Tiếng thở dài của các nghệ nhân
Xã hội 14/12/2022 09:56
Kì 1: Di sản và danh hiệu Nghệ nhân
Làm sao sống lại thuở ban đầu
Khoảng gần chục năm trước, khi còn là phóng viên cho một tòa soạn báo, tôi đã lái chiếc xe Honda đi viết về giá trị văn hóa dân tộc còn sót lại. Hôm ấy, trong ngôi nhà tranh xiêu vẹo, tôi cứ hì hụi ghi lại những trăn trở về cuộc đời của các nghệ nhân. Họ không nói nhiều, không kể nhiều, không giàu triết lí, nhưng hết thảy những điều họ nói đều khiến chúng ta phải suy ngẫm. Một cụ nghệ nhân bảo, làm văn hóa nghèo lắm, công phu, nặng nề, vì những công sức bỏ ra để làm nên hình hài một tác phẩm nghệ thuật từ khi còn trứng nước đến gần hơn với công chúng là cả một quá trình dài hơi.
Trong thực tế, những “câu quan họ trữ tình” của người Bắc Ninh, những làn điệu chèo cổ của người làng Khuốc, những câu hát chầu văn đậm triết lí của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, những câu hò Huế thân thương và mơ màng, những tiếng hát nhẩn nha của ca trù Lỗ Khê, những tích tuồng cổ ở vùng Mỹ Tho, Quảng Nam, Bình Định, hay đờn ca tài tử của người dân vùng sông nước Nam Bộ… tất cả đều được ghi nhớ như một cái gì rất riêng, rất thiêng liêng.
Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Vân biểu diễn tại đình Kim Ngân (Ảnh IT) |
Ngoài ra, suốt những năm tháng qua, các di sản này được các nghệ nhân mang đi biểu diễn khắp nơi rồi mang hẳn sang nước ngoài để biểu diễn trước các vị khách quốc tế… thế mà chẳng hiểu sao các loại hình “độc đáo” như thế cứ dần rơi rụng. Các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú theo tuổi tác, sức khỏe cũng lần lượt ra đi mang theo những cung đàn, điệu hát, những “di sản văn hóa phi vật thể” ấy về với tổ tiên.
Thi thoảng lại nghe trên báo đài một loại hình kêu cứu, hoặc có hẳn một chiến dịch quảng bá rầm rộ những mong “vớt vát được phần nào hay phần đó”. Có người là cán bộ văn hóa còn bỏ cả tiền túi ra để “giải cứu” cho các loại hình nghệ thuật này mà không chút mảy may tư lợi nào. Thế nhưng cơ chế, chính sách, pháp luật thì bao giờ cũng có độ trễ, còn lớp trẻ bây giờ thì chỉ chuộng các hình thức lạ, ngoại lai, thích chụp hình, hát hò, nhảy múa, kích động chứ mấy ai thiết tha với vốn văn hóa truyền thống...
Vui buồn danh hiệu Nghệ nhân
Có một lần tôi về Chanh Thôn, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, hai cụ nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu và Nguyễn Thị Vượn đã đón tiếp tôi với sự nồng nhiệt đến rơi nước mắt. Cụ kể chuyện hay lắm, rành rọt lắm, nhưng câu nào cũng bắt đầu bằng từ “bấy giờ”. Cụ cứ lệt bệt ngồi trong nếp nhà thanh bạch, răng đen như hạt na, miệng nhai trầu bóp bép mà nhẩn nha hát ca trù. Yêu ca trù từ thời con gái đến bây giờ hai cụ vẫn chị chị em em, dắt nhau đi khắp xóm làng mà dạy hát ca trù. Tôi không biết đã có bao nhiêu người được cụ truyền thụ, có bao nhiều nghệ sĩ lừng danh tìm đến hai cụ những mong học được câu hát trữ tình ấy. Nhưng, cuộc đời của hai cụ kể ra nó dài lắm, con đường đến với danh hiệu “nghệ nhân dân gian” cũng chông chênh không kém. Song, như một chữ duyên với nghề, các cụ cứ hát, cứ dạy mà chẳng cần một thứ danh hiệu gì. Hỏi cụ có khỏe không, cụ bảo già rỗi lẩm cẩm. Hỏi cụ vì sao không được phong danh hiệu, cụ bảo cụ hát đâu chỉ vì những thứ danh hiệu xa xôi đó.
Cách đây mấy năm, tôi nghe được trên thông tin truyền thông vinh danh tên hai cụ như một sự ghi nhận xứng tầm với những cống hiến và đóng góp của họ. Vậy là, người ta không lãng quên và đã nhìn đến hai cụ như một sự kính trọng của người trẻ vẫn làm với người già.
Hôm ấy, tôi hỏi cụ về những cảm tưởng sau nhiều năm trời chờ đợi được phong tặng nghệ nhân. Hai cụ bảo: “Tôi chỉ là một người hát ca trù như mọi người khác thôi. Tôi yêu, tôi hát, tôi say là vì “máu” nghệ thuật nó ngấm trong người”. Cụ Vượn run run sờ nắn tay đứa cháu: “Sau cả năm tháng dài đằng đẵng chờ đợi, giờ đây bà được vinh danh, bà vui lắm, nhưng các con nhớ được tiền thưởng thì mua cho bà cái đài, bà nghe thời sự, nghe đọc báo, nghe chuyện đêm khuya, nghe ca trù. Đêm đêm, phận già cả cô quạnh, có tiếng đài cho nó đỡ buồn, các cháu ạ”.
Những nghệ nhân được vinh danh khi còn sống dù muộn nhưng cũng còn may mắn hơn nhiều nghệ nhân khác không kịp chờ đợi. Nghệ nhân Vũ Văn Hồng, 70 năm gắn bó với cây đàn đáy, một đời dâng tiếng hát cho Nhân dân. Khi cụ 90 tuổi, đêm đêm vẫn một mình khăn xếp, áo đỏ ngồi hát tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội). Năm 95 tuổi, cụ qua đời và không hề biết mình sẽ được vinh danh trong lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015. Hay nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc - cây đại thụ của ca trù đất Bắc, cả đời gian truân cùng ca trù nhưng đã qua đời một năm trước dịp trao tặng danh hiệu.
Cũng không phải cứ có danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân hay Ưu tú là các nghệ nhân sẽ thoát khổ hay sống được bằng nghề. Ghi danh chỉ là động lực tinh thần để cho nghệ nhân tiếp tục phấn đấu và cống hiến. Nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội cho biết: “Sau khi được công nhận Nghệ nhân Ưu tú năm 2015, tôi thêm niềm hứng khởi truyền dạy làn điệu hát dô. Danh hiệu không chỉ để mọi người biết tới công lao cống hiến của một cá nhân mà còn giúp nhiều người trong và ngoài nước biết đến nền văn hóa quê hương”.