Nỗi lòng cha mẹ
Phóng sự 13/07/2019 08:04
Cuộc sống vần vũ, kéo theo những thân phận bất hạnh…
Con cái bất hiếu
Cụ Lê Thị Hiếu, 85 tuổi, rời quê hương Thanh Hóa theo chồng ra lập nghiệp, sinh con đẻ cái tại vùng ngoại ô thành phố. Hạnh phúc nào bằng khi 4 cậu con trai, 2 cô con gái kháu khỉnh, xinh xắn lần lượt ra đời. Thành phố dần mở rộng, vùng nông thôn ngoại thành nâng cấp, trở thành một phường trong quận. Là nông dân từ cái thuở còn sở hữu đến hàng mẫu ruộng rau ruộng lúa, vợ chồng cụ tần tảo đêm ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nay chỉ việc bán đất chia cho con cái xây nhà, dựng vợ gả chồng tươm tất. Vậy mà, hạnh phúc chẳng trọn vẹn khi chồng cụ mắc bệnh ung thư gan qua đời ở cái tuổi chưa đến 70. Bốn đứa con trai cũng theo cha lần lượt "ra đi" để lại cho cụ nỗi đau khôn cùng. Nỗi đau càng xoáy nát tâm can cụ khi người ra đi lại là đệ tử lưu linh, tự chuốc vào mình hậu quả đau lòng của bệnh tật và tai nạn. Lẽ ra, chúng phải là người tiễn mẹ, báo hiếu, thờ phụng ông bà tổ tiên thay cha già đã khuất. Ngày tiễn đưa con trai út về cõi vĩnh hằng, cụ nấc nghẹn không nói nên lời, rộc rạc hẳn đi sau nhiều đêm thức trắng. Bà con khối phố, xóm giềng đến chia buồn đều cám cảnh tang gia. Bốn ngôi nhà liền kề chỉ còn lại toàn phụ nữ góa.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam tặng quà cho NCT có gia cảnh khó khăn |
Bà Nguyễn Thị Lan, ở tỉnh Bắc Ninh sinh 4 gái 1 trai. Trong niềm tự hào về những "cách cách" và chàng rể hiếu thuận, biết đồng cảm, sẻ chia thì bà lại không an lòng bởi chàng "quý tử" đã ngoài 40 tuổi rồi còn ngây ngây ngô ngô, đứng núi này trông núi nọ. Trải qua bao đắng cay tủi nhục để nuôi con khôn lớn, giữa cái của ghẻ lạnh của gia đình chồng và phụ bạc của chính con người đầu gối tay ấp, mấy chục năm ròng bà nuốt cục uất nghẹn trong lòng, cốt giữ sao cho gia đình "trong ấm ngoài êm". Ấy vậy mà thằng con trai duy nhất của bà cũng lẳng lơ như chính cái người đẻ ra nó, lăng nhăng bồ bịch hết người phụ nữ này đến mụ đàn bà khác, làm tan nát hạnh phúc gia đình. Tệ hơn nữa, nó chẳng có trách nhiệm chăm sóc con cái, chứ nói gì đến việc quan tâm chăm sóc cha mẹ già. Đến tuổi "gần đất xa trời" mà ngày ngày bà vẫn phải theo sát, xem nó đi đâu, uống rượu với ai, có về nhà ngủ hay không, bởi bà sợ nhỡ nó say xỉn rồi lại gục ngã ở đâu thì khổ. Đêm nào, không thấy con về, gọi điện nó chẳng nghe, lòng bà lại như lửa đốt, không tài nào ngủ được.
