Vun đắp hạnh phúc gia đình từ những bữa cơm
Đời sống 13/09/2024 09:39
Việc chuẩn bị mâm cơm, quây quần cùng nhau ăn là giây phút để các thành viên thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau. Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà; cha mẹ thể hiện sự quan tâm, hỏi han việc học hành, công việc của con, chia sẻ những tâm tư của con cái; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, chia sẻ với nhau những khó khăn sau một ngày làm việc.
Ảnh minh họa |
Điều quan trọng trong bữa ăn cần giữ thái độ vui vẻ, hạnh phúc, quan tâm và yêu thương chia sẻ, nhất là việc chia sẻ với con, chỉ có thể chia sẻ tâm tình những lời dặn dò, yêu thương của cha mẹ, khi đó trẻ sẽ cảm nhận được cha mẹ là người gần gũi yêu thương mình nhất, quan tâm đến mình nhất thì lúc đó trẻ mới mở lòng ra. Trong bữa ăn nên tránh không nói những điều không tốt, không vui, nhất là những lời trách móc hay sửa sai với trẻ, mà nên để một dịp khác thì bữa ăn sẽ tạo ra một cái hồn cho gia đình, cái lửa ấm cho gia đình. Và qua những câu chuyện hay những hành động trong bữa ăn, ông bà, cha mẹ còn giáo dục con trẻ tình yêu thương, những kinh nghiệm ứng xử, văn hóa ứng xử trong gia đình. Ông bà ta có câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, con cái từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ dạy về phép cư xử, về đạo lí làm người đầu tiên ở quanh mâm cơm; chẳng hạn như phải biết nhường nhịn dành miếng ngon cho người khác, dạy trẻ trước khi ăn phải biết quan sát mâm cơm xem đã đủ đồ ăn cho các thành viên trong gia đình hay chưa, sắp xếp thức ăn sao cho hợp lí và sau khi các thành viên trong gia đình ngồi đầy đủ quanh mâm cơm, con cháu phải biết mời ông bà, cha mẹ, người trên, thể hiện sự “trên kính, dưới nhường”. Bữa cơm gia đình tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng những quan hệ quanh mâm cơm đã góp phần hình thành giá trị nhân cách cho con trẻ, là nền tảng để vun đắp hạnh phúc gia đình.
Thật tiếc là trong nhịp sống hiện đại ngày nay, sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình thông qua bữa cơm ăn chung hằng ngày dần có sự lỏng lẻo, khi nhiều gia đình cả tuần chẳng có bữa cơm nào đông đủ thành viên, mỗi thành viên trong gia đình do tính chất công việc, đều có “lí do” riêng hợp lí để vắng mặt trong bữa ăn. Xã hội ngày càng phát triển, thời buổi công nghệ, có không ít gia đình xem việc nấu nướng rất mất thời gian, nên sử dụng thức ăn nhanh hay ra nhà hàng, quán ăn tiện lợi hơn, nên không còn cảnh vợ chồng cùng vào bếp, cảnh cả nhà quây quần quanh mâm cơm đối với nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ và ở đô thị ngày càng trở nên thiếu vắng những bữa cơm gia đình, thiếu vắng những lời nói, sự chia sẻ, quan tâm giữa các thành viên trong gia đình, khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày càng xa hơn. Không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà bị ảnh hưởng, tình cảm gắn kết, sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái ngày càng bị hạn chế. Chính những điều tưởng như bình thường, đơn giản ấy lại là nguyên nhân của nhiều kết quả đáng tiếc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của gia đình và xã hội.
Giá trị và tác dụng của việc duy trì bữa cơm gia đình hằng ngày, giúp hạnh phúc mỗi gia đình gắn kết yêu thương là tuyệt vời và không thể bàn cãi, chính vì thế mà mỗi người dân Việt Nam, từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi tới miền núi, hãy luôn trân trọng hơn những giây phút sum họp với nhau bên bữa cơm đầm ấm và hạnh phúc của gia đình; đồng thời đề cao các giá trị văn hoá tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng và anh em; sự quan tâm, yêu thương chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình, để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Để duy trì bữa cơm gia đình, giữ gìn không khí ấm áp yêu thương là việc hết sức quan trọng và cần thiết, đòi hỏi mỗi thành viên phải có ý thức trách nhiệm chủ động sắp xếp thời gian khoa học để có bữa cơm gia đình thật ý nghĩa. Hãy trân trọng và biết tận dụng những điều tưởng như rất nhỏ, sẽ tạo hạnh phúc rất lớn, góp phần xây dựng nên một xã hội hạnh phúc, phát triển bền vững. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.