Vụ án “chuyến bay giải cứu”: Những kẻ táng tận lương tâm phải chịu hình phạt cao nhất
Nghiên cứu - Trao đổi 20/07/2023 10:49
1. Trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra trên thế giới và trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài có nguyện vọng được bảo hộ trở về an toàn, thoát khỏi “cơn ác mộng” đe dọa tính mạng. Đáp lại mong muốn đó, Nhà nước ta chủ trương tổ chức các “chuyến bay giải cứu”. Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến đưa hơn 200.000 người từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay (400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo (*)). Một số tỉnh, thành phố và Quân đội được cấp phép đón công dân về nước tổ chức cách li, thu các loại dịch vụ. Hầu hết các chuyến bay đều do doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm xin cấp phép theo trình tự thủ tục, lập danh sách công dân, thu các loại phí, thuê hãng hàng không, bán vé máy bay, đưa đón, tổ chức cách li…
Trong lịch sử kinh doanh vận tải, nhất là dịch vụ hàng không - du lịch chưa bao giờ vé máy bay có giá cao “phi mã” như thời kì đại dịch. Từ các nước châu Âu về giá 70 triệu đồng đến 150 triệu đồng/vé; bay từ Mỹ, Ca-na-đa về giá từ 160 triệu đồng đến 240 triều đồng/vé, cao gấp 7 đến 10 lần giá vé máy bay trước đại dịch.
2. Từ trước đến nay, hiếm thấy có vụ án nào nhiều quan chức Nhà nước “nhúng chàm” và trong một vụ án có nhiều tội danh, nhiều cơ quan Trung ương, địa phương, nhiều đại sứ quán, lãnh sự quán liên quan, vi phạm. Để được cấp phép tổ chức “chuyến bay giải cứu”, chuyến bay combo, doanh nghiệp phải “va đập”, chạy vạy, lo lót nhiều cửa, nhiều cơ quan hành pháp, trong khi nhu cầu công dân về nước cấp bách, “nước sôi lửa bỏng”. Đó là một quy trình đi từ Văn phòng Chính phủ (VPCP) đến các Bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Quốc phòng, Giao thông vận tải) và các tỉnh, thành phố. Ở mỗi Bộ, ngành, địa phương lại phải chầu chực nhiều cửa để gặp chuyên viên nọ, trưởng phòng kia, vụ trưởng nọ, cục trưởng kia, rồi phải qua các “ông thư kí”, “ông trợ lí” của người có quyền hạn, chức năng kí văn bản, rồi qua cửa Văn phòng, Văn thư đóng dấu... như “ma trận”. Theo các doanh nghiệp khai báo thì cửa nào, chỗ nào, ông (bà) nào cũng gây khó, nhũng nhiễu như nhau và bất cứ khâu nào cũng có sự “ngã giá”. Có doanh nghiệp như Công ty Thuận An 8 lần xin cấp phép đều bị làm khó, từ chối, đến lần thứ 9 “bôi trơn” ở các khâu mới “thông đồng bén giọt”, được cấp phép từ đó trở đi. Thư kí Phạm Trung Kiên (Bộ Y tế) từng giờ, từng ngày gọi điện cho doanh nghiệp thông báo “sếp kí rồi, mang tiền đến để được đóng dấu”. Bị cáo này có 253 lần nhận tiền “bôi trơn” (150 triệu đồng/lần)…
3. Các vụ án hình sự khác, thông thường chỉ có 1 đến 3 tội danh. Vụ án “chuyến bay giải cứu” có cả một sê-ri tội: “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Chạy án”... Trong 54 bị cáo thì 80% là cán bộ trung cao cấp, hàng chục cán bộ cấp cao, có những cán bộ cấp chiến lược. Họ được đào tạo cơ bản trong, ngoài nước, có trí tuệ và có nhiều thứ nhưng rút cục không có thứ cốt lõi là “đạo đức cách mạng”, bởi lòng tham đã tự bán rẻ nhân cách, phẩm chất, danh dự để rồi không còn liêm sỉ. Trả lời thẩm vấn, có những bị cáo là cán bộ cao cấp ráo hoảnh cho rằng, không nghĩ mình nhận hối lộ mà thông thường như vẫn nhận “quà” của doanh nghiệp các dịp lễ, Tết, sinh nhật. Cán bộ điều tra Hoàng Văn Hưng chối tội nhận hối lộ hàng trăm triệu USD trong cặp lại cho là mấy chai rượu…
