Tỉnh Bình Định: 38 khu vực có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão năm 2024
Tin tức 28/09/2024 13:16
Cầu Định Bình, huyện Vĩnh Thạnh cấm xe ô tô lưu thông qua cầu |
Ngày 20/9/2024, UBND huyện Vĩnh Thạnh thông báo tạm thời cấm xe ô tô lưu thông qua cầu Định Bình, vì một số trụ cầu Định Bình ở giữa có hiện tượng xói chân, trống mố, có nguy cơ sập cầu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Lê Minh Thông, cho biết: Cầu Định Bình có hiện tượng rung lắc khi các xe ô tô có tải trọng lớn lưu thông qua cầu. Hơn nữa cầu Bình Định được xây dựng từ năm 1995 có chiều dài 180m, gồm 15 nhịp, mỗi nhịp 12m, kết cấu móng, trụ, dầm bê tông cốt thép sau 30 năm sử dụng chưa được kiểm định lần nào và đã có hiện tượng hư hỏng xuống cấp.
UBND huyện Vĩnh Thạnh giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với UBND xã Vĩnh Thịnh và thị trấn Vĩnh Thạnh lắp đặt 2 thanh chắn barie hai đầu cầu, cấm tất cả các loại xe ô tô di chuyển trên cầu Định Định; đồng thời lắp 2 biển chỉ dẫn xe ô tô qua sông Kôn theo hướng cầu Vĩnh Hiệp, còn người dân sử dụng xe mô tô, xe máy, đi bộ vẫn di chuyển bình thường. Cùng đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Thạnh tạm dừng việc thi công sửa chữa cầu Định Bình đến khi UBND huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với ngành chức năng kiểm tra chất lượng và đề xuất phương án xử lý cho phù hợp với hiện trạng.
Ngoài cầu Định Bình tại huyện Vĩnh Thạnh có nguy sơ sập cầu, thì mùa mưa bão năm 2024, tỉnh Bình Định thống kê có 38 khu vực nguy cơ sạt lở ở ba mức độ khác nhau và UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 3037, ngày 26/8/2024 phê duyệt Phương án ứng phó thiên tai tỉnh Bình Định năm 2024.
Cụ thể là có 15 khu vực nguy cơ sạt lở cao, bao gồm: Huyện Hoài Ân có 4 khu vực: khu vực thôn Bình Hòa Bắc, xã Ân Hảo Đông; khu vực thôn Đồng Nhà Mười, xã Ân Sơn; khu vực điểm cao 182, thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa; khu vực điểm cao 318, thôn Nhơn Sơn, xã Ân Nghĩa. Huyện An Lão có 3 khu vực: khu vực núi Đá, thôn Trà Cong, xã An Hòa; khu vực núi Đá Chồng, thôn Vạn Long, xã An Hòa; khu vực thôn 2 (làng cũ) xã An Toàn. Huyện Vĩnh Thạnh có 2 khu vực: khu vực thôn 03, xã Vĩnh Kim; khu vực điểm cao 130, thôn Đắk Tra, xã Vĩnh Kim.
Thành phố Quy Nhơn có 2 khu vực: khu vực núi Một, khu phố 1, phường Đống Đa; khu vực hóc Bà Bếp, tổ 27, khu phố 5, phường Đống Đa. Huyện Phù Cát có 4 khu vực: khu vực núi Gành, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh; khu vực núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành; khu vực vùng núi Đèo Chánh Oai xã Cát Hải; khu vực Đèo Tân Thanh xã Cát Hải.
Các khu vực trên có độ dốc lớn, bề mặt nền đất phần lớn là đá tảng, đá mồ côi; nền đất yếu, thiếu ổn định, một số khu vực đã xảy ra hiện tượng rạn nứt, sụt lún và di chuyển của nền đất ảnh hưởng lớn đến các hộ dân định cư, sinh sống dưới chân núi. Bên cạnh đó, bề mặt nền đất có sự thay đổi kết cấu do tác động từ hoạt động khai thác, sản xuất của Nhân dân, phần lớn diện tích trồng cây công nghiệp (keo lai), diện tích còn lại là rừng ngoài sản xuất (cơ bản là cây nhỏ, thưa, chủ yếu thân dây leo); một số khu vực nhân dân tự ý san ủi, múc đất để mở rộng phạm vi sinh sống, xây dựng nhà trái phép trên nền đất đã tác động kết cấu địa lý của địa hình.
