Hãy yêu thương “thế giới ngày mai”
Nghiên cứu - Trao đổi 16/05/2024 14:38
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, đúng như câu nói “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Nhưng chăm bồi, vun đắp như thế nào, để “thế giới” ấy thật sự bền vững, thật sự là tương lai của chúng ta, là câu chuyện rất dài. Mỗi lần có dịp tham gia các hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính thường nhắn nhủ: “Chúng ta chăm sóc, bảo vệ trẻ em không chỉ 1 ngày, 1 tháng, mà làm trường kì, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác”.
Vẫn còn đó tiếng thở dài. Lo cái ăn, cái mặc, nhu cầu thiết yếu cho trẻ tạm ổn, phát sinh nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng, khi sớm tiếp cận với thiết bị công nghệ. Cuộc sống khó khăn, người lớn lo mưu sinh, cố gắng để con mình no bụng, lại quên rằng trẻ cần lấp đầy tâm hồn bằng nhiều hành động yêu thương khác… Từng lúc, từng nơi, quyền trẻ em vẫn bị xâm phạm như: Bạo lực, xâm hại trẻ em, bị lạm dụng sức lao động… Đặc biệt, trẻ vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, khi mạng xã hội “dạy” các em nhiều điều tiêu cực hơn những điều tích cực mà thầy cô, gia đình mang đến.
Để truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tập trung nội dung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Đồng thời, vận động xã hội thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, ngày 12/3/2024 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Hướng dẫn số 982/BLĐTBXH-CTE hướng dẫn triển khai “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2024 (từ ngày 1/6/2024 đến ngày 30/6/2024), với chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị; tập trung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Vận động xã hội thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp; mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có một hành động thiết thực vì trẻ em. Vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... để mọi trẻ em có mùa Hè an toàn, lành mạnh, thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.
Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đang đứng trước nhiều thách thức mới, như: Tác động của tình hình kinh tế - xã hội trong nước, quốc tế, sự phân hóa giàu nghèo; kinh tế thị trường gây sức ép đến việc làm và thu nhập nhiều gia đình, nhất là hậu Covid-19; giá trị văn hóa gia đình truyền thống dần mai một, thay đổi theo chiều hướng khác.
Thực tế hiện nay, ngoài việc lấp đầy khoảng trống hiện hữu, tạo hành lang pháp luật chặt chẽ để phòng, chống xâm hại trẻ em, xây dựng nền tư pháp thân thiện với trẻ em, còn phải nghĩ đến trợ giúp trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi và trẻ sống trong gia đình công nhân tại khu công nghiệp; trẻ bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa; khám, chữa bệnh, cung cấp thẻ BHYT cho từng độ tuổi trẻ em…
Để “Tháng hành động vì trẻ em” đạt kết quả và mục tiêu, yêu cầu đề ra các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo bảo vệ chăm sóc trẻ em cần bám sát nhiệm vụ và phát huy vai trò, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị để xây dựng và triển khai các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em trên cơ sở lồng ghép với các hoạt động Hè của thiếu nhi và các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2024.
Tháng hành động vì trẻ em là hoạt động truyền thống được tổ chức hằng năm nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện. Mục tiêu có ý nghĩa xuyên suốt là triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cộng đồng nhằm chuyển đổi hành vi theo hướng tích cực trong việc thực hiện các quyền trẻ em.