Bác Hồ Người khởi nguồn xã hội hóa giáo dục
Nghiên cứu - Trao đổi 15/11/2023 14:36
Những ai đã sống trong ngày ấy hẳn còn giữ được những ấn tượng khó quên về quang cảnh cả đất nước cắp sách đi học. Cứ sau bữa cơm tối, cả gia đình kéo nhau đến lớp học. Mẹ, con châu đầu vào sách vở, cùng ê a, cùng líu lo với những bài học "nhập môn" đầy sinh động và sinh khí. “O tròn như quả trứng gà, Ô thời đội mũ, Ơ là thêm râu. 1 tờ có móc cả hai, i ngắn có chấm, T dài có ngang”.
Bác Hồ thăm lớp học Bình dân học vụ. |
Không kể tuổi tác, nam nữ, cùng xuất phát từ trình độ tối tăm, mù chữ, cùng "nghiên cứu" một "giáo trình" quốc văn giáo khoa thơ với ham muốn xóa tan dấu vết của một thời nô lệ, ngu dân kiếp truyền kiếp mù chữ, đói cơm. Một xã hội lấy giáo dục làm quốc sách duy tân.
Ông Trần Duy Hưng kể, sau khi mở chiến dịch chống nạn mù chữ được ba, bốn tháng. Bác Hồ triệu ông đến Phủ Chủ tịch nói: "Này, chú Hưng này. Chú chính là người gốc Hà Nội. Nói khác đi, chú là "thổ công" của Hà Nội, chú dẫn Bác đi coi một lớp học xóa nạn mù chữ ban đêm. Được chứ?". Bác Hồ và ông Trần Duy Hưng đã đến thăm một lớp học đêm tại chùa Đồng Quang (chùa Am). Chùa Đồng Quang lúc đó vẫn cho Hội Truyền bá quốc ngữ, tên gọi là "Khai trí tiến đức" mượn, nay chuyển cho tổ chức Bình dân học vụ Thái Hà ấp quản lí). Thấy Bác Hồ đến đột ngột, cả lớp vỗ tay như pháo ran. Một cụ bà tóc bạc phơ là lớp trưởng thấy Bác Hồ, cảm động quá nói không ra lời, ấp úng mãi:
- Kính thưa già Hồ, tôi sống không còn bao năm, sắp kề miệng lỗ. Nay nhờ già Hồ, nhờ Cách mạng tháng Tám giải phóng con người... Nghe lời Cụ, tôi và đứa cháu nội mười tuổi đây (cụ chỉ vào đứa bé ngồi cạnh) đi học chữ quốc ngữ, nay bà cháu tôi đã đọc thạo, viết chữ rõ ràng thôi, chứ còn nguệch ngoạc xấu như gà bới…
Bác Hồ rút bài thơ để sẵn đưa cho bà cụ. Bà cụ nhấn giọng: Quốc ngữ là chữ nước ta/ Ai ai cũng học trẻ già chớ quên/ Có học mới làm được nên/ Xây dựng văn hóa, vững bền non sông.
Bác Hồ khen, làm bà cụ đứng ngẩn ngơ trước lớp. Bác bảo, chú đưa cho bà cụ đọc thêm hai câu nữa: Cách mạng tháng Tám tự do/ Dân ta độc lập, nhớ cho điều này.
Vì hai câu sau ngắn, dễ nhớ cả lớp đứng dậy vỗ tay nhịp nhàng rồi đọc lại.
Thấm thía lời dạy của Bác Hồ: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", từ thành thị đến nông thôn, Nhà nước thành lập Nha Bình dân học vụ (BDHV) nằm trong Bộ Giáo dục để lãnh đạo công việc dạy chữ - tân quốc văn cho toàn dân. Tổ chức BDHV có "chân rết" tới các làng, xã. Nha BDHV trung ương biên soạn các giáo trình quốc ngữ bằng phương pháp ca dao hóa kiến thức vừa dễ truyền thụ vừa dễ học, dễ nhập tâm. BDHV khuyến khích tinh thần tự học. Ngoài ra có thêm các hội "khuyến học, khuyến tài" để thu hút mọi tiềm năng trong Nhân dân.
Xã hội xuất hiện nhiều sáng kiến khuyến học. Những nơi đông người như chợ búa, hội hè, người ta dựng lên các cổng chào giống như "khải hoàn môn”. Cổng chào có ba lối, lối giữa to rộng, tết hoa lá rực rỡ, đẹp, bên trên có dòng chữ "lối đi dành cho khách bộ hành biết chữ quốc ngữ". Hai lối hẹp ở hai bên, không trang hoàng lộng lẫy, bên trên có dòng chữ "lối dành cho kẻ mù chữ đi". Mỗi phiên chợ có một ban giám khảo chặn đứng ở các lối đi để "hỏi thi". Các câu hỏi nhỏ, ví dụ "ngày Quốc khánh Việt Nam Dân chủ Công hòa vào bao giờ? Tất cả các thí sinh đều có quyền bình đẳng, đi vào chợ phiên, song được đi lối giữa của "khải hoàn môn" vinh quang nếu đọc được câu hỏi. Ngược lại, phải đi qua các lối hẹp hai bên dành cho người "tối dạ".
Rất nhiều địa phương, cá nhân có thành tích xóa nạn mù chữ được bằng khen của Hồ Chủ tịch, trong đó có tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An,…
Thiết nghĩ, bài học về xã hội hóa giáo dục thành công ngay buổi đầu khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ còn có ích cho đến ngày nay.