Gìn giữ nhà cổ hơn 200 năm tuổi bên Thành nhà Hồ
Văn hóa - Thể thao 05/01/2024 16:53
Được giữ gìn gần như nguyên vẹn
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng, cháu đời thứ 7 của dòng họ Phạm nằm cách Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ khoảng 200m. Theo lời kể của ông Tùng, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1810, lúc cụ Tổ đang làm chức quan hàng Bát phẩm trong triều đình nhà Nguyễn.
Để xây dựng ngôi nhà, cụ Tổ của ông đã cất công mời nhóm thợ giỏi nhất của Nam Hà (cũ) và nhóm thợ mộc làng Đạt Tài (nay là xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về thi công ngôi nhà.
Trải qua hơn 200 năm, với biết bao biến cố thăng trầm của thời cuộc và thời gian, ngôi nhà vẫn được con cháu họ Phạm giữ gìn gần như còn nguyên vẹn. Ngôi nhà được thiết kế gồm 7 gian, với 3 gian chính và 4 gian phụ. Trong đó, 3 gian giữa được gia đình ông Tùng trưng dụng làm nơi thờ tự và sinh hoạt chung.
Toàn bộ căn nhà rộng chừng 9m, dài khoảng 21m, được xây theo kiểu lộn thềm, cửa bức bàn. Đặc biệt, hầu hết khung nhà, cột, kèo, chèo, cửa,... được làm bằng những loại gỗ quý lúc bấy giờ như xoan, sến, táu,... Trong đó, gỗ xoan được sử dụng nhiều nhất bởi đặc tính nhẹ và ít mối mọt.
Du khách tới tham quan nhà cổ của gia đình ông Tùng. |
“Kiến trúc của ngôi nhà theo kiểu chồng rường kẻ truyền, chồng rường kẻ bảy mang đặc trưng của kiểu nhà Bắc Bộ thời bấy giờ. Tiết tấu hoa văn gồm tứ linh là long - li - quy - phượng và tứ quý gồm tùng - cúc - trúc - mai. Mỗi họa tiết hoa văn, hình điêu khắc trên các vì kèo đều có ý nghĩa riêng của nó và không trùng lặp mà luôn đối hướng, đối xứng”, ông Tùng chia sẻ.
Theo quan điểm của người xưa, việc trang trí họa tiết theo tứ linh và tứ quý ngụ ý chỉ sự hòa hợp giữa đất trời, cũng là sự trường thọ bền vững, cao sang và an lạc. Kiểu thiết kế này còn giúp ngôi nhà luôn thoáng mát vào mùa Hè và ấm áp vào mùa Đông.
Trải qua thời gian, phần tiết tấu hoa văn trang trí vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Duy chỉ một số trụ cột cái bị mục và xuống cấp nên được thay mới phần chân cột. Ông Tùng cho biết, tất cả những phần thay mới hoặc tu sửa đều có ghi chép rõ ràng gồm ngày giờ, phần thay mới.
Một trong những lần tu bổ gần đây là vào năm 2002, theo chương trình “Bảo tồn nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam”. Chương trình với sự hợp tác giữa Bộ Văn hóa - Thông tin và Tổ chức Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (Jica).
Địa điểm tham quan hấp dẫn
Theo các bậc cao niên trong làng, ngôi nhà cổ của gia đình ông Tùng là di tích có giá trị truyền thống. Nơi đây từng gắn liền với các cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.
Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ngôi nhà bao bọc nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ cách mạng, nơi chứa quân lương và vật liệu phục vụ cho việc sản xuất và chiến đấu ở địa phương.
Hiện nay, ngôi nhà là nơi sinh hoạt của gia đình ông Tùng và là địa điểm tham quan, check-in của đông đảo du khách khi ghé thăm di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Theo ông Tùng, mỗi ngày ngôi nhà của gia đình ông đón lượng khách rất đông vào tham quan, chụp ảnh. Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cũng đặt bảng giới thiệu cùng mã QR thuận tiện cho du khách muốn tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc của ngôi nhà.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, trong 10 tháng năm 2023, di sản Thành nhà Hồ thu hút hơn 200.000 lượt khách tham quan. Ngoài tham quan, check-in ở khu vực nội và ngoại thành, du khách đặc biệt thích thu khi tham quan nhà cổ của gia đình ông Tùng và các địa điểm du lịch tâm linh như: Đền thờ nàng Bình Khương, chùa Linh Giang, chùa Nhân Lộ,...