Còn mãi... ca trù!
Văn hóa - Thể thao 01/04/2022 10:11
Chúng tôi tới lớp học ca trù đúng là lúc thầy Hựu đang say sưa dạy hát. Tiếng hát, tiếng trống, tiếng phách như xua tan đi cái lạnh của mùa Xuân. Hát xong bài “Ba khổ phách”, thầy Hựu cho các học trò nghỉ giải lao rồi tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện xoay quanh chủ đề về nghệ thuật ca trù.
Ông tâm sự: “Theo những bậc cao niên trong làng truyền lại, trước đây làng Yên Lập Đông có một gánh hát ca trù nổi tiếng với những ca nương chuyên đi hát ở các sân đình. Cha tôi theo nghề đàn và mê ca trù, nên tôi được tiếp xúc với bộ môn này từ nhỏ. Trải qua thăng trầm lịch sử, tiếng hát của những ca nương trong làng thưa dần đi... Những năm 90 thế kỉ trước, gia đình tôi chuyển về Hà Nội sinh sống, được giao lưu với nhiều nghệ nhân ca trù nổi tiếng, tôi mới ấp ủ ý tưởng mở lớp học ca trù tại quê hương cũ. Nhưng mãi đến bây giờ, ý tưởng đó mới được thực hiện”.
Thầy Hựu đang truyền dạy hát ca trù cho các em học sinh nhỏ |
Năm 2018, ông Hựu về Yên Lập mở lớp dạy học ca trù để khôi phục những nét văn hóa của cha ông. Lúc đầu, khi mới mở lớp chỉ có vài em nhỏ trong xóm theo học. Sau hơn 3 tháng duy trì, đến nay lớp học của ông Hựu đã có 19 học viên. Các học viên theo học ca trù đều là những em nhỏ, có niềm đam mê ca hát, trong đó nhỏ nhất mới 6 tuổi, lớn nhất mới 13 tuổi. Mục đích của lớp học chính là để những em nhỏ có cơ hội được học hát, qua đó gìn giữ nét văn hóa cổ của cha ông. Về lâu dài, ông hi vọng các học trò của mình sẽ được đi biểu diễn ở các điểm du lịch trong tỉnh để quảng bá ca trù đến với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Không chỉ dạy miễn phí cho các em nhỏ, ông còn đầu tư nhiều trang thiết bị cho các em như: Máy nghe nhạc, tài liệu, trang phục biểu diễn… Lớp học ca trù của thầy Hựu còn được con gái của ông là chị Phạm Thị Huệ, giảng viên Nhạc viện Hà Nội, Chủ nhiệm CLB ca trù Thăng Long hậu thuẫn. Hằng ngày, chị Huệ dạy các em nhỏ tập hát qua mạng trực tuyến. Nhờ có sự chỉ bảo tận tình nhiều em tiến bộ rất nhanh. Thời gian tới, ông Hựu có dự định đưa các em đi giao lưu với các CLB ca trù ở Hà Nội và biểu diễn ở một số trường học trên địa bàn để các em có kinh nghiệm diễn trên sân khấu…
Như con ong cần mẫn, thầy Hựu vẫn hằng ngày, hằng giờ miệt mài với mong muốn cháy bỏng là truyền dạy, nhân rộng, góp phần lưu giữ những nét tinh hoa để loại hình nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc này mãi mãi là báu vật trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, được lưu truyền sâu rộng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Việt. Việc làm của thầy Hựu giúp cho nghệ thuật ca trù còn mãi và ngày một vươn xa.
Chia tay lớp học, thầy Hựu thủ thỉ: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để gìn giữ, truyền bá và phát huy nghệ thuật hát ca trù- loại hình văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau”.