Về thăm nhà cổ Đỗ Gia Viên 200 năm tuổi
Văn hóa - Thể thao 13/06/2024 10:21
Tâm sự với chúng tôi, ông Đỗ Hữu Minh (68 tuổi, chủ nhân Đỗ Gia Viên) cho hay, ngôi nhà cổ này được ông cố tôi xây dựng cách đây hơn 200 năm. Từ nhiều năm qua, khu vườn khá rộng nằm sâu trong rặng tre um tùm, xanh ngát dọc bờ sông với nhiều cây trái; trải qua thời gian, ông và cha tôi đã xây dựng, phục dựng nhiều loại hình nghệ thuật, công trình kiến trúc theo kiểu cổ xưa, rất hài hoà, độc đáo như trong “khu vườn cổ tích” thời xa xưa.
Quan sát chúng tôi thấy, nhà cổ này có chiều dài 14 mét, chiều rộng 10 mét, thiết kế kiểu 3 gian hai chái, mái lợp ngói âm dương đã lên màu rêu phong cổ kính, bờ tường dày gần nửa mét. Với kiểu nhà cổ này, rất mát về mùa Hè và ấm áp về mùa Đông. Dưới nền nhà tráng bằng xi măng nhờ siêng lau chùi nên bóng loáng. Trong nhà thiết kế kiểu xưa với đông phòng, tây phòng… Với 36 cây cột mít to, hệ thống kèo, đà được chạm trổ hoa văn hoạ tiết rất cổ xưa, tinh xảo đã lên màu cánh gián. Trong nhà, có phòng còn bài trí hàng vài chục hũ, bình rượu các loại, có nơi treo những nồi đồng, mâm đồng, chiêng cổ…
Nội thất trong nhà hầu như bằng gỗ. |
Qua tìm hiểu, ông Minh là chủ một chủ doanh nghiệp, chuyên cung ứng vật liệu xây dựng tưởng chừng như “thô cứng”, thế nhưng lại có tâm hồn “bay bổng” đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để tái tạo cảnh quan, xây thêm các nhà bát giác, lục giác… cho khách ngồi uống trà rất thú vị.
Trong vườn còn có khoảng 50 gốc thanh trà (giống Huế) đã ra trái, ăn ngọt thanh, không thua kém thanh trà trồng trên đất “Thần Kinh”, với mận, xoài, thanh long, ổi… mùa nào trái đó, khách thích thì hái ăn, hoặc để mục kích những chùm trái treo trên cây.
Lối vào sân, có cây vải cổ thụ, gốc sần sùi, rong rêu, “lão vải” này đã hơn 170 tuổi, trên gốc được treo vỏ trái bầu khô, khiến “lão vải” thêm phần già nua, cổ tích. Trước sân, có bể nước và hòn non bộ khá to và đẹp với những cảnh ngư - tiều - canh - mục. Trước hòn non bộ, còn có “lão mai”, khoảng 100 tuổi, cứ Xuân đến Tết về, nở hoa vàng rực cả một góc sân.
Trong vườn, ông Minh bỏ công sức xây dựng một “bảo tàng” nông nghiệp thu nhỏ trưng bày gần như đầy đủ các nông, ngư cụ truyền thống của cư dân với hàng trăm hiện, vật dụng luôn đồng hành, gắn bó lâu đời với người dân. Các hiện vật được xếp ngăn nắp, gọn gàng, theo chủ đề. Đến đây, du khách thấy những đồ vật như cối xay lúa bằng tre, cối đá, bát đĩa sứ, nồi đất, nồi đồng…; những nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, xe đạp nước, quang gánh, xe quạt lúa, gàu sòng, gàu dai; những dụng cụ đánh bắt cá như nhủi, lưới, nơm, giỏ...
Dọc theo con sông Túy Loan thơ mộng, du khách đến thăm có thể ngồi câu cá hoặc nằm trên những chiếc võng bằng tre sát bờ sông. Gió mát, võng tre đưa kẽo kẹt, “ru” ta vào giấc ngủ mơ màng. Khi thức dậy, thấy tâm hồn sảng khoái, uống một gáo nước mưa múc trong cái lu sành đặt dưới gốc cau mát đến tỉnh người hoặc nhấp một ngụm chè xanh tỏa khói có vị chát nhưng ngòn ngọt mãi trong vòm miệng.
Đặc biệt, trên gian giữa của ngôi nhà có bức hoành phi với ba chữ Hán đại tự “Tích Thiện Đường”, như một thông điệp gửi lại thế hệ cháu con nên tu thân, tích đức, năng làm việc thiện. Ông Minh cho hay, khi mới xây dựng ngôi nhà, trong tâm ông cố tôi muốn nhắc nhở con cháu về sau siêng làm việc thiện để “tích đức” cho con cháu đời sau.
“Ông cố tôi chọn bức hoành phi “Tích Thiện Đường” để treo ở gian giữa, ý rằng đây là ngôi nhà ông bà để lại bằng công sức từ tâm đức để lưu truyền cho con cháu”. Hai bên có 2 câu đối: “Thiên địa vô tư tích thiện tự nhiên phùng thiện/ Thánh hiền hữu giáo tu thân khả dĩ lập thân” - có nghĩa: “Người nào làm việc thiện sẽ gặt hái được điều thiện/ Con người muốn lập thân thì phải tu thân…”, ông Minh tâm sự.
“Mấy thế hệ chung sống trong mái ấm nhà tôi, tất cả mọi người đều nghe theo lời khuyên bảo của tiền nhân nên con cháu siêng làm việc thiện”. Thể hiện lời di huấn đó, hằng năm anh Minh đã hỗ trợ một số tiền vào quỹ khuyến học địa phương cũng như giúp đỡ những trường hợp đau ốm, khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Anh Minh cho hay, có làm việc thiện như vậy mới xứng danh những người sống dưới bức hoành phi: “Tích Thiện Đường”.