Bị đơn kiến nghị TAND Tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 29/05/2024 14:34
Nội dung vụ án
Theo trình bày của bà Phạm Thị Hà (nguyên đơn) và ông Phan Công Nho (người được uỷ quyền): Năm 1993, gia đình bà Hà có nhu cầu tìm đất trống thuộc xã Kiến Đức (cũ), huyện Đắk R’lấp để khai hoang trồng trọt, cải thiện đời sống. Gia đình bà Hà đã tìm được khu đất trống thuộc thôn 1, xã Kiến Đức (cũ) do Lâm trường Hồng An quản lí. Năm 1995, gia đình đã làm đơn xin đất gửi Lâm trường Hồng An và UBND xã Kiến Đức (cũ) được mượn khu đất này để quản lí, sử dụng.
Ngày 26/2/1998, gia đình bà Hà được UBND huyện Đắk R’lấp cấp Giấy xác nhận QSDĐ số: 94/XN-SDĐ với 41.846m2 bao gồm 3 thửa. Năm 1998, gia đình được UBND huyện Đắk R’lấp cấp GCNQSDĐ số M 822806; đứng tên hộ bà Phạm Thị Hà.
Đầu năm 1998, gia đình bà Hà thuê xe san ủi bao quanh ranh giới và cải tạo thì vợ chồng ông Kiến, bà Lành có tới tranh chấp. Từ năm 1998 - 2012, hai bên xảy ra tranh chấp dẫn tới việc canh tác, sản xuất không ổn định. UBND xã Kiến Thành yêu cầu hai bên giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, gia đình ông Kiến, bà Lành tiếp tục trồng cây trên diện tích đất bà Hà được cấp GCNQSDĐ.
Trang 1, Bản án phúc thẩm số: 424/2023/DS-PT ngày 30/6/2023 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. |
Theo ông Đặng Như Kiến và bà Nguyễn Thị Lành (bị đơn): Nguồn gốc đất hiện tại gia đình ông Kiến, bà Lành đang sử dụng là đất khai hoang năm 1993. Diện tích đất này nằm liền kề với diện tích đất hiện nay đang tranh chấp với ông Nho, bà Hà. Thửa đất số 93, tờ bản đồ số 21, diện tích 10.071m2 (thực tế là thửa 136, tờ bản đồ 50) do gia đình ông Kiến khai hoang, khi khai hoang không có tranh chấp. Đầu tháng 1 - 2/1998, gia đình ông tiếp tục khai hoang thì ông Nho đến tranh chấp, cản trở. Nguồn gốc đất trên là của Lâm trường Hồng An, cuối năm 1997, gia đình ông phát dọn cây rừng. Ông Nho thời điểm đó công tác tại Công an huyện Đắk R’lấp tới yêu cầu gia đình không được phát dọn để làm môi sinh, môi trường. Sau đó, ông Nho có đưa ông Đoàn Ngọc Nhi, công tác tại Hạt Kiểm lâm; ông Phạm Sơn, công tác tại Công an huyện Đắk R’lấp đến lập biên bản và bản cam kết giao toàn bộ đất đã phát 0,3ha và diện tích đất rừng còn lại chiều ngang 10m, chiều dài đường be 200m cho gia đình ông Kiến quản lí và cam kết không tiếp tục lấn chiếm đất rừng.
Năm 2009, gia đình ông Kiến có trồng 100 cây cao su. Năm 2012, gia đình trồng thêm 300 cây cao su, hiện số cây cao su trên đã cho thu hoạch.
Năm 2012, gia đình ông Kiến biết ông Nho được cấp Giấy GCNQSDĐ, nên đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết. Năm 2019, gia đình ông Kiến khởi kiện ra TAND tỉnh Đắk Nông, nhưng rút đơn vì lí do văn bản của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk R’lấp và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông không trả lời, hồ sơ cấp GCNQSDĐ của bà Hà không nằm trong hồ sơ lưu trữ và thửa 93 không nằm trong tờ bản đồ 21.
Bản án sơ thẩm số: 18/2022/DS-ST ngày 8/9/2022 và ngày 30/9/2022 của TAND tỉnh Đắk Nông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Phạm Thị Hà.
