Sâu lắng những giai điệu dân ca ở vùng ngoại ô
Hoạt động hội 12/11/2022 08:17
1.Phía nam ngoại thành Hà Nội trước là tỉnh Hà Tây cũ, gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai...- một miền trầm tích văn hóa, là nơi bắt nguồn của nhiều làn điệu dân ca, nổi bật nhất là ca trù, hát trống quân, hò cửa đình và múa hát bài bông, múa rối cạn...
Ở Chanh Thôn, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên từ già đến trẻ đều biết hát ca trù. Chiếu trù có thể lập bất cứ đâu trong làng không nhất thiết phải ở đình làng vào ngày hội. Ca trù tưởng như là môn nghệ thuật cung đình chỉ thịnh hành ở thành thị, tuy vậy ở làng quê Chanh Thôn, ca trù như mạch ngầm văn hóa, như món ăn thường nhật mà hễ không hát, không nghe là như thiếu vắng bóng hình.
Cụ Khướu chăm chú đọc lại các bài ca trù cổ với tâm nguyện bảo tồn giá trị riêng của ca trù Chanh Thôn |
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Khướu (92 tuổi) vẫn còn đau đáu cùng câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn gây dựng những lớp ca, lớp kép kế cận, bởi ca trù Chanh Thôn mang nhiều đặc điểm riêng mà nếu học nơi khác sẽ không còn được nguyên gốc. Nghệ nhân già luôn niềm nở tiếp các đoàn khách mỗi khi ghé nhà và cất giọng ca đã khàn khàn đãi khách, chỉ tiếc khách đến chơi làng nghe hát còn lẻ tẻ, không theo tuor, nên người đến người đi chóng quên. “Trước năm 1945, Chanh Thôn nức tiếng cả miền Bắc là cái nôi của hát ca trù, nay thì trở về sự yên ắng của một làng quê thuần nông. Chúng tôi, những nghệ nhân cuối cùng ở Chanh Thôn chỉ mong sao, hình ảnh ca trù Chanh Thôn được lan tỏa để khi xuống suối vàng không cảm thấy có lỗi với tiền nhân” cụ Khướu nói. Cả một đời gắn bó với cà trù làng Chanh, cụ Khướu và cụ Vượn (cụ Vượn đã mất), hai nghệ nhân nhân dân ca trù đã dạy đến hàng chục lớp ca trù cho thiếu nhi, ngồi hàng trăm chiếu hát, đến tuổi cửu tuần hai cụ vẫn cố gắng tập hợp, biên soạn lời ca trù cổ để truyền lại cho con cháu.
2.Từ Chanh Thôn quặt qua quốc lộ 1A chừng 3km, tới thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên không khó để thấy các em gái nhỏ rực rỡ trong áo mã tiên để hò cửa đình và múa hát bài bông. Đây là môn nghệ thuật dân ca chỉ tồn tại ở Phú Nhiêu và đã tồn tại hàng trăm năm. Cụ Lương Tất Tố 77 tuổi, là “cây hò” cổ thụ của Phú Nhiêu, cụ là cây hò “cái” tức hò lĩnh xướng, vị trí này mỗi đời chỉ truyền dạy cho một người duy nhất, trước cụ Tố là cụ Nghi (đã mất).
Hò cửa đình và múa hát bài bông mỗi năm chỉ trình diễn một lần vào rằm tháng 8. Tuy vậy, với đặc trưng nghệ thuật, làn điệu này đã được trình diễn phổ biến hơn, đặc biệt để thu hút khách du lịch tìm hiểu văn hóa. Nghệ nhân nhân dân Vũ Thị Khiên (78 tuổi) nhớ lại rằng, trước kia cả năm mới diễn xướng một lần nhưng phải tập quanh năm, nếu không sẽ quên lời, quên điệu múa, giờ thì lớp trẻ nô nức học, du khách háo hức xem nên phổ biến hơn rất nhiều.
