng lượm vài cành cây khô rồi lai (chở) bằng xe đạp về làm củi đốt. Ngày thu nhập vài trăm nghìn đồng. Ông được địa phương xây cho một ngôi nhà tình nghĩa”, ông T. chủ một quán nước kể với tôi.
Trên đường xuống núi |
Đội quân gánh, vác hàng chuyên nghiệp ở đây cũng vài chục người, trong đó nữ chiếm tỉ lệ từ 30% đến 40%! Họ chia ra từng nhóm nhỏ vài ba người để tiện giúp nhau như san sẻ bớt việc nếu hôm nào đó nhiều khách hàng gọi. Tôi hỏi chuyện chị H. lúc chị đang xếp lại dụng cụ bao nhựa, dây cột, ngồi nghỉ trên ghế đá chờ xuống núi. Chị H. quê ở TP Hải Phòng thuê nhà trọ ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Chị vốn là mẹ đơn thân, có con nhỏ gửi cho cha ruột trông. Chị vui vẻ chia sẻ: “Cháu làm công việc này cũng gần 7 năm rồi chú ạ! Mới đi thì nhức mỏi khiếp nhưng nay bình thường. Chỉ sợ không có việc thôi. Ngày được vài trăm nghìn, có khi gần một triệu như những ngày cận Tết”. Sau khi gánh hai bình gas lên một đoạn để đó rồi quay xuống chuẩn bị ăn trưa, anh S. (gần năm mươi tuổi) ghé vào một quán nước. Tôi hỏi chuyện, anh nhiệt tình kể : “Em gánh hàng mới có 3 năm thôi. Gánh nặng nhất chỉ 60 cân. Như hai bình gas kia 50 cân đó. Bắt đầu đi từ lúc 9 giờ rưỡi lên đến chùa Hoa Yên là đứng trưa. Ăn cơm xong lại gánh đi tiếp lên chùa Đồng. Tiền công chỉ 500 nghìn đồng”. Ông bạn anh S. tên Th. (53 tuổi), quê ở Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, gánh, vác hàng thuê lên núi đã 23 năm, chen vô góp chuyện: “Cùng lắm mới chọn cái việc này chứ mất sức lắm bác ạ! Em có ông bạn cùng nghề, hơn sáu mươi tuổi một tí đã đi lại khó khăn, than trời, kêu đất mãi rồi giải nghệ!”. Chị M. có chồng cũng gánh, vác hàng thuê kể, nếu gánh đồ lễ lên rồi gánh xuống thì tiền công phải gấp đôi. Ai khỏe lắm mới nhận chứ thường thì như chị phải nhường lại cho người khỏe mạnh hơn gánh xuống.
Tôi thấy mình leo núi, chỉ mang theo cái bình nước giữ nhiệt, chưa đến nơi đã muốn gửi lại cho cái quán dọc đường rồi. Sao có nhiều người chọn cái nghề quá nặng nhọc thế này? Thật sự kính nể! Nhưng, nói như một người gánh, vác thuê hàng lên núi “Khô mồ hôi là hết tiền!” mới thấy thu nhập dường như không đủ sống. Làm cái nghề này chỉ là“ Ăn mày nơi đất Phật”- lời của một chị gánh, vác hàng thuê nói vậy! Để lo cho gia đình, con cái phải vắt kiệt đi sức lực của mình. Vốn bỏ ra bằng mồ hôi lẫn nước mắt nhưng khi chớm về già thì sức khỏe xuống rất nhanh, đã xuống rồi khó cưỡng lại.