Bị tước đoạt đất rừng, còn vướng vào lao lí (Kì 4)
Pháp luật - Bạn đọc 04/10/2021 16:16
Kì 4: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm trái ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh
Sau vụ việc 4 người dân chặt 64 cây cao su lập hiện trường, để các cơ quan chức năng giải quyết, hậu quả đau lòng, các ông Phan Lục, nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy; Phan Kiệm, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Can Lộc và vợ chồng cựu chiến bình Phan Vinh, Võ Thị Lai bị phạt 40 tháng tù hưởng án treo, nên kêu cứu đến các cơ quan chức năng và UBND tỉnh. Ngày 5/3/2020, ông Phan Kiệm làm đơn khiếu nại, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, xác định đúng ranh giới đất rừng được giao, theo Biên bản giao đất hiện trường trên thực địa. Đơn của ông Kiệm được Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chỉ đạo bằng Thông báo số 315/TB-UBND ngày 23/8/2019: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát; báo cáo đồng chí Bí thư (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và trả lời cho công dân trước ngày 10/10/2019”.
Ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Tổ kinh tế Truông Giữa không phải là chủ thể bị thu hồi đất, nên ông Kiệm không có quyền đòi xác định lại ranh giới… |
Thay cho nội dung khiếu nại của ông Kiệm, ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Văn bản số 3028/STNMT-TK.ĐĐ, nói rằng: “Nội dung ông Phan Kiệm kiến nghị, liên quan đến việc xác định ranh giới giao khoán đất rừng của Tổ kinh tế Truông Giữa, do Lâm trường Truông Bát (nay là Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh) giao khoán năm 1995, đã được UBND huyện Can Lộc, UBND xã Thượng Lộc, UBND xã Đồng Lộc và Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, căn cứ vị trí tiếp giáp thể hiện trên Biên bản bàn giao hiện trường lập ngày 22/02/1995, để lập 23 mốc ranh giới (có tọa độ các mốc), được lập kèm theo Biên bản kiểm tra ranh giới và đóng mốc thực địa khu vực đất giao khoán cho các hộ năm 1995, tại vùng Truông Giữa, xã Thượng Lộc và Đồng Lộc, lập ngày 1/8/2013. Hiện trạng sử dụng đất của các hộ đã được đo vẽ bản đồ địa chính tỉ lệ 1/2000 và tỉ lệ 1/5000 (do Xí nghiệp Tài nguyên và Môi trường 7 đo vẽ năm 2012, được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 24/5/2012); quá trình đo vẽ bản đồ địa chính các hộ đã kí xác nhận trên bản mô tả ranh giới sử dụng đất trước khi thực hiện”.
Ranh giới đất rừng giáp ông Nghiêm và những cây cao su của Công ty Cao su được trồng năm 2009, đang phát triển xanh tốt trên đất của Tổ kinh tế Truông Giữa |
Ông Thành lí giải: “Liên quan đến việc đòi xác định mốc ranh giới đất rừng Tổ kinh tế Truông Giữa, các hộ đã có đơn khiếu nại đòi đất và đã được các sở, ngành, địa phương, đơn vị kiểm tra, tham mưu xử lí và có nhiều văn bản trả lời, khẳng định việc yêu cầu giải quyết của các hộ dân là không có căn cứ!?”.
Ông Kiệm nói rằng: “Đất rừng Tổ kinh tế Truông Giữa có ranh giới liền kề với nhà ở, đất ở, đất vườn, đất rừng của hộ gia đình: ông Thiều, ông Phong, ông Hòa, ông Thuận, ông Nghiêm. Ranh giới này không được thể hiện trên bản đồ tỉ lệ 1/2000; 1/5000 được Sở Tài nguyên và Môi trường trưng lên trong các cuộc đối thoại, mà được thể hiện rõ trên tờ bản đồ do ông Dương Hồng Thái, chuyên vên Phòng Đăng kí thống kê cho chúng tôi xem. Hiện bản đồ này đang được Sở Tài nguyên và Môi trường cất giữ như là tài liệu mật”.
Ngày 12/10/2019, ông Kiệm làm đơn khiếu nại Văn bản số 3028/STNMT-TK.ĐĐ, lại được Chủ tịch UBND tỉnh có Văn bản số 1242/UBND-TCD, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh và các đơn vị liên quan mời công dân đến để đối thoại, giải thích, trả lời cho công dân rõ và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/4/2020.
Ông Nguyễn Xuân Hán, nguyên cán bộ địa chính xã Thượng Lộc (ảnh trên); ông Trần Đình Việt, nguyên Phó Hạt kiểm lâm, nay là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Can Lộc, phát biểu thừa nhận đất rừng Tổ kinh tế được giao về địa phương quản lí đúng ranh giới được giao năm 1995 |
Ngày 20/8/2020, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có Giấy mời các thành viên liên quan và các hộ dân sử dụng đất, cùng thực địa ranh giới đất rừng theo Biên bản giao đất hiện trường ngày 22/2/1995. Thế nhưng, ông Thành không tổ chức thực địa, mà họp mặt tại Hội trường của Nông trường cao su Can Lộc. Tại đây, đại diện các cơ quan liên quan, Công ty Cao su Hà Tĩnh, Nguyên Chủ tịch, nguyên Cán bộ địa chính xã Thượng Lộc, nguyên Hạt Phó Hạt Kiểm lâm… đều được ông Thành chỉ định phát biểu đều khẳng định, đất rừng Tổ kinh tế Truông Giữa được giao tại Biên bản giao đất hiện trường năm 1995, đã được giao về cho địa phương quản lí theo nguyên trạng, đúng ranh giới theo Biên bản giao đất hiện trường năm 1995.
