Bị tước đoạt đất rừng, còn vướng vào lao lí (Kì 1)
Pháp luật - Bạn đọc 01/10/2021 14:11
Kì 1: Ai tiếp tay cho Công ty Cao su tước đất, đoạt tài sản?
Nghị định số 02/CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ, về chủ trương phát triển kinh tế rừng. Thực hiện chủ trương này, ngày 22/2/1995, Tổ kinh tế Truông Giữa, do ông Phan Kiệm, thôn Minh Hương, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc (nguyên Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Can Lộc) làm tổ trưởng, kí Hợp đồng kinh tế nhận 91ha đất rừng cùng 9 hộ bảo vệ, sản xuất, thời hạn sử dụng 50 năm. Cùng ngày, Lâm trường Truông Bát bàn giao đất tại hiện trường cho ông Kiệm, lập biên bản giao nhận 91ha, trong đó có 2,7ha đất ở; 42ha đất trồng rừng; 10ha đất khoanh nuôi; 36,3ha rừng bảo vệ, thuộc tiểu khu 134, khoảnh 3, có tứ cận: Phía Bắc giáp đất rừng ông Thiều + ông Phong + ông Hòa; phía Nam giáp đất rừng ông Thuận + ông Nghiêm; phía Đông giáp khe Cạn, rừng thông giống đội 4 - Ct; phía Tây giáp đường phân thủy - Truông Xai. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, Tổ kinh tế Truông Giữa là lá cờ đầu của Lâm trường và cũng là lá cờ đầu trong ngành lâm nghiệp Hà Tĩnh năm 1997 - 1998.
Ông Phan Kiệm (người mặc áo sọc) cùng ông Phan Lục và bà Võ Thị Lai cung cấp thông tin cho phóng viên |
Năm 2004, Lâm trường Truông Bát được chuyển thành Công ty Cao su Hà Tĩnh. Để có đất trồng, Công ty tuyên bố: “Tất cả hồ sơ giao đất của người dân được Công ty kí từ năm 2004 trở về trước đều hết giá trị, yêu cầu các hộ nộp giấy tờ về Công ty để cấp lại hồ sơ mới”. Bởi vậy, hầu hết hồ sơ giao đất rừng của dân trên địa bàn Hà Tĩnh bị Công ty thu hồi. Việc làm này Sở Tài nguyên và Môi trường đã ngăn chặn, với lí do “làm trái quy định của pháp luật”, tại Văn bản số 610 CV/TN-MT ngày 21/8/2008.
Ngày 21/8/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2354/QĐ-UBND, thu hồi 274,35ha đất tại huyện Can Lộc, do Công ty Cao su Hà Tĩnh quản lí, sử dụng, giao toàn bộ diện tích đất này cho địa phương quản lí, để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân ở địa phương theo quy định, trong đó có 91ha đất rừng của Tổ kinh tế Truông Giữa.
Quyết định số 2354 nêu: “UBND huyện Can Lộc có trách nhiệm chỉ đạo UBND các xã nhận đất thu hồi, xây dựng phương án giao đất, lập hồ sơ giao đất, thuê đất và cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật; Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài chính, UBND huyện Can Lộc, Công ty Cao su Hà Tĩnh và các cơ quan có liên quan tổ chức xác định giá trị tài sản trên đất thu hồi, để bàn giao cho UBND các xã nhận đất thu hồi theo quy định của pháp luật; Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan có liên quan, UBND huyện Can Lộc và Công ty Cao su Hà Tĩnh tổ chức xác định mốc giới, giao đất tại thực địa cho UBND các xã. Đồng thời chỉ đạo Văn phòng Đăng kí quyền sử dụng đất trực thuộc, thực hiện việc chỉnh lí hồ sơ địa chính và hướng dẫn Công ty Cao su Hà Tĩnh cấp đổi sổ đỏ theo quy định...”.
