Quần thể di tích chùa Am Các nằm trên một vùng núi rừng rộng lớn với một thảm thực vật quanh năm tươi tốt có nhiều loại cây thuốc quý như: chè xanh, trúc hoa, cây lá đắng, mắc khẻn, sâm cau…xuống phía chân núi là hồ nước rộng tới 80ha gọi là hồ Hao Hao. Nếu du khách bắt đầu vãn cảnh thì ngay từ phía chân núi là con đường qoanh co uốn lượn với rừng thông xanh ngút ngàn và các khe suối trong vắt tạo nên một bức tranh sơn thủy sống động, nơi đây được xem là một vùng danh lam thắng cảnh độc nhất ở vùng phía Nam Thanh Hóa. Đến với quần thể chùa Am Các du khách không những được chiêm ngưỡng vẽ đẹp như “chốn bồng lai tiên cảnh” mà còn được chứng kiến các công trình chùa cổ trước kia đều tọa lạc trên những mặt bằng rộng hàng héc ta ngay tại các triền núi. Ở vị trí chùa du khách được thả hồn với thiên nhiên và phóng tầm mắt ra không gian rộng lớn có thể nhìn thấy cả bờ biển dài, đảo mê và phía tây Thanh Hóa, Nghệ An…
|
Đường lên quần thể di tích chùa Am các |
Hiện nay chưa tìm thấy nguồn tài liệu nào viết về nguồn cội của chùa Am Các, nhưng theo các tài liệu của các nhà nghiên cứu sử học với sách xưa cho biết thì: Am Các là một trong những trung tâm Phật giáo của vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ với quần thể Phật giáo kiến trúc có hệ thống hoàn chỉnh gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, mang tính điển hình, quy mô khá lớn dựa vào địa thế của thiên nhiên, khiến cho kiến trúc chùa gắn với cảnh sắc núi non vừa gần gũi, thanh tịch với cõi trần thế, nhưng lại thiêng liêng cao diệu. Tuy nhiên, qua những dấu tích còn lại vừa qua các nhà nghiên cứu và nhà khảo cổ học đã có vài lần tổ chức điền dã, khảo sát tìm ra bằng chứng sát thực để khẳng định đây là ngôi chùa có từ thời Trần đã từng tồn tại, phát triển đến thời Lê Trung Hưng và Nguyễn. Đây là một quần thể di tích được tọa lạc từ thấp tới cao trên lưng – sườn núi Am Các, bao gồm: chùa Trình – chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Riêng ở chỗ sườn núi phía dưới “chùa Hạ” vẫn còn lưu giữ được khối đá cát kết tự nhiên khá to khắc hình Phật Quan Âm ngồi ngự trên tòa sen như một bức phù điêu đắp nổi. Đây là tác phẩm hiếm thấy trong hệ thống chùa còn lại ở trong tỉnh và trong nước.
|
Rất nhiều phiến đá kỳ lạ hai bên đường |
Trải qua sự xói mòn của thời gian bức phù điêu về Đức Phật này vẫn là một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật cổ rất quý giá - một bằng chứng sinh động có thể đoán định về đặc điểm kiến trúc và niên đại của ngôi chùa. Còn ở phía trước khối đá phù điêu, các nhà khảo cổ đã làm phát lộ một nền móng vòng cung được xếp bằng các hoàn đá mồ côi dài 15,3m; rộng 2,8m. Từ chân núi đến khối đá phù điêu tượng Phật chừng 1,5 km và từ đây lên đến chùa Hạ cũng chừng 1,5 km. Lên đến chùa Hạ chúng ta bắt gặp một không gian khá bằng phẳng tới hàng chục ngàn m2, ở đây là phế tích của một ngôi chùa lớn, gồm chùa chính, dải vũ, nhà ở của sư đến cổng tam quan, ao chùa và thành đá bao quanh toàn bộ khu vực cùng rất nhiều hiện vật đá, gạch, gốm của các thời kỳ Trần, Lê, Nguyễn. Hiện tại trên nền chùa chính, nhà sư trụ trì đã cho xây dựng tạm một ngôi chùa để du khách gần xa thắp hương. Ở khoảng sân trước chùa mới làm vẫn còn nguyên bệ đá đội tượng hình hoa sen là một di vật quý được chế tác từ đá khối cát kết và nhiều hiện vật đá khác được chế tác từ đá xanh mang từ nơi khác đến.
