Giữa rừng già ngày cuối năm
Nhịp sống văn hóa 28/01/2024 11:51
Được đào tạo về chuyên ngành luật nhưng ông lại “có duyên“ với “Nàng Thơ”. Bài thơ “Cuối năm”, ông viết năm 1972, thời kì đang ở tại Mặt trận B5 với tư cách người lính và nơi ấy đang là một trong những mặt trận nóng bỏng nhất của chiến trường miền Nam.
Cuối năm
Cuối Đông, lá rực rừng già
Trời như một thoáng nhớ nhà, thẳm xanh!
Con sông vật lộn một mình
Hai bờ đá nhọn chênh vênh sóng dồi.
Bám cây, vạch lá, từng người
Buộc ni-lông thả phao bơi ngang dòng
Phập phồng cơn sốt vừa xong
Lại đi, nước réo nghe lòng rét tê…
Rậm rì rừng nứa rừng le
Lưa thưa rừng khộp, nặng nề rừng lim
Bỗng trong bóng nắng im lìm
Lá dong mát dậy suốt triền non cao!
Quê nhà gói bánh khi nao
Rừng dong lá mới xanh vào mãi đây?
Ngẩn ngơ giữa cảnh rừng dày
Ngỡ dang tay đã ôm đầy quê hương!
Có gì chợt hóa thân thương
Con sông xa lạ, con đường nguyên sơ
Gió bao la những đợi chờ
Rừng chưa rụng lá đã ngờ Xuân sang…
Bằng Việt
Bài thơ có 20 câu viết theo thể lục bát khá nhuyễn và mềm mại mở đầu bằng câu miêu tả cảnh rừng một ngày Cuối Đông, lá rực rừng già theo lối ẩn dụ của nghệ thuật tu từ và câu tiếp theo là Trời như một thoáng nhớ nhà, thẳm xanh cũng theo lối ẩn dụ, không phải Trời…, thẳm xanh mà là tâm trạng người lính trên đường hành quân giữa núi rừng có cây, có con sông với hai bờ đá nhọn… bỗng xuất hiện một thoáng nhớ nhà. Lúc vượt sông khá gian nan vất vả, lại vừa tan cơn sốt rét rừng nhưng vẫn tập trung để Bám cây, vạch lá, từng người/ Buộc ni-lông thả phao bơi ngang dòng. Đến đây, tôi lại nhớ những đồng đội vượt sông Thạch Hãn, chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, cũng bọc quân tư trang trong túi ni-lông làm phao bơi, bên trên là khẩu súng AK47 lặng lẽ bơi sang sông giữa hai đợt pháo kích của địch. Đường hành quân qua nhiều cánh rừng được ông mô tả chân thực và bất ngờ khi bắt gặp Bỗng trong bóng nắng im lìm/ Lá dong mát dậy suốt triền non cao. Phải là người từng quan sát kĩ những nơi cây dong sinh sống mới viết được câu thơ như vậy. Rừng dong lại một lần nữa chạm đến nỗi nhớ nhà đã da diết lại càng da diết hơn Quê nhà gói bánh khi nao/ Rừng dong lá mới xanh vào mãi đây?/ Ngẩn ngơ giữa cánh rừng dày/ Ngỡ giang tay đã ôm đầy quê hương. Nhưng cũng chỉ một chút nhớ thoảng qua mà thôi bởi tiếp theo là những câu gợi mở hình ảnh rừng dong không phải làm người lính nhớ nhà mà nó đã giúp người lính có cảm giác như đang ở giữa quê nhà, giữa vòng tay những người thân yêu Có gì chợt hóa thân thương/ Con sông xa lạ, con đường nguyên sơ/ Gió bao la những đợi chờ/ Rừng chưa rụng lá đã ngờ Xuân sang.
Có thể nói, “Cuối năm“ là một bài thơ hay, phản ánh tâm trạng của những người chiến sĩ vì nhiệm vụ mà xa nhà, xa người thân trong những ngày chuẩn bị đón mừng Xuân mới!