Bữa cơm gia đình
Nghiên cứu - Trao đổi 15/07/2022 10:34
Bữa cơm gia đình là nét đẹp văn hóa, gắn kết, giao hòa giữa các thế hệ. Từ đó, ấu thơ đã được người lớn các bậc ông bà, cha mẹ, anh chị dạy ăn, uống, sinh hoạt mỗi ngày. Trong mỗi bữa cơm của gia đình là lúc tập trung, tề tựu mọi thành viên: Già, trẻ, con, cháu nhỏ. Thông qua bữa cơm thể hiện nét đẹp văn hoá giao tiếp, ứng xử, ngôi thứ, bậc, sự tôn trọng, hưởng thụ thành quả lao động mới có. Cũng trong bữa cơm, mọi thành viên được được bộc lộ tình cảm, ý nguyện cởi mở, sum vầy. Sự gắn kết gia đình càng keo sơn là nhờ có bữa cơm tuy bình thường: đĩa tép rang, quả cà, bát canh rau vườn ngọt mát, nóng ấm xua tan mọi giá băng. Thành tập tục đẹp, đến bữa cơm, cả nhà cùng quây quần vào bàn ăn, chất lượng cuộc sống được nâng lên làm “Tan đi sương gió dãi dầu/ Xua đi mệt nhọc lo âu rối bời”.
Bữa cơm gia đình là nét đẹp văn hóa, gắn kết, giao hòa giữa các thế hệ |
Mọi âu lo, bức xúc ồn ào, xô bồ, tất bật của lo toan đời thường tạm lắng, chỉ còn sự hài hoà, yêu thương, gắn kết hạnh phúc. Khi lời mời ngọt ngào, dịu nhẹ: Là miếng thức ăn ngon đã được gắp mời ông, mời bà. Vợ vui vẻ gắp cho chồng, trẻ nhỏ được cha mẹ gắp cho. Người phụ nữ Việt Nam khi lập gia đình, họ toàn tâm, toàn ý cho gia đình, dù no, đói vẫn thuỷ chung, chẳng thay lòng đổi dạ.
Trong cơ chế thị trường sôi động, thương mại hoá nếu chữ “tình” do một yếu tố chủ mà biến chất thì chữ “nghĩa” vẫn còn có sự ràng buộc. Cái “nghĩa” là nghĩa vụ giữa vợ chồng: Biểu hiện sinh động trong cuộc sống đời thường, vợ chồng vẫn ứng xử tốt với nhau, thể hiện cái tình, đạo lí văn hoá của dân tộc với lòng cao thượng, đức hi sinh vô bờ bến… Từ thời xa xưa, trọng trách lớn và gánh nặng hai vai đặt lên người mẹ như dân gian vẫn nói “Con dại cái mang”. Do những quan niệm mà ngày nay vẫn còn những cuộc hôn nhân sắp đặt, ép buộc do miệng tiếng thế gian, uy lực của dòng họ, mẹ cha… Khi đã trót có thai ngoài chủ ý, đã chấp nhận cuộc sống vợ chồng, có sướng cùng hưởng, có hoạ cùng chia. Một khi tình yêu nhạt phai, vợ chồng vẫn sống bên nhau bằng “nghĩa”. Vì vậy, sự li hôn là hạn hữu. Vợ chồng sống với nhau đến khi cái chết chia lìa. Khi có Luật Hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, không chấp nhận cảnh chồng “ăn chả”, vợ “ăn nem”. Cha mẹ là tấm gương sáng bụi không mờ, sống mẫu mực, hạnh phúc mới nuôi dạy con cái thành đạt, nên người “giỏ nhà ai quai nhà nấy. Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”. Vợ chồng sống có nghĩa, có tình, tôn trọng, vị tha, thông cảm, sống vì nhau đó thực sự là mái ấm lâu dài hạnh phúc vững bền. Hay gì vợ chồng lục đục, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, gia đình vợ chồng chia tay, con cái biết đi về đâu. Không ít cảnh buồn đau, những đứa trẻ bị xô đẩy theo dòng chảy xã hội. Mong rằng hạnh phúc gia đình luôn tồn tại, vững bền thời thương trường. Vợ chồng phải coi trọng, chăm sóc mái ấm, đạo nghĩa phu thê để luôn giữ lửa trong mỗi gia đình, có sức hấp dẫn, vững bền để cây đời mãi mãi xanh tươi.