Người dân bị “hành” khi làm thủ tục xin cấp sổ đỏ
Nhịp cầu bạn đọc 18/05/2022 08:00
Thửa ruộng 1.558 m2 tại ấp 1 xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông do ông Nguyễn Văn Đô khai phá từ 1960. Năm 1982, ông Đô cho ông Đoàn Văn Xinh, người cùng ấp, đơm đặt cá tôm. Hai năm sau ông Xinh trả lại ông Đô, ông Đô cho con gái là Nguyễn Thị Thêm. Bà Thêm bỏ công sức bang (san) bằng rồi trồng lúa. Tính từ ngày bang đất, suốt hơn 30 năm bà Thêm canh tác không ai ý kiến, kể cả ông Xinh nhà ở cận kề. Vậy mà, tháng 9/2018, ông này phát đơn tranh chấp: “Chỉ thị 314 cấp đất cho gia đình tôi 15 sào, nhưng do khó khăn phải đi làm muối và khi về thì thấy bà Thêm canh tác”(!).
Thửa ruộng bà Thêm đã canh tác ổn định mấy mươi năm. |
UBND xã hòa giải không thành nên hướng dẫn ông Xinh khởi kiện theo quy định. Song, có lẽ nhận thấy việc “bỗng dưng muốn… đất” của mình quá vô lí, nên từ đó đến đầu 2022 gia đình ông Xinh “im hơi lặng tiếng”, không khiếu kiện theo chỉ dẫn của chính quyền.
Những “ông”… gây khó!?
Tháng 1/2022, khi bà Thêm làm thủ tục cấp sổ đỏ thì người “cản địa” đầu tiên là ông Nguyễn Thanh Tài, công chức địa chính xã. Ông Tài bảo, muốn được cấp sổ bà Thêm phải… kiện ông Xinh. Bà Thêm “phản biện”: Ông Xinh đòi đất vô cớ, xã đã hòa giải và hướng dẫn khiếu kiện. Thế nhưng, hơn 4 năm qua gia đình ông này im lặng thì coi như từ bỏ tranh chấp. Bởi thế, “đất tôi, tôi làm. Chả phải đụng ai”!…
Phải mất công đấu lí, giải thích mãi, vị “thổ quan” xã này, cũng gần dân nhất, mới chịu. Và, sau khi hoàn tất các công việc, thay vì khoá hồ sơ để gửi cơ quan có thẩm quyền thì ông Tài bỗng chìa ra tấm giấy tòa “đã nhận đơn kiện”, trước đó 1 tháng, của bà Mừng (vợ ông Xinh) để nói rằng đất đang tranh chấp! Thế là lần nữa, bà Thêm lại tổn hao công “giảng” luật, rồi chất vấn ông Tài. Đại để, anh có phân biệt được thế nào là văn bản chứng thực, thế nào là văn bản chấp nhận giải quyết vụ kiện (theo quy định, cứ nhận đơn là tòa phải ra ngay giấy xác nhận. Còn thụ lí hay không là chuyện khác)? Anh có biết, tối đa 8 ngày kể từ ngày nhận đơn, thẩm phán phải làm thủ tục thụ lí? v.v… Với trường hợp bà Mừng, chắc chắn tòa đã trả đơn (vì kiện vô căn cứ). Bởi, nếu thụ lí thì thẩm phán đã gửi thông báo cho nguyên đơn, bị đơn cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ở đây, bị đơn (là bà Thêm) và cả chính quyền xã, cho đến tận bây giờ (giữa tháng 5/2021) vẫn không nhận được bất kì văn bản nào của cơ quan tố tụng. Còn nữa, tòa kí nhận đơn từ giữa tháng 3 nhưng mãi thượng tuần tháng 4, “ông thổ” xã mới chìa ra, bảo tranh chấp nhằm trì hoãn việc đưa hồ sơ cho bà Thêm nộp huyện?… Và như thế, rõ là vị công chức xã này rất “có vấn đề”!
