Về thiền và Thơ Thiền của tổ Trúc Lâm
Văn hóa - Thể thao 04/10/2022 10:59
Những năm gần đây, ông ra nhiều đầu sách: “Quả thơm”, “Xôn xao và Tĩnh lặng”, “Hai Thiện trí thức và nhà sư”, “Hằng Giác”, “Những lời ẩn dụ thiêng liêng” và nhiều bài viết chuyên sâu về văn hóa trên các trang báo địa phương và trung ương. Đặc biệt, gần 30 năm qua, như là một cơ duyên với đạo Phật, ông thường có bài viết trên các tờ báo và tạp chí Phật giáo như Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Giác ngộ, Văn hóa Phật giáo, phatgiao.org.vn, Vườn hoa Phật giáo và Đạo Phật ngày nay. Lần này cư sĩ Nguyễn Đức Sinh ra mắt bạn đọc cuốn “Thơ Thiền của tổ Trúc Lâm” đề cập hai nội dung: Vẻ đẹp văn chương qua những áng thơ Thiền của tổ Trúc Lâm; Thiền và triết lí nhân sinh vi diệu qua thi kệ của người xưa. Xin được giới thiệu cuốn sách quý này.
Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt |
Thiền trong Phật giáo giúp ích gì? Đây là câu hỏi từ ngàn năm trước đã được trả lời: Đức Phật Thích Ca đã khổ hạnh (nhịn ăn) để tọa Thiền dưới cội Bồ Đề mà giác ngộ thành Phật. Chư Tổ của nhiều tông phái Phật giáo cũng đều do tu Thiền mà thành đạo quả. Ở nước ta, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn… cũng nhờ Thiền mà nhiều đời Tổ chứng được pháp cao tột.
Thiền trong đạo Phật giúp ta cởi bỏ được những ưu tư, phiền não, sầu muộn để được thanh tịnh, an vui. Thời Trần, ông vua khởi đầu triều đại là Trần Thái Tông, với tác phẩm “Khóa hư lục” cũng đồng tư tưởng Thiền học với Tổ Bồ Đề Đạt Ma, diễn giải pháp tu Thiền nhập thế. Đây là pháp tu Thiền tối thượng thừa cao tột của Đại thừa Phật Giáo.
Với vẻ đẹp trong những áng thơ Thiền giữa đời và đạo, tác phẩm của các Thiền sư đã góp tiếng nói chung vào nền văn hóa, văn học nước nhà. Đại biểu cho các thi phẩm thơ Thiền phải kể đến các Thiền sư thời Lý - Trần. Đó là Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Mãn Giác, Sơ Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Nhị Tổ Pháp Loa, Tam Tổ Huyền Quang và nhiều Thiền sư khác đã viết nên những bài phẩm thi kệ để đời cho hậu thế.
Với Mãn Giác Thiền sư thời Lý, bài “Cáo tật thị chúng” được xem là bài thi kệ nổi tiếng với triết lí nhân sinh bất ngờ, độc đáo, bởi tính trường tồn của con người xét về mặt tâm linh được tác giả thể hiện dưới bút pháp ngôn ngữ giản dị nhưng thật sự tinh tế về tư duy Thiền học: Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân đến trăm hoa cười/ Sự việc thì đi mãi/ Trên đầu già đến rồi/ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai.
Cũng với triết lí nhân sinh của Thiền, Vạn Hạnh Thiền sư trong bài “Thị tịch” khiến chúng ta suy ngẫm về con người và cuộc thế thịnh suy của thời đại, dẫu phải trải qua bao thăng trầm: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn vật xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Nghĩa là: Thân như bóng chớp có rồi không/ Cây cối xuân tươi thu não nùng/ Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi/ Kìa kìa ngọn cỏ hạt sương đông.
Nếu các Thiền sư đời Lý dùng cái suy tưởng trong văn phong để tải đạo, thì các Thiền sư thời Trần lại truyền giáo lí đạo Phật bằng ngôn ngữ quần chúng giản dị, dễ hiểu. Bài “Xuân vãn” của Sơ Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông chỉ có 4 câu, nhưng người đọc đã thấy ngay nội dung mà Tổ muốn nhắn nhủ tới mọi người. Còn phần kết của bài phú “Cư trần lạc đạo” để chúng ta hình dung và cảm nhận được nét hiện thực trong thơ Thiền nhập thế của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.
Cùng với bài thơ Thiền tiêu biểu của Sơ Tổ Trúc Lâm, chúng ta cũng sẽ bắt gặp nhiều tứ thơ Thiền độc đáo của các Thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang, Từ Đạo Hạnh và đặc biệt hơn là những bài kệ ngộ Thiền, truyền Thiền của các Tổ Thiền tông Ấn Độ như Long Thọ, Bát Nhã, Ba La, Bồ Đề Đạt Ma.
Hi vọng những áng thơ Thiền trong tập sách của người xưa đến với bạn đọc, đặc biệt là lớp NCT, sẽ giúp hiểu thêm về lịch sử nước nhà và Thiền trong Phật giáo của cha ông.