Bản án phúc thẩm số: 424/2023/DS-PT ngày 30/6/2023 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh quyết định: Buộc ông Đặng Như Kiến và bà Nguyễn Thị Lành phải trả lại diện tích 10.071m2 thuộc thửa 93, tờ bản đồ 21 (theo đo đạc năm 1995) (nay là thửa số 136, tờ bản đồ số 50, diện tích đo đạc thực tế là 9.636,6m2) tại thôn 1, xã Kiến Thành theo GCNQSDĐ M 822806 do UBND huyện Đắk R’lấp cấp cho bà Phạm Thị Hà năm 1998.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Hà yêu cầu ông Đặng Như Kiến và bà Nguyễn Thị Lành phải di dời vô điều kiện số cây cao su và tài sản khác trên phần đất của gia đình bà Hà, để trả lại nguyên hiện trạng đất như ban đầu.
Buộc bà Phạm Thị Hà bồi thường cho vợ chồng ông Đặng Như Kiến giá trị cây trồng trên đất là 110.101.110 đồng. Sau khi bồi thường xong, gia đình bà Hà được quyền định đoạt số cây trồng này.
Không chấp nhận phản tố của ông Đặng Như Kiến và bà Nguyễn Thị Lành về việc hủy GCNQSDĐ M822806 do UBND huyện Đắk R’lấp cấp cho bà Phạm Thị Hà năm 1998.
Quan điểm của luật sư
Nhận định về vụ án trên, luật sư Vũ Quang Bá, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Theo hồ sơ vụ án, ngày 26/2/1998, gia đình bà Phạm Thị Hà được UBND huyện Đắk R’lấp cấp GCNQSDĐ số 94/XN-SDĐ với diện tích 41.846m2. Ngày 18/7/1998, UBND huyện Đắk R’lấp cấp cho hộ bà Phạm Thị Hà GCNQSDĐ số M 822806 đối với thửa số 93, tờ bản đồ số 21 có diện tích 10.071m2. Đến khoảng tháng 2/1998, khi gia đình bà Hà thuê xe san ủi thì phát sinh tranh chấp với vợ chồng ông Kiến, bà Lành.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định số 30-HĐBT ngày 23/3/1989, việc UBND xã Kiến Đức cũng như Lâm trường Hồng An xác nhận cho phía nguyên đơn là trái thẩm quyền và không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Do đó, về nguồn gốc đất theo như lời khai của phía nguyên đơn là không có căn cứ cũng như các tài liệu nguyên đơn đưa ra không bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Về phía ông Kiến, bà Lành (bị đơn) cho rằng, thửa đất tranh chấp được gia đình khai hoang vào khoảng cuối năm 1997. Lời khai của bị đơn phù hợp với lời khai của nhiều người làm chứng về việc khai hoang.
Trong khi đó lời khai nguyên đơn về quá trình sử dụng đất không phù hợp với kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 18/1/2022 của TAND tỉnh Đắk Nông. Trong quá trình giải quyết vụ án, phía nguyên đơn cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho việc nguyên đơn là người trực tiếp quản lí, sử dụng và canh tác trên diện tích đất đang tranh chấp. Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ. Việc bà Hà, ông Nho không đưa ra được các căn cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện sẽ không có cơ sở để được chấp nhận khởi kiện.
Việc nguyên đơn căn cứ vào GCNQSDĐ số M 822806 do UBND huyện Đắk R’lấp cấp ngày 18/7/1998. Tuy nhiên, cấp GCNQSDĐ nêu trên không bảo đảm thực hiện đúng theo quy định pháp luật khi đất đang có tranh chấp (các đương sự đều thừa nhận). Cùng với đó, việc cấp GCNQSDĐ cho nguyên đơn là không đúng đối tượng được giao đất, cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp (bà Hà và ông Nho là cán bộ công chức huyện) theo quy định tại Khoản 4, Điều 7; Điều 8 Nghị định số: 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính Phủ.
Bên cạnh đó, nội dung diễn biến vụ án tương tự giống nội dung án lệ số 33/2020/AL về trường hợp cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lí, sử dụng ổn định, lâu dài được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 5/2/2020.
Bản án sơ thẩm số: 18/2022/DS-ST của TAND tỉnh Đắk Nông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đúng quy định pháp luật, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Được biết, gia đình ông Đặng Như Kiến có đơn kiến nghị TAND Tối cao xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.