Giao thoa văn hóa ẩm thực trong khu vực và thế giới
Nhịp sống văn hóa 04/12/2023 11:14
Hàng vạn người tham dự và trải nghiệm tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023 |
Diễn ra trong dịp cuối tuần nên ngay từ đêm khai mạc 1/12 cho đến hết ngày 3/12, Lễ hội đón hàng vạn lượt người dân tham quan, trải nghiệm; trong đó có rất nhiều cụ già, em nhỏ. Không gian của Lễ hội luôn sôi động, tưng bừng với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, hội thảo, trình diễn di sản phi vật thể… Theo quan sát của phóng viên, khuôn viên Lễ hội luôn chật cứng người. Đặc biệt, tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề và phục vụ ẩm thực, khách hàng nối nhau xếp thành những hàng dài để chờ thưởng thức và mua được món đồ mà mình và người thân yêu thích.
Các em nhỏ hào hứng với sản phẩm tò he |
Hai bé Thái Hoàng Bảo Trang (10 tuổi) và Thái Hoàng Bảo Dương (12 tuổi), được mẹ cho đi tham gia Lễ hội, rất hào hứng với gian trưng bày sách ấn tượng của Thư viện Hà Nội và những chú tò he ngộ nghĩnh dần hình thành trên bàn tay thoăn thoắt của nghệ nhân làng Xuân La. Lúc tung tăng chạy nhảy chụp ảnh trong khu vui chơi chụp ảnh, khi lại nhanh nhẹn xếp hàng mua đồ ăn và gật gù tấm tắc thưởng thức những món ăn khoái khẩu vừa mua được.
Các em nhỏ hào hứng lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích |
Ngồi bên bàn thưởng chén trà nóng vừa được cô chủ quán xinh đẹp tự tay pha mời, cụ Nguyễn Văn Hùng, 80 tuổi (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) phấn khởi: “Tôi đến nay vẫn thích uống trà vào buổi sáng, sau bữa điểm tâm khoảng mươi, mười lăm phút”. Cùng thưởng trà với cụ còn có 3 cụ ông, cụ bà, trên bàn là đĩa kẹo lạc vùng thơm ngon, giòn tan. Các cụ vừa uống trà vừa trò chuyện, đàm đạo về trà, các món ăn và tinh hoa ẩm thực Việt.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, phát biểu tại đêm khai mạc Lễ hội, nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội - nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, điểm đến thân thiện mến khách, có số lượng di sản lớn, phong phú cả bề rộng lẫn chiều sâu cùng sự hòa nhập của văn hóa Thăng Long với các vùng văn hóa xứ Đoài, xứ Đông, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng. Sự hòa nhập đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội. Bà Hà cho biết thêm, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2023 với chủ đề “Giao lưu văn hóa ẩm thực với bạn bè quốc tế” là tiếp nối thành công Lễ hội trong các năm 2018, 2019, có sự tham gia của Đại sứ quán các nước trong khu vực và quốc tế...
Nghệ nhân và đầu bếp tác nghiệp món ăn tại chỗ |
Thủ đô Hà Nội xác định mục tiêu, định hướng đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững. Đây là điều kiện thuận lợi, thời cơ, thế mạnh, tạo sự đột phá trong phát triển văn hóa.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Lễ hội năm nay trưng bày 80 gian hàng, chia làm 3 khu: Khu ẩm thực quốc tế; Khu vực giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực của các làng nghề tiêu biểu và các hoạt động trình diễn của các nghệ nhân làng nghề truyền thống của Hà Nội; khu vực bán hàng và thưởng thức ẩm thực của các tỉnh, thành phố. Tại Lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian, các tiết mục văn hóa nghệ thuật do các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế biểu diễn. Triển lãm ảnh về văn hóa, du lịch, ẩm thực tiêu biểu trong nước và quốc tế; triển lãm sách lưu động giới thiệu sách quảng bá về văn hóa nghệ thuật, du lịch, ẩm thực tiêu biểu. Đặc biệt, người dân được các nghệ nhân, đầu bếp nổi tiếng giao lưu, chia sẻ bí quyết và “thổi hồn” vào nguyên liệu, thực phẩm để biến món ăn trở thành những tác phẩm nghệ thuật ẩm thực độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa.
Gian hàng của các nước bạn lúc nào cũng đông khách |
Tại khu vực bán hàng, du khách có thể sà vào thưởng thức tại chỗ hoặc mua về làm quà cho người thân những món ăn yêu thích như bánh chưng gù, thịt treo gác bếp, mật ong bạc hà của đồng bào Hà Giang; uống sữa Mộc Châu, cà phê Sơn La; thử vị nồng nàn của rượu hoa cúc, vị thơm ngon tận cuống lưỡi của bánh phu thê, vị đậm đà của bánh tẻ của quê hương Kinh Bắc; ăn kẹo lạc thưởng trà Thái Nguyên tinh tế đến tê người; hay chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu ở quê hương “anh Chí” Hà Nam; dê núi Ninh Bình; gà hầm sâm “Quảng Bình quê ta” đó...
Quầy bánh mì của nghệ nhân Azecbaijan đông khách suốt 3 ngày diễn ra Lễ hội |
Ở khu vực sân khấu chính, các chương trình văn hóa nghệ thuật liên tục luân phiên với các chương trình ca múa nhạc dân tộc, biểu diễn nghệ thuật xiếc, cuộc thi trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể “Người giữ màu dân tộc” và Hội thảo “Phát huy nguồn nhân lực - phát triển văn hóa ẩm thực trên địa bàn TP Hà Nội” hòa cùng không gian Lễ hội gồm các hoạt động vui chơi, giải trí như tò he, diều, chuồn chuồn tre, thư pháp, tranh Đông Hồ... tạo nên bức tranh sôi động, đa sắc màu, làm giàu thêm hoạt động văn hóa của người Hà Nội trong dịp cuối tuần.
Một tiết mục tại vòng chung khảo cuộc thi trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể Người giữ hồn dân tộc |
Từ đầu năm 2023 đến nay, TP. Hà Nội đã tổ chức hơn 2.000 sự kiện, hoạt động văn hóa, đón khoảng 24 triệu lượt khách du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn”.
Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội năm 2023 là nơi giao lưu, trải nghiệm những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực, món ăn đa dạng, phong phú, đặc sắc được chế biến, trình bày công phu, hấp dẫn bởi các nghệ nhân đến từ nhiều địa phương và các quốc gia khác nhau. Thông qua Lễ hội nhằm quảng bá, tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống vùng miền, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa nhân dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với bạn bè quốc tế.