200 năm, một dòng kênh
Du lịch 29/09/2024 07:52
Sau khi kênh Thoại Hà ra đời, vua Gia Long thấy rằng đã tới lúc thích hợp để tiến hành khơi đào tuyến thủy lộ kết nối Châu Đốc với Hà Tiên. Người được vua Gia Long giao phó trọng trách là quan Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu). Nhận thấy tính chất quan trọng của việc đào kênh, vua Gia Long dụ cho dân chúng: “Việc đào sông (kênh Vĩnh Tế) là công trình to lớn…” và “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời”.
Nơi đầu nguồn kênh Vĩnh Tế |
Đầu năm 1819, triều Nguyễn xuống dụ cho Mạc Công Du xem xét, đo đạc từ Hà Tiên đến sông Châu Đốc rồi vẽ bản đồ dâng lên. Cuối năm 1819, vua Gia Long lệnh cho đào kênh từ Châu Đốc đến Hà Tiên, lấy tên là kênh Vĩnh Tế. Với trình độ kỹ thuật khá thô sơ và nguồn lực còn hạn chế, nhưng với quyết tâm về một dòng kênh trấn thủ biên cương, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia, ông cha ta đã hoàn thành trong 5 năm trời ròng rã, lực lượng được chiêu mộ lên đến 80.000 người. Kênh Vĩnh Tế hoàn thành đánh dấu thời kỳ phát triển mới, trù phú, thanh bình và thịnh vượng cho vùng đất này.
200 năm trước, với tầm nhìn chiến lược, triều Nguyễn đã mở đường cho phương cách giữ nước, an dân đặc biệt trên vùng biên viễn, đó là đào tuyến kênh để có thể vừa phát triển sản xuất, giao thương, cũng vừa bảo vệ tuyến biên giới, xác lập chủ quyền bờ cõi. Đây là món quà vô giá mà cha ông đã để lại cho con cháu hậu thế. 200 năm sau, kênh Vĩnh Tế được ghi nhận là công trình thủy lợi quan trọng trong việc khẩn hoang cả vùng Tứ giác Long Xuyên làm nên vựa lúa lớn nhất vùng ĐBSCL. Ngày nay, đôi bờ Vĩnh Tế đã khoác lên màu áo xanh của những cánh đồng được tưới mát, đâm chồi nảy lộc của hoa trái và sự sống; đó còn là sự trù phú của vùng đất nhiều cá tôm; thuyền ghe dọc ngang xuôi dòng, xóm làng đông đúc nối nhau mọc lên báo hiệu sức sống trường tồn hòa theo dòng chảy của con nước, tương xứng với sức sống vốn có của nó.
Hoạt động giao thương diễn ra tấp nập trên kênh Vĩnh Tế |
200 năm kênh hoàn thành Vĩnh Tế, An Giang đã và sẽ tổ chức nhiều hoạt động quan trọng kỷ niệm về sự kiện này, như: Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Kênh Vĩnh Tế qua 200 năm lịch sử (1824 - 2024)” và tưởng niệm 198 năm Ngày mất bà Châu Thị Tế; lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế… Trước đó, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phát hành bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024)” góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy hơn nữa giá trị lịch sử, trí tuệ, sức lao động sáng tạo của cha ông.
Những sự kiện được tổ chức không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau chung sức xây dựng, phát triển đất nước; mà còn tưởng nhớ, khắc ghi công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu cùng Nhân dân địa phương trong công cuộc xây dựng kênh Vĩnh Tế. Qua đó, góp phần quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của kênh Vĩnh Tế đến với du khách trong và ngoài nước, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển địa phương.
Kênh Vĩnh Tế trải dài qua TP Châu Đốc, thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn |
Dòng kênh mãi mãi là chứng nhân lịch sử của vùng biên viễn Tây Nam của Tổ quốc. Đường biên thủy như dòng chảy cương thổ ngàn đời phân định biên giới quốc gia, duy trì sự ổn định lâu dài bằng sức vóc con người. Người dân hậu thế mãi tạc dạ ghi công bậc tiền nhân.