16 khu vực nguy cơ sạt lở thấp bao gồm: Thành phố Quy Nhơn có 4 khu vực: khu vực tổ 1 và tổ 7, thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý; khu vực gành Hải Bắc, thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải; khu vực tổ 50, khu phố 6; tổ 61, khu phố 7, phường Quang Trung; khu vực tổ 15B, khu phố 3, phường Ghềnh Ráng. Huyện An Lão có 3 khu vực: khu vực trụ sở thôn Thuận Hòa đến núi Đầu Voi, xã An Tân; khu vực núi Hòn Mây, thôn 5, xã An Vinh; khu vực núi Hòn Chiêng 1, thôn 5, xã An Nghĩa.
Huyện Vĩnh Thạnh có 3 khu vực: khu vực thôn 05, xã Vĩnh Kim; khu vực thôn Suối Cát, xã Vĩnh Sơn; khu vực thôn M3, xã Vĩnh Thịnh. Huyện Hoài Ân có một khu vực núi Chợ, thị trấn Tăng Bạt Hổ. Thị xã Hoài Nhơn có một khu vực núi Nhiệm, thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn. Huyện Phù Mỹ có một khu vực núi Đầu Voi, thôn Hòa Nghĩa, xã Mỹ Hiệp. Thị xã An Nhơn có một khu vực núi Ông Dài, Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân. Huyện Tuy Phước có một khu vực xóm 4, thôn Cảnh An, xã Phước Thành. Huyện Tây Sơn có một khu vực điểm cao 85, thôn Hòa Son, xã Bình Tường.
Nền địa chất các khu vực trên cơ bản ổn định, chưa có hiện tượng rạn nứt, biến dạng; bề mặt nền đất ở một số khu vực thay đổi về kết cấu do hoạt động sản xuất và khai thác đá của Nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, các khu vực trên tính chất nguy hiểm không cao, nếu xảy ra sạt lở chỉ ở mức độ nhỏ, cục bộ, khả năng ảnh hưởng đến Nhân dân thấp, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ khi có diễn biến xấu, cực đoan của thời tiết.
Cùng đó là 7 khu vực sạt lở gây chia cắt giao thông bao gồm: Huyện An Lão có 3 khu vực: đường giao thông mới từ xã An Trung đi xã An Vinh; đường giao thông từ xã An Quang đi xã An Toàn; đường giao thông từ ngã ba Ghế (ngã ba đường đi xã An Toàn và xã An Nghĩa) đến thôn 3, xã An Nghĩa. Huyện Vĩnh Thạnh có 2 khu vực: đường giao thông ĐH33 từ đập hồ Định Bình đến xã Vĩnh Sơn; đường giao thông từ ngã 3 đèo Vĩnh Sơn đến thôn Đăk Tra, O5, O3, O2, Kon Trú, xã Vĩnh Kim. Huyện Vân Canh có 2 khu vực là đường giao thông từ Ngã ba Cà Te đi các thôn Cà Nâu, Cà Bưng, Cà Bông, xã Canh Liên; đường giao thông từ làng Canh Giao, xã Canh Hiệp đến thôn Đa Lộc, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Các khu vực trên cơ bản là đường giao thông độc đạo đến địa bàn các thôn, xã vùng sâu của huyện; ta luy dương là các sườn núi có độ dốc lớn, ta luy âm phần lớn là vực sâu; dọc hai bên đường là nương rẫy, rừng trồng cây lâm nghiệp (keo lai) và rừng tự nhiên; có nhiều khe suối cạn từ đỉnh núi xuống mặt đường. Do nhiều yếu tố tác động, nên bề mặt nền đất các khu vực trên có độ liên kết không cao, đất đá thường theo khe suối đổ xuống đường giao thông khi có mưa, lũ. Tiền lệ các khu vực trên đã xảy ra sạt lở ở nhiều điểm, gây chia cắt giao thông, cô lập một số thôn, xã trên địa bàn.
Chỉ dẫn xe ô tô qua sông Kôn theo hướng cầu Vĩnh Hiệp |
|
|