: Ông Hữu Y và bà Tạ Tú là hai thành viên chủ chốt của Đội rối cạn Lộc Hòe gần 20 năm qua |
Tuy vậy, câu lạc bộ hò cửa đình và múa hát bài bông của thôn không có nhiều kinh phí để hoạt động, hình ảnh quảng bá còn hạn chế cũng như chưa xây dựng được dịch vụ ăn, nghỉ cho khách du lịch khiến tiềm năng chưa được phát huy hết. Hò cửa đình và múa hát bài bông từng tham gia nhiều liên hoan dân ca dân vũ của tỉnh Hà Tây (cũ) và Hà Nội và giành nhiều giải cao. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh từng nhận xét, hò cửa đình và múa hát bài bông là “vàng ròng” trong dân ca Việt Nam đủ để thấy vị trí của bộ môn nghệ thuật này trong kho tàng văn hóa dân tộc.
3.Chúng tôi tiếp tục ngược lên thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín để gặp cụ Nguyễn Thị Vẫy (85 tuổi), nghệ nhân ưu tú gạo cội nhất của làn điệu hát trống quân. Làn điệu này là làn điệu đặc trưng của nông dân vùng sông nước, nội dung chính xoay quanh hát giao duyên, hát về đời sống nông nghiệp, hát về quan hệ trong gia đình, xã hội… Đã gần đi hết đời người, giành nhiều huy chương ở các hội thi, nhưng cụ Vẫy vẫn luôn đau đáu vì chưa quảng bá được hình ảnh quê hương, giai điệu dân ca hát trống quân đến du khách khắp nơi.
Một đời say đắm với trống quân, hỗ trợ nhiều người thành nghệ nhân nhưng cuối đời người ta chỉ biết cụ Vẫy là một cụ già lưng còng, vẫn mưu sinh hàng ngày bằng nghề cuốn vàng mã để tự nuôi sống bản thân. “Giá như huyện, xã mời được các đoàn khách du lịch về một tháng vài lần, chúng tôi sẽ có đội hát trống quân chuyên nghiệp biểu diễn, đi kèm đó là tư liệu, sách báo, đạo cụ liên quan đến hát trống quân được mang ra giới thiệu, đem thêm hiệu quả kinh tế về cho địa phương, cũng như những người nghệ nhân.…” cụ Vẫy bùi ngùi kể.
Cụ Tố cùng cụ Xuyên hò cửa đình và múa hát bài bông, tinh hoa văn hóa cha ông truyền đời ở làng Phú Nhiêu |
Cụ Vẫy không được học hành đầy đủ, mặt chữ không thạo, ngày trước, mỗi lần đứng lớp dạy hát trống quân cho thiếu nhi ở làng, cụ đều nhờ con cháu ghi chép lại, ghi chú cụ thể ngân chỗ nào, chậm nhanh ra sao. Đến nay, cụ cùng với một số cụ cao niên khác đã sưu tập được không ít tư liệu về hát trống quân phục vụ cho câu lạc bộ hát trống quân Đan Nhiễm truyền dạy cho lớp trẻ.
Giờ mỗi lúc rỗi việc, có thời gian rảnh là cụ lại tập hợp mấy đứa cháu chắt quanh nhà để dạy hát trống quân, cụ bảo, hát trống quân giúp cụ nên duyên đôi lứa với ông Cường, mối tình sống đến đầu bạc răng long, rất nhân nghĩa. Cụ mong muốn làn điệu dân ca quê hương sẽ tiếp tục ngân dài, vang mãi, se duyên cho những đôi trai gái còn thỏ thẻ, ngượng ngùng với nhau.
