Hơn 30 năm dạy chữ cho dân nghèo ở đầm phá Tam Giang
Giáo dục 22/10/2021 10:05
Kể về lớp học đặc biệt của mình, ông Hòa cho biết, sau trận đại hồng thủy năm 1999, hàng trăm hộ dân vạn đò ở xã Phú An lên bờ định cư. Rời cuộc sống sông nước, lên bờ mưu sinh họ gặp muôn vàn khó khăn. Nhìn lũ trẻ trong khu định cư chẳng đứa nào được đến trường, ông quyết định mở lớp dạy chữ miễn phí ngay trong nhà mình. "Tôi mong trẻ em ở vùng này biết chữ để khi lớn lên chúng có thể đi học nghề để thoát nghèo. Không có chữ, tụi nhỏ chỉ biết theo cha mẹ đi thả lưới mà thôi", ông Hòa trăn trở.
Lớp đầu tiên của "thầy Hòa" được khai giảng vào một ngày đầu năm 1990, sau khi xin được ít bộ bàn ghế cũ, bảng viết và sách giáo khoa cũ. Ban đầu chỉ vài em, hầu hết là con cháu trong nhà. Sau một năm, nhiều trẻ trong làng đến xin học, thậm chí người ở xã khác nghe tiếng "thầy Hòa", cũng chèo đò đưa con đến lớp.
Ông Trần Văn Hòa và lớp học cho người lớn tuổi |
Vì là lớp học xóa mù nên ông Hòa chỉ chú trọng dạy môn Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 4, để các em biết đọc thông, viết thạo. Sau đó, em nào có nguyện vọng học tiếp sẽ được "thầy Hòa" giới thiệu ra điểm trường ở trên huyện. Tuy là lớp học tình thương, nhưng ông Hòa cũng kiểm tra, chấm điểm và có phần thưởng cho những em đạt điểm cao.
Ngày mở lớp xóa mù có lẽ ông Hòa cũng không dám nghĩ, nay đã có 10 học trò của mình học tới đại học. Như em Trần Văn Muống, cử nhân ngành công nghệ sinh học, Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Lúc đầu, ông chỉ nhận trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để dạy học. Nhưng sau này, ông thấy hầu hết cư dân những làng chài ven phá Tam Giang không biết chữ, chỉ có thể “lăn tay” (điểm chỉ) mỗi khi cần xác nhận pháp nhân trên các loại giấy tờ. Vì thế ông vận động những người lớn tuổi, đặc biệt là chị em phụ nữ đến học. Lớp học đầu tiên đã xóa mù chữ cho 20 người lớn tuổi.
Lịch trình quen thuộc của ông Hòa là buổi sáng dạy chữ cho các em nhỏ, buổi chiều đi chăm hồ tôm và tranh thủ soạn bài để kịp lên lớp buổi tối.
Hiện lớp học cho 16 học viên lớn tuổi vẫn được duy trì. Hầu hết là những người đã ngoài 40 tuổi, làm đủ nghề từ thả lưới, làm ruộng, buôn bán nên việc đến lớp không được đều đặn, bữa đi đầy đủ, bữa bận việc nhà lại xin nghỉ. "Mùa Đông, trời lạnh cắt da, vì lớp chỉ có hai chị em nên tôi gọi bác Hòa đừng đến nữa, nhưng bác ấy nói: Chị em có quyền nghỉ, nhưng tôi đã nhận dạy thì dù lớp có một người tôi vẫn dạy", bà Huỳnh Thị Bảy, một học viên đã lên chức bà ngoại cho biết.
Chị Nguyễn Thị Mùi, một học sinh tại lớp học tình thương, chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 6 người con, nhưng có khó khăn mấy tôi cũng cho chúng nó học tới nơi tới chốn”.
Hơn 30 năm dạy học và không nhận một đồng tiền trợ cấp, nhưng khi được hỏi, ông Hoà vui vẻ đáp rằng: “Năm nay tôi 62 tuổi rồi. Trong thâm tâm tôi tự hứa, còn sức khỏe tôi tiếp tục làm. Con người hạnh phúc nhất là làm được một điều chi đó tốt đẹp cho mọi người”