Hợp đồng giao đất và Biên bản giao đất hiện trường thể hiện rõ diện tích, ranh giới |
Ngày 23/10/2008, Tổ công tác gồm: Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cao su Hà Tĩnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Can Lộc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Can Lộc, Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc và UBND xã Thượng Lộc lập biên bản “Bàn giao đất thực địa”. Cuộc làm việc này chỉ diễn ra trong vòng 30 phút, tại UBND xã Thượng Lộc, không có thực địa ranh giới đất rừng của Tổ kinh tế, chỉ “căn cứ nội dung hồ sơ thu hồi đất, giao cho các xã”, tạo dựng mốc giới, bàn giao 132,42ha, thuộc tiểu khu 133 cho UBND xã Thượng Lộc lập phương án giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân trình UBND huyện phê duyệt. Vị trí, ranh giới khu đất thu hồi được xác định trên tờ bản đồ địa chính lâm nghiệp số 01 (tỉ lệ 1/10.000) đo vẽ năm 2004”.
Ngày 9/12/2008, ông Kiệm thay mặt Tổ kinh tế làm tờ trình, đề nghị các cấp có thẩm quyền xác định đúng mốc ranh giới đất rừng được giao trên thực địa, theo biên bản giao đất hiện trường ngày 22/02/1995, được cán bộ địa chính và UBND xã Thượng Lộc đồng thuận cùng đề nghị. Ngày 15/1/2009, Tổ rà soát thực hiện Quyết định số 2354 tổ chức họp giải quyết Tờ trình về việc giao đất không đúng ranh giới. Ông Kiệm khẳng định: “Trong quá trình rà soát, tôi không được tham gia với Đoàn, nên ranh giới được Đoàn xác định trên thực địa không đúng với ranh giới ghi trong quyết định giao đất”. Vậy nhưng, các thành viên của Tổ rà soát lập biên bản cho rằng, việc rà soát đất đai của Tổ rà soát đã thực hiện đúng theo mục đích, yêu cầu… Tuy nhiên, Tổ rà soát cùng thành viên tham gia vẫn thống nhất đề nghị UBND xã phối hợp với Công ty Cao su và hộ ông Kiệm, kiểm tra lại và bàn giao thực địa đúng ranh giới thu hồi đất; trong thời gian chưa giải quyết xong ranh giới, Công ty Cao su không được tổ chức sản xuất trên phần đất đó. Đề nghị UBND xã Thượng Lộc phối hợp với Công ty Cao su Hà Tĩnh và hộ ông Kiệm kiểm tra lại hồ sơ giao khoán, đồng thời kiểm tra lại ranh giới giao khoán ngoài thực địa, để các hộ hiểu và thực hiện.
Giao đất thực địa được thực hiện trên giấy tại UBND xã Thượng Lộc trong vòng 30 phút |
Ngày 26/2/2009, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Lâm nghiệp, UBND huyện Can Lộc, UBND xã Thượng Lộc, UBND xã Đồng Lộc và Công ty Cao su Hà Tĩnh, căn cứ Biên bản bàn giao đất thực địa ngày 23/10/2008, tùy hứng đóng 5 mốc bằng cọc bê tông, lập ranh giới đất rừng cho Công ty Cao su hoàn toàn trái với ranh giới trên thực địa, được giao cho Tổ kinh tế Truông Giữa năm 1995. Ông Kiệm tiếp tục khiếu nại.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác để giải quyết, nhưng kết quả mốc giới theo thực địa đối với đất rừng của Tổ kinh tế Truông Giữa, vẫn là những cọc bê tông được cắm vào những vị trí tùy hứng, tạo điều kiện cho Công ty Cao su chiếm đoạt đất và tài sản của Tổ kinh tế, dẫn đến tranh chấp ngày càng gay gắt, Công ty Cao su Hà Tĩnh ngang nhiên chặt keo, khai thác rừng thông để trồng cao su, với nguồn thu hàng tỉ đồng. Dân trồng keo trên đất được giao, thì Công ty Cao su chỉ đạo công nhân nhổ đi. Đáng tiếc, việc đó lại được Công an huyện và chính quyền địa phương bảo vệ.
Vụ việc không được cơ quan chức năng giải quyết, các ông: Phan Kiệm, Phan Lục, Phan Vinh và bà Đặng Thị Lai họp bàn, quyết định chặt 64 cây cao su do Công ty mới trồng trên đất tổ kinh tế, để “lập hiện trường cho các cơ quan chức năng về giải quyết”, thì họ bị truy tố tội “Hủy hoại tài sản”, bị phạt 40 tháng tù cho hưởng án treo.
UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét bảo vệ quyền lợi cho gia đình liệt sĩ Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lí, bảo vệ kết cấu hạ ... |