4.Nếu điểm qua các diễn xướng dân gian khu vực phía nam kinh thành Thăng Long mà không nhắc đến rối cạn Lộc Hòe, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín thì thực sự là một thiếu sót lớn. Người được dân làng Lộc Hòe (thôn Lộc Dư và Hòe Thị) gọi là “vua rối cạn” chính là ông Nguyễn Hữu Y. Năm 1953, rối cạn Lộc Hòe chính thức được công chiếu – ra đời, năm đó cũng là năm ông Y chào đời, rối cạn Lộc Hòe là bộ môn nghệ thuật dân gian có nhiều nét đặc trưng riêng, tuy là vùng sông nước (ven sông Nhuệ) nhưng những vở diễn trên cạn như: Quê ta mở hội, Thằng chết cãi thằng khiêng….đã tạo ra không khí trẩy hội tại Lộc Hòe. Ông Hữu Y có tuổi thơ in đậm màu của rối cạn nên cách diễn, kịch bản, cách làm con rối ông Y nắm được rất chắc, người ta còn gọi vui ông là nghệ sĩ vườn, nghệ nhân đa năng… tuy vậy, ông Y lại chưa từng được cơ quan Nhà nước nào phong danh hiệu nghệ nhân.
Cụ Vẫy lưng đã còng, sống một mình trong căn nhà xập xệ, hàng ngày vẫn quấn vàng mã kiếm sống và không quên dạy hát trống quân cho lớp trẻ |
Đến đầu những năm 70 của thể kỷ trước, rối cạn Lộc Hòe trầm xuống và dừng hoạt động do nhiều lý do khách quan. Năm 2003, ông Y cùng ông Lê Công Uyển, bà Tạ Thị Tú đều là những người yêu mến rối cạn Lộc Hòe đã quyết tâm chấn hưng rối cạn và thành lập Đội rối cạn Lộc Hòe với hơn 20 thành viên. Từ đó, đội phát triển và bắt đầu lưu diễn tại Thái Lan, Hải Dương các tỉnh lân cận Hà Nội. Thành tích Ấn tượng nhất là tham gia Liên hoan sân khấu truyền thống tại Hà Nội năm 2014 (ông Y giành giải A2 với vai diễn trong vở chèo Chuyện tình của Vũ).
Gần 20 chục năm tâm huyết phục dựng rối cạn Lộc Hòe, điều làm ông Y tự hào nhất chính là mang lại những phút giây giải trí, vui vẻ của người dân Lộc Hòe, đặc biệt là thiếu nhi. Lớp trẻ, không ít người “giật mình” khi Đội rối cạn Lộc Hòe trình diễn tại đình làng mà như xem chiếu trên truyền hình, họ không ngờ rằng, tại một làng quê thuần nông yên ắng, mấy chục năm vắng bóng dân ca bỗng dưng được hồi sinh mạnh mẽ. Người đàn ông với bàn tay xù xì, giọng nói khê khê thuốc lào như ông Y lại là tác giả của hơn 30 con rối bằng mộc với bộ dây điều khiển chằng chịt, của những vở diễn công phu kịch bản và cả của lời hát “ỉ ơi” sao mà quyến luyến, khó phai.
5.Đi qua các ngôi làng dân ca, tôi có điều cảm nhận chung đó đều là những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa dân gian, những nghệ nhân cao tuổi gắn bó cả đời với nó vẫn luôn đau đáu phát triển lớp kế cận và quảng bá hình ảnh du lịch. Đa phần các nghệ nhân (kể cả được phong nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú) cũng không thể sống được bằng niềm đam mê, hầu hết họ còn phải mưu sinh, lam lũ ở miền quê chiêm trũng, thời trẻ còn đi làm thuê nhiều nơi. Có người là nghệ nhân, nghệ sĩ trong lòng dân làng mà chẳng được giấy công nhận, có người nhận danh hiệu lúc gần đất xa trời, và cũng có người muốn cống hiến nốt những gì tinh túy nhất trước khi đi về thiên cổ nhưng chưa được hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Hy vọng rằng, những người đi giữ màu dân tộc như cụ Khướu, cụ Vượn, cụ Tố, cụ Khiên, cụ Vẫy, ông Y… sẽ sớm tìm được truyền nhân tâm đắc để kế tục sự nghiệp không phải của riêng mình, để khi về với bậc tiền nhân, họ vẫn tự hào khi thêm vào một chút đậm đà vào màu thời gian trên tiến trình văn hóa dân gian Việt Nam.