Danh sách những kẻ “nhận hối lộ”, điển hình là Phạm Trung Kiên, Thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế với 253 lần nhận tiền: 42,6 tỉ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng phòng tham mưu Cục Quản lí Xuất nhập cảnh (QLXNC) Bộ Công an: 27,3 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (CLS) thuộc Bộ Ngoại giao: 25 tỉ đồng; Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (13 lần): 21,5 tỉ đồng; Đỗ Hoàng Tùng, cục CLS: 12,2 tỉ đồng; Vũ Sỹ Cường, cán bộ Cục QLXNC Bộ Công an: 9,3 tỉ đồng; Trần Văn Dự, Cục phó Cục QLXNC Bộ Công an 7,6 tỉ đồng; Nguyễn Hồng Hà, cán bộ Lãnh sự quán tại Osaka (Nhật Bản): 2 tỉ đồng; Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: 2 tỉ đồng; Phó giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn và cựu trưởng phòng 5 cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an Hoàng Văn Hưng o ép Lê Hồng Sơn, Giám đốc và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh phải 4 lần đưa 2.600.000 USD để chạy án và 4 bị cáo “môi giới hối lộ” 74 tỉ đồng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản 24,5 tỉ đồng…
Trong tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, điển hình là Đại sứ tại Malaysia Trần Việt Thái và nhóm tham nhũng ở cơ quan này đã tổ chức 8/21 “chuyến bay giải cứu”, đưa 1.891 tù nhân về nước. Đây là những thuỷ thủ, người lao động vi phạm đánh bắt cá thuộc vùng biển nước bạn, người lao động trái phép, các cô gái làm nghề nhạy cảm bị bắt, bị giam giữ. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thu của mỗi người 20,5 triệu đồng; làm hộ chiếu phải nộp 5 triệu đồng. Những người ở đảo xa, vùng xa muốn về thủ đô Kuala Lampur để bay về nước phải nộp 35 - 45 triệu đồng. Toàn bộ chi phí cho các chuyến bay chỉ hết 33 tỉ đồng, trong khi thu được hơn 46 tỉ đồng. Số tiền dôi dư Trần Việt Thái và đồng bọn chia nhau, một phần giữ làm quỹ.
4. Đây là vụ án cực kì lớn, cực kì nghiêm trọng thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Vụ án mang tính điển hình “lợi ích nhóm”, được liên kết chặt chẽ với nhau như một “dàn đồng ca” móc ngoặc cả trong nước và nước ngoài, từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương, các lực lượng vũ trang, cả trong khu vực công lẫn khu vực tư nhân… bộc lộ trắng trợn, dã man, thói vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ, chia chác quyền lợi. Bọn chúng hoạt động có tổ chức chặt chẽ, đồng bộ, phối hợp nhanh chóng ở tất cả các khâu, các cấp, các ngành, tạo thành chuỗi kín kẽ để thực hiện hàng nghìn “chuyến bay giải cứu”. Vì lòng tham mà bất chấp kỉ cương, pháp luật, đạo đức công vụ. Chúng biến những chuyến bay từ chủ trương nhân đạo, nhân văn thành sự lừa đảo, lợi dụng trong lúc hàng vạn công dân rất lo lắng, sợ hãi, thậm chí đang tuyệt vọng trong đại dịch Covid-19.
5. Các “nhóm lợi ích” trong vụ án này đã làm méo mó, tan vỡ chủ trương đúng đắn, tốt đẹp, nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, làm nóng lên nạn tham nhũng, tiêu cực, làm mất lòng tin trong Nhân dân và xã hội. Tại phiên toà, các bị cáo bị buộc tội “nhận hối lộ” 165 tỉ đồng nhưng trên thực tế các doanh nghiệp khai đã đưa hối lộ 225 tỉ đồng. Vậy còn 60 tỉ đồng nữa đi đâu, vào túi ai? Mặt khác, qua đấu tranh các bị cáo mới khắc phục nộp 60 tỉ đồng là rất thấp, cần phải triệt để thu hồi. Bị cáo Phạm Trung Kiên dùng tiền nhận hối lộ đầu tư bất động sản ở Ba Vì (Hà Nội), ở Mũi Né (Bình Thuận), cho vay phải kê biên, thu hồi tài sản. Một số quan chức của Bộ Quốc phòng liên quan vụ án, Bộ Công an đã chuyển hồ sơ sang Quân đội để Toà án Quân sự Trung ương xét xử. Có những bị cáo nhận hối lộ khai trao một phần “cho người khác”, cần được làm rõ là những ai?
Bị cáo là quan chức cấp cao càng phải tăng nặng hình phạt và dành mức án cao nhất cho những kẻ nhận hối lộ số tiền rất lớn.
6. Qua vụ án này, vấn đề cốt lõi của nguyên nhân là kẽ hở về công tác cán bộ từ việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng đến kiểm tra, giám sát, phát hiện vụ việc của những người có trách nhiệm cần rút ra bài học vô cùng đắt giá, đau xót.
----------
(*) Chuyến bay combo: Do doanh nghiệp triển khai để đưa công dân tự nguyện trả phí trọn gói và thực hiện cách li y tế.