Nhiều người cao tuổi vẫn phải lặn lội mưu sinh |
Chỉ vì đòi lại thửa đất thuộc sở hữu của vợ chồng mình sau quyết định của tòa án và cưỡng chế giao đất của Chi cục Thi hành án dân sự huyện mà cụ bà Nguyễn Thị Dễ, sinh năm 1933 ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bị chính người con trai dứt ruột đẻ ra tranh chấp, đánh đập gây thương tích phải nhập viện cấp cứu. Đau khổ tột cùng khi phải tranh chấp với chính giọt máu của mình, đến mức, cụ chỉ mong sao cơ quan chức năng sớm xử lí hành vi trái pháp luật, trái đạo đức của con trai để yên tâm sinh sống. Nguy hiểm rình rập khi hằng ngày cụ vẫn phải ra vào, nhìn thấy và sống chung với thằng con mất hết tính người.
"Yêu rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu"
Những người yêu hết lòng hết dạ, dành trọn tuổi thanh xuân cho chồng con, chăm nuôi bố mẹ chồng, phụng sự gia đình nhà chồng, đến cuối đời mới nhận ra mình chẳng có chút gì cho riêng mình. Bao nhiêu tần tảo hi sinh, bao nhiêu tài sản từ đôi bàn tay làm nên đều không phải của mình, không thuộc về mình hoặc nhắm mắt xuôi tay chẳng mang theo được. Gặp người bạn đời tử tế còn may mắn, chẳng may vớ phải ông chồng cục súc, con cái hư hỏng thì cuộc sống chẳng khác "địa ngục trần gian".
Nhiều người cao tuổi chọn trung tâm dưỡng lão làm nơi sinh sống lúc cuối đời |
Theo quan niệm của người Việt, cha mẹ và con cái là cái "nợ đồng lần", hết lo xong cho con lại lo đến cháu. Cả đời cặm cụi, tuổi thanh xuân lo gia đình, sự nghiệp, con cái trưởng thành. Đến tuổi lên ông lên bà lại lo chăm cháu nhỏ cho bố mẹ chúng đi làm; có khi các con đi làm ăn xa để lại cả đàn cháu đang tuổi ăn tuổi học lẫn nhà cửa vườn tược cho ông bà trông nom. Gánh nặng lại đè lên vai những "ô sin không lương" già cả, lẽ ra cần được chăm sóc, nuôi dưỡng.
Ấy là chưa kể, một số cụ ông cụ bà đến ở hoặc chơi với con cháu ở thành phố, vì thương quý cháu, muốn giúp đỡ con cháu mà bế bồng, cho ăn, ru ngủ. Song vì nuôi con theo kiểu "Tây" và cha mẹ là dân "quê một cục", nên con trai, con dâu cảm thấy lo ngại, sợ bẩn, sợ ngã "cục cưng" nên không thích ông bà chăm sóc cháu. Phóng viên không ít lần chứng kiến những ông bố, bà mẹ quê mùa giang tay đón cháu thì nhận được những lời không mấy thoải mái như "Ông bà cứ để cháu nằm nôi cho quen", "Bế nhiều bện hơi" hoặc nhẹ hơn thì "Thôi mẹ để con"… Những lời nói vô tình ấy đã làm chạnh lòng người già, khiến họ cảm thấy tủi thân và như người thừa trong gia đình.
Hạnh phúc khi sống vui, sống khỏe |
Rồi lại có người đang sống ở quê vui vẻ xóm giềng, họ hàng thân thích, vì chiều con bán nhà ra thành phố ở, suốt ngày quanh quẩn trong nhà vì để an toàn, con cháu khóa cửa đi làm. Những lúc buồn chán, muốn có người quây quần trò chuyện, chia sẻ thì các con đều cuốn vào vòng quay cơm áo gạo tiền, còn các cháu đi học cả ngày, từ học chính thống đến các kiểu học thêm ngoài giờ… không có thời gian dành cho ông bà, cha mẹ.
Nhiều người già vì cô đơn trong chính ngôi nhà của mình đã phải chọn cách vào sống trong nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện vào các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, bởi lẽ, trong khi Nhà nước chưa có những chính sách ưu đãi phù hợp thu hút nguồn lực xã hội hóa hoạt động này thì giá thành để ở trong các trung tâm quá cao so với thu nhập mức trung bình thấp của người Việt.