Phiếu lấy ý kiến khu dân cư, có sự hiện diện của ông địa chính Tài. |
Do không “cãi” nổi bà Thêm, ông Tài “im” thì đến lượt “sếp” là Chủ tịch UBND xã Gia Thuận Võ Thế Hùng phát giấy mời người phụ nữ U70 đúng 8h sáng 20/4/2021 có mặt tại ủy ban để “trao đổi đơn tranh chấp quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì ông Hùng lại hủy luôn việc “trao đổi” mà kí hồ sơ để chuyển lên huyện. Những tưởng mọi việc đã hanh thông, nào ngờ lại vấp cửa ải là các “quan” huyện. Cụ thể, khi bà Thêm nộp hồ sơ trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng kí đất đai Gò Công Đông không thấy ai nói gì. Tuy nhiên, hôm sau ông Tấn và 1 phụ nữ của cơ quan này điện thoại bảo trả hồ sơ. Vì, xã ghi “nguồn gốc sử dụng đất: Bà Thêm sử dụng ổn định từ 1987, năm 2018 ông Xinh tranh chấp, xã hòa giải không thành nên hướng dẫn ông Xinh khởi kiện theo quy định” là chưa rõ nguồn gốc và còn tranh chấp.
Đại diện của bà Thêm lại phải “đấu”: Xã ghi như thếl à rõ. Họ đồng ý cấp sổ nên mới kí chuyển hồ sơ, còn nếu đất tranh chấp thì họ đã ngưng, không đưa hồ sơ cho dân lặn lội 20 cây số từ nhà lên huyện nộp… Tất cả sự rõ ràng đều được thể hiện “xuyên suốt” bộ hồ sơ, từ phiếu lấy ý kiến dân cư (kết luận tình trạng: “không tranh chấp”), văn bản xác nhận lịch sử thửa đất cho đến biên bản kết thúc niêm yết công khai… “Còn bổ sung gì thì ghi ra giấy, không nói mồm” - “khổ chủ” Thêm kiên quyết.
Bản niêm yết sau 15 ngày không ai khiếu nại, tranh chấp. |
Gần 1 tuần tiếp theo, bà Thêm lại lên huyện. Tiếp bà Thêm, nữ chuyên viên đã điện thoại nói “trả hồ sơ” hôm trước khẳng định “hồ sơ thiếu nhiều” và chỉ bà gặp ông Tấn. Ông Tân lấy hồ sơ ra trả, kèm giấy ghi những gì cần bổ sung. Trong giấy có thông tin: Thửa ruộng đã được cấp sổ đỏ cho ông Xinh… từ năm 1997(!).
Có thật thế không?
Quá bất ngờ, đại diện của bà Thêm thắc mắc thì được ông Tấn đưa đi gặp ông Sơn, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Ông Sơn xác nhận thửa đất đã có sổ, rồi dẫn vào phòng Phó Giám đốc Chi nhánh Đăng kí đất đai. Tại đây, bà Thêm được nghe “phán”: Hãy về tranh chấp với gia đình ông Xinh, nếu xã hòa giải bất thành thì kiện ra Tòa!… Ơ hay, thế thì sau bao công sức đi lại, biện luận từ xã lên huyện, kết quả chỉ là 1 vòng tròn, trở lại điểm xuất phát (như lời ông Tài gần nửa năm trước: Phải kiện ông Xinh và chờ tòa xử)?
Đúng là, chiểu luật, nếu ông Xinh đã có sổ đỏ thì bà Thêm, muốn cấp sổ sẽ phải kiện. Song kiện là kiện UBND huyện (vì cấp sổ sai), hà cớ gì kẻ đang sử dụng đất, mấy mươi năm, phải đi “so găng” với người hàng xóm? Thế nhưng, vấn đề ở chỗ, có thật ông Xinh đã được cấp sổ hay không? Vì, nếu sổ cấp từ năm 1997 sao đến nay ông Xinh - bà Mừng cũng như chính quyền xã không hề hay biết?…
Thừa kế (TK) cho ông nào sao không photo hết? |
Theo chúng tôi, thửa ruộng này được cấp sổ đỏ là điều đáng nghi vấn. Bởi, trang photo từ 1 sổ bộ nào đó, mà ông Tấn cung cấp cho bà Thêm, có những điểm “rất mờ”. Đó là, thửa đất 1.558 m2 “xấu số” này, mang kí hiệu BCS (đất bằng chưa sử dụng) mà chưa sử dụng thì không thể cấp sổ. Hơn thế, tại phần ghi nội dung lại có dòng viết tay “TK (tức, thừa kế) cho ông…”. Lạ thật, cho ông nào thì vị chuyên viên tên Tấn chừa lại, không chịu photo?.
game bài đổi thưởng tiền that sẽ tiếp tục thông tin!