Kỷ niệm 38 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trần Tuấn Khải
Nhịp sống văn hóa 08/03/2021 16:37
Mở đầu buổi lễ, Nữ sĩ Lan Hinh người con gái của Á Nam Trần Tuấn Khải bày tỏ: "Đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học viết khá đầy đủ về cha tôi, nhưng hôm nay trong buổi tưởng nhớ ngày mất của cụ bằng không gian văn hóa và khuôn khổ của sân khấu ở Lưu Niệm Đường, chúng ta cùng thưởng thức những trích đoạn trong các tác phẩm tiêu biểu coi đó là ghi nhớ và tri ân về cụ. Sự tham dự của quý khách cao niên sẽ là động lực đồng hành cùng tôi trong việc giữ gìn, bồi đắp văn hóa Trần Tuấn Khải dành cho thế hệ trẻ mai sau. Với thế hệ trẻ góp mặt ngày hôm nay sẽ là giá trị kế tiếp để lan tỏa văn hóa, văn học và con người Á Nam Trần Tuấn Khải".
Nữ sí Lan Hinh thăm hương tưởng nhớ Á Nam Trần Tuấn Khải |
Tại buổi lễ kỷ niệm, các tác phẩm nổi tiếng như: Trung Hiếu Lưỡng Toàn, Thuyền gặp Sóng, Bạc Giấy...đã được các nghệ sĩ tái hiện bằng nghệ thuật tuồng chèo, hát xẩm, hát chầu văn…một cách đặc sắc và dễ hiểu, qua đó giúp người xem nắm bắt và hiểu hơn về văn hóa và con người Á Nam.
Những nghệ sĩ của Sân khấu Á Nam trong buổi lễ kỷ niệm |
Trích đoạn trong tác phẩm Trung Hiếu Lưỡng Toàn của Á Nam |
Á Nam Trần Tuấn Khải là nhà thơ yêu nước, sinh năm 1895, quê ở Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Duyên nợ Phù sinh; Bút quan hoài; Tiễn chân anh Khóa; Gương bể dâu; Mừng anh Khóa về… Ông cũng là tác giả của những vần thơ giản dị, gần gũi, thắm nghĩa tình, như: Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Nhà sử học Nguyễn Nhã cùng một số quan khách cao niên dự buổi lễ
|
Trong sự nghiệp sáng tác, Trần Tuấn Khải có nhiều bút danh, nhưng thường dùng là Á Nam. Ngoài viết truyện, làm thơ, soạn kịch, dịch sách, dạy học, ông còn tham gia hoạt động cách mạng. Á Nam Trần Tuấn Khải được xem là một trong số hai nhà thơ tiêu biểu nhất trong lịch sử thơ ca chữ quốc ngữ của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Năm 1985, tên của ông được sử dụng để đặt tên cho một con đường tại quận 5, TP Hồ Chí Minh.
Nhằm lưu giữ và phát triển văn hóa Á Nam Trần Tuấn Khải, gần 30 năm nay người con gái của Cụ là Nữ sĩ Lan Hinh đã dựng nên Lưu Niệm Đường Á Nam Trần Tuấn Khải (ở TP Thủ Đức) làm nơi sưu tầm, lưu truyền về tổ chức sinh hoạt văn hóa.
Các em thiếu niên tham dự và biểu diễn tại buổi lễ sẽ mang lại giá trị và ý nghĩa |