Cánh buồm nâu xa khuất!
Văn hóa - Thể thao 19/02/2024 08:54
Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu… cánh buồm nâu… cánh buồm.
Nguyễn Bính
Địa điểm chia tay là nơi bến sông có người chứng kiến. Dưới bến có con đò, trên trời có mây bay và gió thổi. Bến sông chắc là khá nhộn nhịp bởi có người đi đò dọc, lại có kẻ lên đò ngang. Chỉ duy nhất có một người thấy mình cô đơn, đó là cô gái. Không chỉ cô đơn mà cô gái thấy mình bị mất mát quá lớn. Nhà thơ Nguyễn Bính không nói lí do của cuộc chia tay, chỉ nói người con trai ra đi, còn người con gái ở lại trong ngôi nhà nhỏ trên bến sông heo hút gió. Buồn, chán, cô gái chỉ biết đứng trong buồng, mắt nhìn theo người con trai qua cửa tò vò.
Đây không hẳn là mối tình đơn phương, bởi hai người đã từng nhìn nhau, thương nhau. Nhưng hình như tình yêu ấy chưa đủ lớn, chưa đủ sâu sắc nên mới bị “đóng khung” trong ô cửa tò vò bé tí.
Ảnh minh họa |
Chàng trai ra đi trên một con đò dọc, không hiểu đã hết tình yêu với cô gái hay chưa, nhưng cô gái thì còn yêu chàng trai lắm lắm. Qua cái cửa tò vò ấy, cô gái nhìn chàng trai từ khi bước chân lên thuyền, cho đến khi con đò rời bến và lúc không còn nhìn thấy cánh buồm mới thôi… nhìn. Cũng cần nhắc lại, hình ảnh đối nhau giữa xuôi đò với cửa tò vò làm bạn đọc liên tưởng đến hai vật không còn… hút nhau.
Máy quay phim thu vào ống kính toàn cảnh cuộc chia tay, “ghi âm” cả tâm trạng thổn thức của người đang yêu. Nhưng ai cũng biết, khi tình yêu dang dở, người chịu thiệt thòi, đau khổ nhất vẫn là phái nữ. Thế nên từ hụt hẫng, đến đau khổ, cô gái thốt lên đầy khắc khoải: Anh đi đấy…
Anh đi đấy, là động thái dứt tình. Và anh về đâu lại là câu hỏi tuy ngắn nhưng chất chứa sự dằn vặt tới tận tâm can và cả tuyệt vọng nữa. Anh về đâu còn là nỗi thương cảm của cô gái dành cho người con trai. Và cô gái tin sẽ chẳng có cuộc đoàn viên nào nữa.
Sự ra đi của người con trai tình huống khá cụ thể, nhưng lại không cụ thể về điểm đến. Anh về đâu - câu hỏi xoáy vào trái tim cô gái đang rỉ từng giọt máu.
Không gian chuyển dịch, còn tâm trạng cô gái thì vẫn vậy. Câu lục đầu bài khi chàng đang dưới bến, đến câu bát cuối cùng thì chàng trai đã và đang xuôi đò. Sự chuyển dịch của không gian song song với sự chuyển dịch về tâm trạng của hai người. Câu bát cuối bài Cánh buồm nâu… cánh buồm nâu… cánh buồm là câu thơ rất ấn tượng, ngẫm kĩ mới thấy hay. Không chỉ sâu sắc ở hình ảnh (cánh buồm nâu) mà câu thơ còn để lại dấu ấn hụt hẫng, mất mát, khắc khoải trong tâm hồn cô gái làm người đọc muốn an ủi, vỗ về, chia sẻ.
Chỉ với 4 câu lục bát nhưng nhà thơ Nguyễn Bính thật tài hoa trong biến hoá ngôn từ, tạo nên mâu thuẫn, kịch tính. Đặc biệt, ông thổi hồn vào câu bát cuối bài thành câu nhạc nhịp 3/3/2: Cánh buồm nâu… cánh buồm nâu… cánh buồm… Dấu ba chấm (…) sau cánh buồm như nốt nhấn làm cho sắc thái chia li dài đến độ vô cùng, vô tận.
Không rõ nhà thơ Nguyễn Bính làm bài thơ “Không đề” này vào thời điểm nào và có liên hệ gì không với cuộc đời của chính mình? Nhưng khi đọc bài thơ này nhiều người yêu thơ thấy có bóng dáng đào hoa của tác giả trong đó. Bằng cách nói nhẹ nhàng, dung dị, nhưng “Không đề” lại làm người yêu thơ rơi nước mắt. Vì thế, “Không đề” được nhiều người Việt yêu thích và thuộc nằm lòng.
Nguyễn Bính được cho là “nhà thơ chân quê”, nhưng với bài lục bát “Không đề”, không thấy ông “chân quê” chút nào.