Chuyện tình của mệ Tuyết với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo
Văn hóa - Thể thao 14/07/2022 10:11
Người dân làng hương Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế gọi bà Tôn Nữ Ánh Tuyết là mệ Tuyết. Mệ Tuyết không nhớ năm nay mình bảy mấy tuổi, chỉ biết đã theo ông ngoại làm hương trầm từ năm lên 9 và gắn bó với làng hương Thủy Xuân mấy chục năm nay. Nằm cách TP Huế khoảng 7 km về hướng Tây Nam, đây là làng hương truyền thống lớn nhất xứ Huế nổi tiếng hàng trăm năm nay. Là một trong những người đầu tiên của làng hương Thủy Xuân nghĩ ra cách xòe những bó chân hương rực rỡ sắc màu nghệ thuật bắt mắt, nên du khách khi ghé thăm “vườn hoa hương” ở tuyến đường Huyền Trân Công Chúa đều mong muốn sở hữu một tấm hình chụp cùng mệ Tuyết. “Hơn hai mươi năm trước mệ bắt đầu làm chơi, ai ngờ các anh chị ở Trung tâm Festival Huế khen đẹp quá, nên mệ làm riết từ lúc đó. Sau này bà con trong làng đến hỏi cách làm. Bây giờ thì hầu như dân làng hương ai cũng biết làm”. Mệ Tuyết hào hứng kể.
Bà Tôn Nữ Ánh Tuyết |
Không chỉ vì những bó hương sắc màu, nhiều người từ trong Nam ngoài Bắc tìm đến làng hương Thủy Xuân còn để chia sẻ câu chuyện mệ Tuyết gần 10 năm nay dành phần lớn lợi nhuận từ bán hương để tặng trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo ở Bệnh viện Trung ương Huế. Cái duyên đưa mệ đến với việc thiện nguyện là trong một lần vào viện thăm bạn thân bị ung thư, mệ gặp một em nhỏ khoảng 5 tuổi bị hỏng một mắt, mắt còn lại sưng tấy, hỏi thăm gia đình mới biết bé bị ung thư võng mạc. Khi ấy, mệ Tuyết chỉ có 110 nghìn đồng định đưa cho bạn, nhưng người bạn của bà có tâm nguyện dành số tiền đó cho đứa trẻ tội nghiệp trên.
Nhớ lại lần đầu tiên đến tặng quà cho các bệnh nhân nhí ở Bệnh viện, vì chưa quen nên thiếu phần của 7 đứa trẻ ở phòng 508. Nghe chúng bảo: “Mệ ơi con chưa có”, mệ Tuyết khóc run bần bật. Ôm lũ trẻ vào lòng và hứa ngày mai mệ sẽ quay lại, cho dù ở nhà không còn tiền. May mắn hôm sau, lần đầu tiên mệ bán được bốn bức tranh cùng một lúc. Người họa sĩ nhờ mệ bán tranh tặng bà cả vốn lẫn lãi để vào viện tặng quà cho các cháu.
Từ khi làm thiện nguyện, không ít lần mệ Tuyết có duyên được nhiều người đồng hành, giúp đỡ như vậy. Với người phụ nữ xứ Huế, đó cũng là sự màu nhiệm của cuộc sống. Nhiều cháu đang điều trị tại khoa xem mệ Tuyết như là người mẹ thứ hai, vì thế mỗi lúc nghe tin một cháu nhỏ vừa qua đời, trái tim mệ Tuyết đau nhói. Như trường hợp cháu Hoàng Long Nh, 11 tuổi, quê ở Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, bị ung thư xương, gia đình khó khăn. Biết căn bệnh cháu không thể qua khỏi, ngoài số tiền hỗ trợ mỗi tháng gần 1 triệu đồng, mệ Tuyết còn đứng ra vận động các nhà hảo tâm làm đôi chân giả cho cháu. Điều đáng buồn khi công việc bắt đầu được triển khai thì cháu qua đời vào đầu năm 2022. Hay như trường hợp cháu Hồ Thị Thanh Tr, 5 tuổi, người Bru -Vân Kiều quê ở tỉnh Quảng Trị bị ung thư võng mạc, gia đình thuộc diện khó khăn, mỗi tháng mệ Tuyết ủng hộ 1 triệu đồng phụ giúp ba mẹ cháu thêm kinh phí ở lại chăm sóc cháu bé. Mệ kể, có một lần nghe có người gần mất xin được hiến tặng giác mạc cho Tr nhưng khi giác mạc về tới bệnh viện lại không tương thích với cơ thể cháu nên Tr không ghép được. Nghe tin mệ buồn không nói nên lời…
Suốt hai năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mệ Tuyết vẫn duy trì đều đặn mỗi tháng một lần tới bệnh viện hoặc gửi quà cho các cháu. Quyển “nhật kí thiện nguyện” được mệ Tuyết ghi chép cẩn thận, bài bản tên tuổi từng người kèm theo số điện thoại, địa chỉ, số tiền ủng hộ theo từng ngày rất khoa học. Mệ Tuyết nhẩm tính, trung bình mỗi tháng trích từ tiền lãi bán hương và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, mệ có từ 2- 3 chuyến hàng gồm kẹo sữa, bánh tặng cho hơn 70 cháu nhỏ đang điều trị ung thư. Mệ còn gửi tặng tiền mặt từ 15- 20 triệu đồng, chia nhỏ mỗi phong bì 100.000 đồng, làm quà tặng các cháu khó khăn.
Trong suốt hành trình làm việc thiện của mệ Tuyết được sự tiếp sức của rất nhiều bạn sinh viên và cán bộ đang theo học và làm việc tại Huế. Với mệ Tuyết, cuộc sống mệ tuy đơn giản nhưng tràn ngập hạnh phúc như chính lời mệ nói: “Mong sao trời thương cho mệ có sức khỏe. Cuộc sống cho đi đừng bao giờ nghĩ mình phải nhận lại. Thượng đế đã sinh ra mệ để dành xoa dịu nỗi đau của những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo. Mệ sẽ làm công việc này cho đến lúc nào sức khỏe không còn cho phép nữa”.
Xứ Huế luôn được biết đến là điểm đến có nhiều điểm thú vị, trong đó có làng hương Thủy Xuân, nơi đây còn chứa rất nhiều câu chuyện đẹp tình người của mệ Tuyết.