Về nơi “biển hát”
Nhịp sống văn hóa 30/03/2023 08:55
Chuyện xưa ở “Đám lá tối trời”
Ở gần làng Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông hiện nay là khu dân cư đông đúc, nhưng 150 năm trước, đây là vùng hoang vu, cây cối um tùm với nhiều dã thú. Tại đây có một khu dừa nước rậm rạp. Vào bên trong khu này, dù là ngày nắng vẫn thấy tối nên người dân địa phương gọi là “Đám lá tối trời” và lâu ngày, tên này trở thành địa danh.
Tháng 2/1859, quân Pháp tiến công đại đồn Chí Hòa. Trương Định chống cự dưới ngọn cờ của Nguyễn Tri Phương. Đại đồn thất thủ, Trương Định rút quân về vùng Gò Công tiếp tục chiến đấu. Ông đã tổ chức nhiều cuộc phục kích tiêu hao lực lượng địch. Ông được triều đình Huế phong Phó Lãnh binh rồi Lãnh binh.
Biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang. |
Năm 1863, Pháp đánh chiếm Gò Công. Trước sức giặc mạnh với vũ khí tối tân, lãnh tụ nghĩa quân Trương Định chọn “Đám lá tối trời” làm nơi ẩn binh. Trong đám thuộc hạ của Trương Định có Huỳnh Công Tấn, cha của Tấn cộng tác với Pháp, ra đầu hàng Pháp rồi dẫn binh vào “Đám lá tối trời” để bắt ông Trương Định.
Trương Định tuẫn tiết, các nghĩa quân bị Pháp tàn sát, “Đám lá tối trời” trở nên hoang vắng, thê lương. Nguyễn Liên Phong - tác giả cuốn “Nam Kì phong tục nhân vật diễn ca” (năm 1909) - từng ca tụng ông: Tiếng đồn Đám lá tối trời/ Có ông Trương Định trải phơi gan vàng/ Hiền vi cơ chưởng nan minh/ Lưỡi gươm đâm bụng liều mình như chơi/ Nên hư số hệ ở trời/ Khá đem thành bại luận người hùng anh.
Ao Dinh - nơi người anh hùng tuẫn tiết
Nằm trong chuỗi địa danh liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định, Di tích Ao Dinh, ở huyện Gò Công Đông đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia.
Theo truyền thuyết: Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 18/7 (âm lịch) năm 1864, tướng Trương Công Định cảm thấy trong người bần thần bứt rứt khó chịu. Ông muốn đi Lý Nhơn, nên gọi hai hộ vệ sửa soạn ghe thuyền đưa đi. Nhưng có người thuộc tướng tên gọi Xã Tài, năn nỉ cầm ông ở lại vì anh ta đang làm tiệc rượu sắp dọn ra. Vì thế, ông hoãn chuyến đi Lý Nhơn.
Vì không ngờ tiệc rượu của Xã Tài đã có ý lập mưu cùng Huỳnh Công Tấn hãm hại nên đêm ấy, sau buổi tiệc, Trương Công Định ngủ lại tại nhà Xã Tài cùng vài binh lính thân tín. Đến nửa đêm, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp đem binh lính đến bao vây. Ông phá vòng vây thoát ra ngoài nhưng bị Huỳnh Công Tấn bắn một phát quỵ xuống. Ông tuốt gươm chỉ vào mặt Tấn mắng nhiếc rồi đâm vào bụng tự sát… Khi ấy, ông tròn 44 tuổi.
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định. |
Đền thờ Trương Định
Tại huyện Gò Công Đông có Di tích lịch sử cấp Quốc gia là chuỗi địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định, bao gồm: Đám lá tối trời, Di tích Ao Dinh (nơi Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định hi sinh), Đền thờ Trương Định (nơi người dân thờ ông).
Đền thờ Trương Định tọa lạc tại ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông là nơi thờ cúng vị Anh hùng dân tộc Trương Định, người có công khai phá vùng đất Gò Công. Đây được xem là quê hương thứ hai (bên cạnh quê hương Quảng Ngãi) của ông.
Để tưởng nhớ công đức của ông, Nhân dân Gò Công thường gọi là “Trương Công Định” hoặc “Ông Trương”, có nơi ở Gò Công gọi là “Ông Lớn”. Di tích Đền thờ Trương Định là Di tích cấp Quốc gia cùng với Di tích Ao Dinh và Di tích Đám lá tối trời có tên chung là các địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định.
Vùng đất nhiều tiềm năng du lịch
Từ xưa, biển Tân Thành đã đi vào ca dao: Biển Tân Thành lắm cua, nhiều ốc/ Xứ Rạch Gốc nổi tiếng cá kèo/ Em về xứ ấy cho đỡ nghèo/ Anh chồng em vợ, sắm ghe chèo, ta bắt cua.
Nhờ lợi thế ven biển, huyện Gò Công Đông có hơn 18km bờ biển với nhiều chủng loài thủy hải sản, gió biển trong lành. Gắn với biển Tân Thành là rừng ngập mặn, nguyên sinh, nối với cồn Ngang, Lũy pháo đài (huyện Tân Phú Đông)… có thể kết nối du lịch sinh thái vườn và biển. Bên cạnh đó, huyện Gò Công Đông có nhiều làng nghề truyền thống, như khảm ốc xà cừ, tranh kiếng, củ cải muối, dệt chiếu, chế biến cá khô, các loại mắm.
Huyện Gò Công Đông còn có Lễ hội Nghinh Ông tại thị trấn Vàm Láng và các xã Tân Phước, Tân Thành; Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định… Bên cạnh đó, huyện còn có những cánh đồng bạt ngàn, vườn cây trĩu quả, đặc biệt nổi tiếng với vườn sơ ri ở 3 xã Tân Đông, Bình Nghị và Bình Ân. Trái sơ ri Gò Công được thiên nhiên ưu ái ban tặng đầy đủ hương sắc mà không vùng đất nào có thể sánh được, cùng với đó là các sản phẩm đặc trưng của địa phương, như mãng cầu trái tròn, dưa hấu biển…