|
Cách chân núi khoảng 2km là một phiến đá lớn được khắc hình tượng Phật, chứa đựng nhiều bí ẩn. |
Cách chùa Hạ khoảng 500m theo đường đi lên đỉnh núi sẽ đến chùa Trung nơi đây vẫn còn dấu tích của nền móng. Phía trước chùa là cả một không gian rộng lớn và bằng phẳng. Tuy nhiên, quy mô kiến trúc của chùa Trung lại nhỏ hơn so với quy mô kiến trúc của chùa Hạ. Hiện tại phía sau chùa vẫn còn rất nhiều cây trúc hoa mọc xen lấn trong những cây hoang dại khác. Lên đến đỉnh cao nhất của ngọn núi Các là chùa Thượng, ở đây sư trụ trì và dân thập phương đã cùng nhau xây dựng được một tháp chuông và ba gian nhà để du khách thập phương cầu khấn. Ngoài hệ thống chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng sư trụ trì và dân thập phương còn xây dựng thêm cả ngôi đền Mẫu để người sùng Mẫu đồng hành cùng Phật giáo.
|
Vị trí chùa Hạ là nơi không gian thanh tịnh rộng rãi |
Trên đỉnh cao tại chùa Thượng chúng ta được thỏa mãn ngắm nhìn không gian bao la hùng vĩ của núi rừng điệp trùng với mây trời gần gủi và hướng về phía đông là biển khơi với những con thuyền nhấp nhô, không gian bao la tạo cho ta một cảm giác thật êm đềm, huyền ảo như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Có thể nói, núi và chùa Am Các đúng là một quần thể di tích – thắng cảnh hết sức đặc biệt và hấp dẫn như danh thắng chùa Hương, Yên Tử. Nếu ai đã từng được đến đây tham quan và chiêm ngưỡng đều có cảm nhận đây là vùng danh thắng hết sức độc đáo, nên thơ và nên nhạc. Hiện tại, với sự tích cực vận động công đức của nhân dân trong, ngoài địa phương, Sư trụ trì đã làm được một số hạng mục như bê tông hóa đường lên núi cho các phương tiện ô tô, xe máy và khách bộ hành lên xuống dễ dàng, cùng một số hạng mục ở chùa Hạ, chùa Thượng và đền Mẫu.
|
Cách chùa Hạ khoảng 1 km men theo con đường mòn là nền móng cũ của chùa Trung |
Với nhiều đặc điểm nổi bật và căn cứ vào đặc điểm, tính chất và những giá trị về mặt tự nhiên, văn hóa cũng như qua các đợt kiểm tra khảo sát với nhiều dấu tích hiển lộ trên mặt đất và dưới lòng đất. Ngày 27/4/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1533/QĐ-UBND công nhận xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Am Các và địa điểm chùa Am Các, khoanh vùng bảo vệ di tích là 299,66ha; bao gồm hệ thống chùa: chùa trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng và khu vực cảnh quan xung quanh.
|
Và đỉnh cao nhất là vị trí của chùa Thượng và chiếc chuông đồng |
Quần thể di tích núi và chùa Am Các hiện nay rất cần sự quy hoạch tổng thể để thu hút các nhà đầu tư có năng lực nhằm khai thác, phát triển du lịch. Bên cạnh là việc huy động các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án phát triển khu du lịch sinh thái. Ngoài ra công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà quản lý các cấp và cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của việc phát triển du lịch, gắn với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường của quẩn thể di tích danh thắng Am Các.
|
Một số hiện vật có niên đại hàng nghìn năm tuổi của quần thể các chùa Am Các |
Mong một ngày không xa quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi và chùa Am Các trở thành một trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo và là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của du khách thập phương khi bước chân đến vùng đất thiêng núi và chùa Am Các.