Đặc sắc lễ cấp sắc của người Dao Tuyển
Văn hóa - Thể thao 02/01/2023 11:05
Đây là lễ cấp sắc có quy mô lớn khi làm ghép cho 2 cháu trai và đặc biệt mời thầy cao tay hay còn gọi thầy đeo mặt nạ nên lễ được tổ chức công phu, bài bản, đúng phong tục.
Lễ cấp sắc của người Dao Tuyển ở xã Nậm Lúc nói riêng và huyện Bắc Hà thường được tổ chức vào tháng 11, 12 và tháng 1 âm lịch hằng năm khi nông nhàn, các hộ gia đình đã thu hoạch xong vụ quế thứ 8 - vụ quế cuối cùng trong năm, tích lũy được tiền của để làm lễ.
Ông Tiền chia sẻ: Gia đình, dòng họ Trương nói riêng và bà con người Dao Tuyển địa phương luôn đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp; lễ cấp sắc có vai trò quan trọng nhất đối với đời người đàn ông nên gia đình luôn ghi nhớ, tích cực lao động sản xuất, tích lũy, chuẩn bị các điều kiện để sớm tổ chức cho các cháu trai để các cháu sớm trưởng thành, tự tin phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, trở thành công dân tốt, gánh vác trách nhiệm gia đình, dòng họ và xã hội.
Điệu nhảy trong nghi thức lễ cấp sắc sau phần nhảy Đài. |
Ông Đặng Văn Ánh, thầy mo, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Dao Tuyển cho biết, hiện nay lễ cấp sắc đã được tổ chức ngắn gọn, tránh mất nhiều thời gian, lãng phí như trước. Việc tổ chức bảo đảm đúng quy định, rút bớt đi những thủ tục rườm rà... Theo phong tục, người đàn ông dân tộc Dao nói chung và người Dao Tuyển nói riêng phải được giáo dục, rèn luyện về nhiều mặt để làm trụ cột của gia đình, dòng họ và cộng đồng. Phẩm chất đó được kiểm nghiệm qua lễ cấp sắc. Đàn ông người Dao sau thụ lễ cấp sắc mới được coi là người trưởng thành. Người đã qua lễ cấp sắc thì dù là trẻ con vẫn được coi là người lớn, được ngồi với già làng, được tham gia cúng bái hoặc giúp việc cho những thầy cúng trong các hoạt động cúng lễ của tư gia cũng như cộng đồng.
Người Dao Tuyển quan niệm, con người khi trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái. Những chàng trai từ 10 tuổi trở lên được bố mẹ chọn ngày lành, tháng tốt để làm lễ.
Mỗi dòng họ lại chọn những ngày riêng để làm lễ, như họ Triệu chọn các ngày Dần, Mão; họ Đặng chọn ngày Dần... Lễ cấp sắc ở mỗi bậc cấp đều có những khác biệt nhất định trong trình tự hành lễ. Tuy nhiên, có 2 phần lễ chính là lễ Quá tăng (qua đèn) gồm các phần: Trình diện, cấp đèn, hạ đèn, đặt pháp danh, qua cầu; lễ Thăng cấp gồm: Lễ lên đèn, ban mũ, lễ trình diện Ngọc Hoàng, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình.
Sau khi chọn được ngày, gia đình phải chuẩn bị lợn, gà, giấy, hương, lương thực, rượu... để dùng trong ngày cấp sắc và nhờ đủ 6 thầy (4 thầy chính, 2 thầy phụ) để làm lễ.
Những thầy được chọn làm lễ đều là người biết chữ, có hiểu biết về trình tự buổi lễ và có uy tín trong làng. Đến giờ tốt, họ tiến hành lễ. Lễ cấp sắc của người Dao hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, đó là tuyệt đối kị làm việc ác, điều xấu.
Vào ngày lễ cấp sắc, nhiều điệu múa cổ truyền dân gian được trình diễn với sự tham gia của đông đảo người dân trong bản. Những điệu múa của người Dao thể hiện sự tự do hòa nhịp với các nhạc cụ thanh la, não bạt, trống, chuông lắc... mang nhiều chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày… được hình tượng hóa bằng các động tác nhảy múa kết hợp với ca hát để Bàn Vương và tổ tiên dòng họ thưởng thức. Các điệu múa có thể kéo dài hàng giờ, được cả làng đến xem đông vui như ngày hội.
Một nghi lễ quan trọng ban đầu là cấp sắc Tam Nguyên - vị thần của người Dao. Các thầy thay y phục và đưa người được thụ lễ (gọi là trò) lên ngũ đài. Thầy chính thắp ba nén hương cầu cho trò được bình an, học hành thông minh, được trở thành thầy. Các thầy dẫn trò lên ngũ đài, mời các thần linh đến chứng kiến cấp sắc cho trò. Sau đó các thầy hạ trò từ trên ngũ đài xuống và từ lúc này học trò chính thức trở thành đệ tử của Tam Nguyên.
Sau khi báo cáo với các thần linh, tổ tiên rằng, trò đã trở thành đệ tử của Tam Nguyên, các thầy thay y phục cho trò, đây là y phục của người đã được làm thầy và tiếp tục cấp sắc để trò thành đệ tử Tam Thanh.
Lễ cấp sắc của người Dao Tuyển dùng sách trong buổi lễ là chủ đạo, còn người Dao Đỏ chủ yếu là dùng đèn. Mỗi vật dụng được sử dụng trong buổi lễ có khác nhau nhưng đều có một ý nghĩa tốt đẹp là soi sáng và hướng đến những điều may mắn cho người được thụ hưởng lễ cấp sắc.
Cũng trong ngày tổ chức lễ cấp sắc, anh em, họ hàng, bạn bè của gia đình khắp các bản làng vùng cao của các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng... có dịp tụ họp, chúc phúc cho người được cấp sắc, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, buôn bán, kĩ năng nấu ăn, giao lưu văn hóa, tổ chức giã bánh dày, cắt giấy, thêu thùa... đã tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết, phấn khởi trong ngày lễ cấp sắc nơi bản, làng vùng cao Nậm Lúc.