Ông Thành nói rằng: “Người sử dụng đất chỉ được đòi đối với phần diện tích chưa được cấp sổ đỏ cho người khác”, tức là không được đòi phần diện tích Công ty Cao su đã lấn chiếm và đã được cấp sổ đỏ. Ông Thành còn coi Nghị định số 01-CP ngày 4/1/1995 và Nghị định số 02-CP ngày 15/1/1994 là như nhau!? Ông Kiệm lập luận: “Đất của chúng tôi được giao để sử dụng lâu dài vào mục đích sản xuất lâm nghiệp, theo Nghị định số 02 của Chính phủ từ năm 1995, các hộ đã trồng cây dó trầm và keo, tại sao chính quyền và các cơ quan liên quan lại lại câu kết với Công ty Cao su, chặt cây do dân trồng để bán lấy tiền và trồng cây cao su? Công ty đoạt đất của dân thì được cấp sổ đỏ, dân tìm cách chống lại thì bị tù. Việc xác định ranh giới khi bàn giao đất về địa phương quản lí, đều do Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các cơ quan liên quan, Công ty Cao su và địa phương tự làm, không có người sử dụng đất tham gia. Vi phạm pháp luật chỗ nào, chẳng lẽ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường không biết?”.
Ồng Phan Kiệm tranh luận với ông Thành tại buổi làm việc tại Nông trường Cao su Can Lộc |
Ông Thành cho rằng: “Tổ kinh tế Truông Giữa không liên quan đến việc trực tiếp thu hồi đất của Nhà nước, nên khi xác đinh ranh giới để bàn giao, cơ quan chủ trì không mời người sử dụng đất là đúng. Khẳng định luôn, phần diện tích trong ranh giới đất rừng Tổ kinh tế Truông Giữa, đã bị UBND tỉnh thu hồi theo Quyết định số 2354 năm 2008. Kiểm tra ranh giới hay không, vẫn khẳng định việc này... Việc đề xuất xác định lại ranh giới, tỉnh đã giao cho lãnh đạo huyện Can Lộc làm, khẳng định lại toàn bộ diện tích đất nằm trong ranh giới đó đã bị thu hồi theo Quyết định số 2354. Bởi vậy, bác Kiệm kiến nghị xác định lại ranh giới đã được UBND tỉnh giải quyết…”.
Ông Toàn, Giám đốc Công ty Cao su Hà tĩnh cho biết: “Để giải quyết đất đai liên quan đến Tổ kinh tế Truông Giữa, phải có một cơ quan chức năng có thẩm quyền, hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, để Công ty và các cơ quan liên quan ngồi lại với nhau làm rõ. Nếu cây cao su của Công ty trồng trên đất dân, chúng tôi sẽ trả lại đất”.
Ông Phan Kiệm miêu tả nhát dao còn để lại trên cây cao su cuối cùng trong số 64 cây, do 4 người chặt nhằm tạo hiện trường cho cơ quan chức năng về giải quyết |
Nỗi oan sai do nhận thức pháp luật. khiến các ông Kiệm, Lục, Vinh và bà Lai vướng vào lao lí. Nguyên nhân khách quan có thể nói, một phần do việc làm tắc trách của một số cán bộ, đảng viên được UBND tỉnh giao chỉ đạo thực hiện Quyết định số 2354. Nay một số đã “hạ cánh an toàn”, nhưng người dân vẫn bị mất đất và tài sản. Nỗi đau tinh thần vẫn chưa nguôi, lẽ nào UBND tỉnh Hà Tĩnh không giải quyết dứt điểm?
Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh xác minh, làm rõ ranh giới đất rừng của Tổ Kinh tế Truông Giữa, để giao cho hộ dân theo tinh thần Quyết định số 2354 ngày 21/8/2008 của UBND tỉnh; làm rõ hành vi cố ý làm trái của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, xử lí nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Bị tước đoạt đất rừng, còn vướng vào lao lí (Kì 1) Thực hiện chủ trương thu hồi đất sử dụng không hiệu quả trả về địa phương quản lí, để cấp Giấy chứng nhận quyền sử ... |
Bị tước đoạt đất rừng, còn vướng vào lao lí (Kì 2) Bị Công ty Cao su chiếm đoạt đất, chặt cây còn dính vòng lao lí, ông Phan Kiệm và những người trong Tổ kinh tế ... |
Bị tước đoạt đất rừng, còn vướng vào lao lí (Kì 3) Sau hàng loạt văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các đơn vị có liên quan không ... |