Nỗ lực bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Đời sống 30/06/2023 09:11
Những ngày Hè, nhiều đia phương tổ chức các diễn đàn lắng nghe trẻ em nói, buổi tuyên truyền, giao lưu, chia sẻ cho học sinh cách thức sử dụng mạng xã hội, hình thức nhận diện, lừa đảo trên không gian mạng. Giáo viên, phụ huynh cần tư vấn, chia sẻ cho các em những vấn đề hay, giúp các em tự trang bị “sức đề kháng” để có thể sử dụng mạng xã hội an toàn. Đó là các chuyên đề mạng xã hội - góc nhìn từ an ninh, sự tác động của mạng xã hội đến đời sống xã hội hiện nay, các giải pháp bảo vệ an ninh mạng, lừa đảo qua mạng…
Ảnh minh họa |
Trên thế giới hiện có gần 2 tỉ người dùng mạng xã hội, riêng ở Việt Nam lượng người dùng được thống kê gần 45 triệu người. Chính những con số này đã thể hiện vai trò, lợi ích của mạng xã hội mang lại cho con người, đó là chức năng kết nối mọi người với nhau và là nơi cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập hợp nhiều kênh giáo dục, trang bị những kiến thức, bổ trợ về ngoại ngữ, kĩ năng sống,…
Tuy nhiên, chính bản thân mạng xã hội chứa đựng rất nhiều nội dung tiêu cực. Bởi mạng xã hội khiến mọi người rời xa dần thế giới thực, xao nhãng mục tiêu sống, làm hạn chế giao tiếp và biểu lộ cảm xúc với nhau. Việc dùng mạng xã hội hằng giờ sẽ ngốn nhiều thời gian, làm giảm năng suất, chất lượng hiệu quả học tập và công việc. Mạng xã hội có ảnh hưởng nhất định về tâm sinh lí, sức khỏe và sự phát triển cân bằng của cơ thể. Đặc biệt với trẻ em, làm giảm khả năng vận động, phản xạ, giảm thị lực và cong vẹo cột sống.
Mặt khác, chất lượng các nguồn thông tin trên mạng xã hội rất khó kiểm chứng tính đúng, sai, do lượng tin giả ngày càng nhiều, các thế lực thù địch và tội phạm lợi dụng mạng xã hội làm công cụ đắc lực cho hoạt động tội phạm. Do thông tin không được kiểm duyệt, nhiều hình ảnh, clip, bài viết, cổ vũ khích lệ các đối tượng xấu, xuyên tạc, lừa đảo được phát tán, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Trong những tác động tiêu cực nêu trên, để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, các ban, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh mạng. Huy động cán bộ, đảng viên tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu, xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực trên mạng xã hội.
Đối với người lớn có kinh nghiệm sống, có sự hiểu biết rộng và tư duy tốt nhưng cũng khó lòng nhận diện đúng - sai, thật - giả, phải - trái trên mạng xã hội, huống chi các em học sinh hay trẻ nhỏ đang độ tuổi mới lớn, việc nhận diện khó khăn hơn. Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng Công an và các đơn vị có liên quan; thì hơn ai hết các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để quan tâm, theo dõi con em mình khi các em tiếp xúc với môi trường mạng xã hội. Không để các em sử dụng điện thoại, máy tính để lên mạng internet quá nhiều ngoài giờ học, hãy học và chơi cùng con trên mạng internet. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kĩ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Cùng với đó, là tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cùng với gia đình. Khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, người dân nên trình báo với cơ quan Công an để kịp thời ngăn chặn, xử lí.
Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, việc trẻ em sớm tiếp cận với internet dần trở nên phổ biến. Bên cạnh những mặt tích cực như nhận được nhiều thông tin, kiến thức hữu ích hay tăng cường tương tác xã hội thì môi trường mạng có không ít cạm bẫy, rủi ro, mạng internet chính là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu lợi dụng truyền bá những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ và có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị dụ dỗ và xâm hại. Vì vậy để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các cấp, các ngành thì điều quan trọng cần có sự quan tâm, quản lí của các bậc phụ huynh khi các em tương tác trên mạng xã hội.