Long trọng tưởng nhớ Ngày mất thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải
Nhịp sống văn hóa 02/03/2022 09:11
Buổi lễ được tổ chức tại Lưu niệm đường Á Nam Trần Tuấn Khải, đường số 27, Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, với nhiều hoạt động đặc sắc như diễn kịch, ngâm thơ, hát quan họ…để tái hiện, khắc ghi, tưởng nhớ về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của chí sĩ Á Nam.
Nữ sĩ Lan Hinh tưởng nhớ người cha của mình |
Tại buổi lễ, nữ sĩ Lan Hinh, con gái của Trần Tuấn Khải, bày tỏ: Á Nam không chỉ là một người cha giàu lòng yêu thương mà còn là một người thầy đã dày công giáo huấn bà nên người. Thế nên, nữ sĩ tin rằng, việc gìn giữ những di sản văn chương mà thân phụ để lại cũng là gìn giữ những tài sản vô giá, vĩnh hằng có thể bồi đắp cho sự phong phú, dồi dào cả về trí tuệ lẫn tâm hồn của các thế hệ con cháu mai sau. Với niềm mong mỏi đó, nữ sĩ đã duy trì việc tổ chức nhiều chương trình thơ – nhạc – kịch để đưa các di sản văn chương của thân phụ đến gần hơn với người yêu văn chương, nhất là những người trẻ muốn tìm về với văn hoá dân tộc. Chương trình hôm nay được tổ chức, cũng là với mục đích như vậy.
Nhà sử học Nguyễn Nhã (ngồi giữa ở hàng ghế đầu) tới dự lệ tưởng nhớ Á Nam |
Trần Tuấn Khải quê ở làng Quang Xán, xã Mĩ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là một nhà thơ yêu nước tiêu biểu những năm đầu thế kỷ 20. Trong sự nghiệp sáng tác, ông có nhiều bút danh nhưng thường dùng là Á Nam. Ngoài viết truyện, làm thơ, soạn kịch, dịch sách, dạy học, ông còn tham gia hoạt động cách mạng.Á Nam Trần Tuấn Khải được xem là một trong số hai nhà thơ tiêu biểu nhất trong lịch sử thơ ca chữ quốc ngữ của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Dòng thi ca “nặng tình non nước” của ông được lưu nhớ sắc sâu trong nhiều thế hệ văn nghệ của nước ta. Những tác phẩm nổi tiếng của ông như: Duyên nợ Phù sinh; Bút quan hoài; Tiễn chân anh Khóa; Gương bể dâu; Mừng anh Khóa về… chứa đựng nhiều giá trị. Năm 1985, tên của ông được sử dụng để đặt tên cho một con đường tại quận 5, TP Hồ Chí Minh.
Các nghệ sĩ cùng sum vầy biểu diễn những tác phẩm của Á Nam |
Hơn 20 năm trước, nữ sĩ Lan Hinh tâm huyết và dày công dựng nên Á Nam Lưu niệm đường. Từ đó đến nay, Lưu niệm đường là một không gian bảo tồn văn hoá, nơi để cho nhiều thế hệ, nhiều nhà nghiên cứu, sưu tập… tìm về lĩnh hội, chiêm ngưỡng những di sản mà Á Nam để lại trong suốt cuộc đời đầy đam mê sống và viết.
Nữ sĩ Lan Hinh tặng quà, học bổng Trần Tuấn Khải cho thế hệ trẻ |