Ca trù, dòng chảy văn hóa độc đáo cần được gìn giữ
Xã hội 01/01/2023 13:14
Đến nay chưa có tài liệu nào đủ chứng lí chứng minh ca trù xuất hiện từ bao giờ, nhưng thịnh hành nhất từ thế kỉ XV, phổ biến ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. TS Nguyễn Xuân Diện (Viện nghiên cứu Hán Nôm), trong các nghiên cứu về ca trù khẳng định, môn nghệ thuật này được hoàn thiện cơ bản về lối chơi vào thế kỉ XV. Trong khi các tư liệu mĩ thuật và khảo cổ học chưa đủ chứng lí khẳng định ca trù có từ thời Lí (thế kỉ XI), thì bài thơ của Lê Đức Mao là tư liệu sớm nhất về ca trù, đáng tin cậy nhất để khẳng định chắc chắn ca trù có mặt ở nước ta vào thế kỉ XV.
Trong năm không gian trình diễn, mỗi không gian có lối hát và phong cách riêng. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, ca trù xưa tổ chức thành phường, hoặc giáo phường, có quy định riêng về truyền nghề, cách học đàn, học hát, việc cho phép các đào nương vào nghề, việc chọn đào nương đi hát thi... Hát ca trù gồm các thành phần: Ca nương là người hát chính, nhạc công là người đệm đàn đáy theo nhịp hát của ca nương và người cầm chầu, còn gọi là quan viên, là người đánh trống chầu chấm câu, hoặc biểu lộ cảm xúc với diễn xướng của ca nương và kép đệm đàn.
Khi hát, ca nương vừa hát, vừa gõ nhịp phách (nhạc cụ làm bằng tre gồm bàn phách và hai dùi gõ làm bằng gỗ). Khi biểu diễn, ca nương ngồi ở giữa vừa hát, vừa gõ phách lấy nhịp, kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Ca trù thường sử dụng ca từ bằng thể thơ lục bát, hoặc song thất lục bát, cũng có khi là thể thơ Đường luật... Đặc biệt, thể hát nói bằng thơ 8 chữ, là thể thơ dành riêng cho ca trù, có thể nói là sáng tạo độc đáo của ca trù Việt Nam. Đây là thể thơ độc đáo cả về nội dung, hình thức, vừa là thể loại văn học, vừa là làn điệu của ca trù, trong đó các yếu tố khuôn khổ, cách tổ chức vần luật cho đến câu kết được quy định rất chặt chẽ. Biểu diễn ca trù ngoài đàn hát, có khi còn có múa, tạo nên nét đặc sắc, riêng biệt. Các điệu múa thường sử dụng là: Bài bông (thường biểu diễn trong hát cửa đình), Đại thạch (biểu diễn trong hát thờ và hát thi), Bỏ bộ và Tứ linh...
Tổ chức giáo phường trong ca trù cũng được tổ chức chặt chẽ, bài bản, trong đó gồm nhiều họ. Đào, kép từng vùng đều có tên họ riêng, họ nào mang họ đó kèm theo tên của mình. Thời Lê, giáo phường được phân định theo đẳng cấp, đó là giáo phường cung đình và giáo phường dân gian. Bên cạnh đó còn có các xóm nhà trò, thôn ả đào, cũng là những không gian văn hóa ca trù tương tự như giáo phường. Giáo phường cung đình được thiết chế như Ty giáo phường, là sự liên kết, tập hợp các giáo phường địa phương như các giáp, các xã, các họ. Đây được xem như cơ quan nắm giữ tục nhạc, là nơi thu thập, chỉnh lí và truyền bá nhạc vũ dân gian. Người đứng đầu giáo phường được gọi là ông trùm, trên các ông trùm là quản giáp. Nếu quản giáp kiêm người đứng đầu giáo phường, thì kép hát không được xem quản giáp như một chức trách.
Với thiết chế quản lí và hoạt động chặt chẽ như vậy, nghệ thuật ca trù phát triển rực rỡ trong suốt chiều dài lịch sử, trở thành nét văn hóa đặc sắc riêng có của dân tộc Việt. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thời Pháp thuộc, hát ca trù ở nội thành Hà Nội bị biến thể thành hát cô đầu, do các ca nương tách ra từ giáo phường, lập ra những tụ điểm, mà khách hàng là các tao nhân mặc khách, hình thành thú chơi tao nhã của giới trí thức một thời. Tại những tụ điểm này thường tổ chức uống rượu và nghe hát. Khách hàng tự sáng tác thơ đưa cho ca nương hát, rồi vừa uống rượu, vừa thưởng thức môn nghệ thuật vừa trí tuệ, vừa lãng mạn.
Trải qua quá trình phát triển, hiện còn lưu giữ những bài hát ca trù rất hay, do các tao nhân mặc khách sáng tác như: Cao Bá Quát có các bài “Tự tình”, “Hơn nhau một chữ thì”, “Phận hồng nhan có mong manh”, “Nhân sinh thấm thoắt”;... Nguyễn Công Trứ với những bài “Ngày tháng thanh nhàn”, “Kiếp nhân sinh”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”, “Trần ai ai dễ biết ai”;... Dương Khuê với bài “Hồng hồng, tuyết tuyết”, tức “Gặp đào Hồng đào Tuyết”; Chu Mạnh Trinh với bài “Hương Sơn phong cảnh”; Tản Đà có “Gặp xuân”, “Xuân tình”, “Chưa say”, “Trần ai tri kỉ”, “Đời đáng chán”... Nguyễn Khuyến có “Hỏi phỗng đá”, “Duyên nợ”; Nguyễn Thượng Hiền có bài “Chơi chùa Thầy”; Trần Tế Xương có “Hát cô đầu”;...
Nói chung, ca trù mang nhiều giá trị về nghệ thuật biểu diễn; giá trị về giải trí, văn hóa, giáo dục, tín ngưỡng sâu sắc. Các nghiên cứu cũng cho thấy, ca trù có khoảng 46 điệu hát, trong đó rất nhiều điệu hát bài bản, cơ bản chia làm 3 lối: Hát chơi 15 điệu, hát cửa đình 12 điệu, hát thi là các điệu còn lại. Tuy nhiên, số lượng điệu hát ca trù đến nay vẫn chưa được xác định chính xác. Mặc dù được thể hiện trong không gian tĩnh lặng, nhỏ hẹp, nhưng người nghe vẫn thấy hết sự trong trẻo, rõ nét qua từng nhịp phách, giọng hát của ca nương và tiếng đàn réo rắt theo tiếng hát của ca nương.
Ngoài ra, ca trù còn có giá trị ngoại giao rõ nét. Theo TS Nguyễn Xuân Diện, trong lịch sử phát triển ca trù, từng ghi dấu giáo phường An Thanh, huyện Lập Thạch được mời về kinh đô hát xướng đón Sứ bộ các nước. Điều này cho thấy, các giáo phường trong dân gian xưa cũng được góp phần tham gia hoạt động lễ tiết ngoại giao.
Hiện trên cả nước có 15 tỉnh, thành phố có các CLB, giáo phường ca trù, trong đó Hà Nội có khoảng 20 CLB, giáo phường, nhóm, trung tâm ca trù đã và đang hoạt động. Tuy nhiên, đó cũng vẫn chỉ dừng ở mức độ tự phát của những người có tâm huyết với ca trù. Cái cần và đủ ở đây phải có chương trình cấp Nhà nước, nhằm khôi phục, phát triển ca trù thành một trong những môn nghệ thuật của quốc gia.